(Thethaovanhoa.vn) - Thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ trong 6 tháng đầu của tài khóa 2021 (bắt đầu từ ngày 1/10/2020) đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân được xác đinh là do các tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nguồn thu từ thuế bị sụt giảm, trong khi chi tiêu cho các biện pháp cứu trợ dịch bệnh tăng vọt.
Theo số liệu mới nhất được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/4, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, các khoản chi tiêu đã vượt 1 tỷ USD so với cùng kỳ tài khóa trước, vốn kết thúc trước khi các gói cứu trợ mới quy mô lớn được triển khai.
Điều này dẫn tới thâm hụt ngân sách trong 6 tháng đầu tài khóa 2021 lên mức 1.700 tỷ USD, tăng 130% so với mức thâm hụt 743 tỷ USD của cùng kỳ tài khóa trước. Chỉ tính riêng tháng 3, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng vọt 454% lên 541 tỷ USD.
Trao đổi với báo giới, một quan chức bộ trên nhận định ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với hệ lụy là sự gia tăng số người thất nghiệp đã bắt đầu "lộ diện" vào cuối tháng 3 vừa qua.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Gói cứu trợ này đã nhận được sự hoan nghênh khi vừa thúc đẩy được tăng trưởng trong nước vừa thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của thế giới.
- Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục, gần 2.000 tỷ USD, thất nghiệp tăng cao
- Tổng thống Donald Trump công bố đề xuất ngân sách tài khóa 2021 nhiều tham vọng
Theo tính toán sơ bộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngoài việc bơm vào nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, gói cứu trợ còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, kéo dài trợ cấp thất nghiệp cho tới tháng 9 cùng khoản thanh toán trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ bắt đầu từ đầu tháng 3. Người phát ngôn IMF Gerry Rice cho rằng gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD này sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ từ 5-6% trong 3 năm tới. Ngoài ra, nhu cầu trong nước cao hơn cũng sẽ giúp nhiều nước khác bán được nhiều hàng hóa hơn cho người tiêu dùng Mỹ.
Được đánh giá là một trong những động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho một năm đột phá, khi các gói kích thích tài khóa khổng lồ và chính sách nới lỏng tiền tệ chuyển thành tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng.
IMF dự báo nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ phục hồi vững chắc với tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,4%, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Con số này cao hơn 1,3% so với dự báo IMF đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp dự báo sẽ giảm từ 8,1% năm ngoái xuống còn 5,8% năm nay và 4,1% trong năm 2022.
Phương Oanh/TTXVN
Tags