Thăm lại 'Xóm Cầu Mới' của Nhất Linh

Thứ Năm, 24/02/2022 10:03 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Xóm Cầu Mới là tác phẩm tham vọng, nhưng dở dang của Nhất Linh, khi nhà văn mong viết một bộ tiểu thuyết “gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời”. Và kể từ lần ra mắt đầu tiên, sau gần năm mươi năm, cuốn tiểu thuyết mới tái bản ở Việt Nam (Phanbook và NXB Phụ Nữ ấn hành).

Có một Nhất Linh trong thi ca qua 'Căn nhà An Đông của mẹ tôi'

Có một Nhất Linh trong thi ca qua 'Căn nhà An Đông của mẹ tôi'

Cuốn truyện ký "Căn nhà An Đông của mẹ tôi" (Phanbook và NXB Đà Nẵng) vừa phát hành của Nguyễn Tường Thiết tuy viết nhiều về mẹ và chuyện nhà, nhưng lại gián tiếp vẽ nên một vài chiều kích khác về nhà văn Nhất Linh, đặc biệt nhất là thi ca và hội họa.

1. Cần nhắc lại, cho đến lúc Nhất Linh qua đời năm 1963, Xóm Cầu Mới vẫn còn dưới dạng bản thảo. Mãi đến năm 1973, nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh, mới cho xuất bản trường thiên tiểu thuyết này thành sách. Cũng theo nhà văn Nguyễn Tường Thiết, ông phải mất khoảng thời gian mười năm vì bản thảo đã trải qua cuộc thất lạc và tìm lại một cách ly kỳ.

Như lời kể của Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh khởi thảo Xóm Cầu Mới từ năm 1940, “suốt 17 năm sau đó, với cả thảy năm lần viết đi viết lại, ông đã khai bút viết lại lần cuối, bên dòng suối Đa Mê vào ngày 23 tháng 10 năm 1957” (Xóm Cầu Mới, tr. 502). Ngày nay, chúng ta còn có thể tìm thấy bức ảnh chụp Nhất Linh nằm trên võng đang xem bản lại bản thảo. Dưới bức ảnh còn có bút tích của Nhất Linh: “Kỷ niệm ngày khai bút Xóm Cầu Mới bên giòng suối Đa Mê, ngày 23-10-57”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nhất Linh

Nhất Linh dự định viết nhiều truyện dài mà các nhân vật có liên hệ xa gần với địa danh Xóm Cầu Mới. Tuy tác phẩm ta cầm trên tay chỉ gần 500 trang khổ lớn, còn cách rất xa với dự định hàng vạn trang của Nhất Linh, nhưng cũng phần nào cho độc giả hình dung được khái quát thế giới nhân vật của Xóm Cầu Mới.

Nhất Linh lấy câu thơ Huy Cận làm lời đề từ, như thông báo về những số phận nổi trôi như cánh bèo hàng nối hàng đi qua xóm nghèo mang tên Cầu Mới. Từ đầu bài đến giờ, viết tên tiểu thuyết là Xóm Cầu Mới cho gọn. Thật ra dưới cái tên này, Nhất Linh còn mở ngoặc viết hai từ Bèo Giạt mà nhà văn ví như “một cuốn Đông Chu liệt quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày”.

Bối cảnh lịch sử của bộ Đông Chu liệt quốc kéo dài hơn năm trăm năm, với rất nhiều nhân vật xuất hiện trên bàn cờ chính trị, chiến tranh liên miên, sự tan rã và thống nhất, “cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”. Sách Xóm Cầu Mới được chia thành hai phần Bình ThảnCầu Gẫy, phần nào thể hiện được ý hợp tan này.

Như mấy lời Nhất Linh trên Văn hoá ngày nay tập I năm 1958, bộ Xóm Cầu Mới đã soạn được sáu cuốn. Trên sơ đồ xóm Cầu Mới, Nhất Linh đặt xóm ở vị trí trung tâm được bao quanh bởi những vùng lân cận rộng lớn, khắc hoạ chi tiết đến bụi tre hay cây đa. Các nhân vật được các lên dàn ý, từ ngoại hình đến tính cách, số phận, nhiều nhân vật còn được nhà văn vẽ phác thảo chân dung. Nhà văn còn kỹ lưỡng lập cả bản giá sinh hoạt như giá gạo, làm nhà… đến thu nhập bình quân (nghèo: 2 đồng, vừa: 4 đồng, sang: 8 đồng). Không rõ thời giá này được tính vào thời điểm nào.

Chú thích ảnh
“Xóm Cầu Mới” vừa ra mắt độc giả sau gần nửa thế kỷ

2. Có thể thấy, từ một ý tưởng, Xóm Cầu Mới dưới mắt Nhất Linh sống động như thể ông đã từng sống ở một nơi tên là Xóm Cầu Mới, đã buồn vui, giao tiếp, nói cười cùng những Mùi, Siêu, Nhỡ, Bé, Đỗi…Một đời sống bình dị không có bóng dáng của những cuộc tranh đoạt (khác bộ Đông Chu) với những con người dù thuộc tầng lớp xã hội nào vẫn có cá tính chứ không lờ nhờ tồn tại.

Cuộc tranh đấu mới cũ trong các tiểu thuyết luận đề ngày trước đã “đoạn tuyệt” xong, cá nhân giờ đây phải đấu tranh với cảm xúc của chính mình. Những con người ở Xóm Cầu Mới, trẻ có, già có, mỗi người mỗi tính, mỗi người một đặc điểm không lẫn, chỉ cần xuất hiện trên trang văn cũng đủ làm độc giả có cảm giác đã gặp họ đâu đó với những câu chuyện vụn vặt, không đầu không cuối. Trong dự thảo của Nhất Linh, ta còn thấy tác giả định viết các cuốn mang tên Người Chiến Sĩ, Người Sát Nhân. Không rõ, với những nhân vật như vậy, chuyện gì sẽ đến với cái xóm này.

Tương tự, độc giả không còn cơ hội biết được chuyện tình cảm Siêu - Mùi, nhưng qua dàn ý của Nhất Linh, có thể hình dung đoạn kết: “Lấy vợ, Mùi yêu. Lấy chồng, Siêu tiếc (yêu nhau nhục dục). Chồng chết. Ở với nhau như tình anh em”. Nhưng đây chỉ là dàn ý ban đầu, biết đâu nếu được viết ra, Nhất Linh có thể thay đổi. Chúng ta không còn cơ hội để biết điều đó.

Xóm Cầu Mới khép lại bằng cuộc hội thoại duyên duyên buồn cười của Siêu và Mùi.

“Chàng nháy Mùi một cái. Mùi mỉm cười nháy lại Siêu, nói:

“Cô ấy nháy anh như thế có phải không? Thích nhỉ. Con bé bạo thật nhưng mà nó mê đặc anh rồi. Hay là nó điên. Nhưng không... lúc thường nó có điên bao giờ đâu”.

Mùi ngơ ngác nét mặt một cách vui thích; rồi lại nháy Siêu một cái nữa:

“Lạ nhỉ. Nó lại nháy anh?”

Siêu cũng bắt chước Mùi ngơ ngác nét mặt rồi nói:

“Lạ nhỉ. Nó lại nháy tôi”.

Rồi chàng tiếp theo:

chẳng lạ gì. Nó có mắt thì nó nháy”.

Đến đây thì không còn gì nữa. Độc giả tha hồ mà đoán. Và ta như thể thấy cái nháy mắt của Nhất Linh với hậu thế hôm nay.

Huỳnh Trọng Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›