Thẩm phán Mỹ chặn sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump

Thứ Năm, 16/03/2017 08:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/3, một thẩm phán liên bang tại Hawaii đã quyết định chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh chính thức có hiệu lực.

Trong phán quyết, Thẩm phán Derrick Watson nêu rõ trong đơn kiện sắc lệnh mới này, bang Hawaii đã đưa ra được những lập luận rất thực tế để chứng minh rằng lệnh cấm có thể gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa.

Phán quyết tại tòa cho phép tất cả các bang tại nước Mỹ không cần thực thi điều khoản thứ 2 trong sắc lệnh trên, liên quan đến việc cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày. Điều khoản thứ 6 của sắc lệnh về việc đình chỉ chương trình nhập cư cho người tị nạn trong 120 ngày cũng bị đình chỉ theo phán quyết của tòa.


Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh tại Washington, DC ngày 30/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Tòa án cũng tuyên bố phán quyết này sẽ không thể đình chỉ trừ trường hợp đơn kháng cáo được nộp.

Tòa án tại Honolulu này là tòa án đầu tiên ra phán quyết chống lại sắc lệnh hạn chế nhập cảnh này. Dự kiến, các tòa án liên bang ở bang Washington và Maryland cũng sẽ ra phán quyết sau đó cùng ngày.

Trong phản ứng đầu tiên, Tổng thống Trump cho rằng phán quyết này là một sự vi phạm luật pháp chưa từng có tiền lệ và tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện bằng mọi cách bao gồm cả việc đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao.

Sắc lệnh hạn chế nhập cư mới được Tổng thống Trump ký hôm 6/3 với nhiều điều chỉnh so với sắc lệnh cũ công bố hồi cuối tháng 1. Theo đó, hủy bỏ các lệnh hạn chế nhập cư đối với công dân Iraq, 1 trong 7 quốc gia nằm trong “danh sách đen” cấm nhập cảnh của sắc lệnh trước đây, cũng như những người có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) hoặc đang có thị thực hợp lệ.

Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên. Tuy nhiên, giới chức Tư pháp các bang của Mỹ cho rằng dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp lại, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›