Tham vọng theo kiểu Mỹ của Milan

Thứ Năm, 22/06/2023 09:50 GMT+7

Google News

Từ Milinkovic-Savic đến Frattesi, từ Chukweze đến Pulisic, từ Thuram tới một tiền đạo vô danh ở giải vô địch… Slovenia, danh sách các mục tiêu chuyển nhượng Hè này của Milan dài cả cây số. Nhưng rất có thể chẳng ai đến cả, vì Milan không-có-tiền.

Những báo cáo đầy hứa hẹn về doanh thu mùa giải vừa qua, với khoản tiền kếch xù từ việc lọt tới bán kết Champions League, hóa ra không được thể hiện trên ngân quỹ dành cho việc mua cầu thủ. Bộ đôi cựu giám đốc Maldini - Massara cũng bị sa thải sau khi đòi hỏi ban lãnh đạo phải chi nhiều hơn để nâng cấp đội hình.

Tay không đi "ngó" khắp châu Âu

Hồi cuối mùa giải, tờ Gazzetta dello Sport từng phân tích rằng Milan có thể có đến khoảng 100 triệu euro quỹ mua sắm trong mùa Hè này, bao gồm tiền được cấp, tiền từ bán cầu thủ và tiền lương tiết kiệm được từ những người ra đi. Nhưng một tháng đã qua kể từ bài báo đó, Milan lúc này lại được cho là chỉ có thể chi tiêu tối đa 30 triệu euro cho nhiệm vụ tăng cường tối thiểu 3 cầu thủ giỏi ở các vị trí tiền vệ tấn công, tiền đạo cánh phải và trung phong cắm. Họ chưa bán được bất cứ cầu thủ thừa nào (rất khó), nên chưa thể trông mong gì vào ngân sách bổ sung.

30 triệu euro cho ít nhất 3 cầu thủ, có thể thấy ngay là Milan khó lòng mua được cầu thủ giỏi. Do đó, họ ưu tiên các hợp đồng chuyển nhượng tự do. Nhưng ngay cả các thương vụ này cũng… quá khó, khi Milan không thể chạy đua về lương với các đối thủ khác. Họ đã thua Roma trong cả hai vụ theo đuổi Houssem Aouar và Evan Ndicka. Mức lương 5 triệu euro/năm trong hợp đồng gia hạn với ngôi sao lớn nhất đội, Rafael Leao, vô tình trở thành ngưỡng trần không thể vượt qua, dẫn đến việc Milan gần như cũng không có cơ hội để chiêu mộ tiền đạo Marcus Thuram, người được PSG sẵn sàng trải thảm với mức lương 7 triệu euro mỗi mùa.

Cầu thủ được cho là nhiều khả năng sẽ đến Milan nhất là tiền vệ 26 tuổi Daichi Kamada, theo dạng tự do từ Frankfurt, cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn sẽ cập bến sân San Siro. Tất cả những gì liên quan đến công tác chuyển nhượng của Milan hiện tại chỉ là tin đồn. Ngày nào báo chí cũng làm dài thêm danh sách của Milan bằng một vài cái tên mới, nhưng trong khi các đối thủ lớn đã có những bước đi cụ thể, Rossoneri vẫn chỉ có thể "theo dõi, đánh giá".

AC Milan: Tham vọng theo kiểu Mỹ - Ảnh 1.

Chủ tịch Gerry Cardinale đang bị người hâm mộ Milan căm ghét

 Tham vọng kiểu Mỹ

Thời gian này, từ khóa #CardinaleOut (Cardinale cút đi) trở nên phổ biến trong cộng đồng người hâm mộ Milan. Giới milanista đã quá chán ghét ông chủ người Mỹ Gerry Cardinale chỉ sau 1 năm chính thức nắm quyền. Những hứa hẹn đầu tư hay nâng tầm đội bóng chưa hề được cụ thể hóa bằng hành động. Sự căm ghét càng tăng lên sau khi Cardinale sa thải huyền thoại Paolo Maldini, một động thái gây bất bình cho cả các nhà phân tích. Cardinale bị cho là coi thường giá trị truyền thống, hình ảnh thương hiệu Milan khi rũ bỏ Maldini.

Việc Maldini mất chức đã có ảnh hưởng cực lớn đến công tác chuyển nhượng của Milan. Những thương thảo đang tiến hành đã bị đình lại hoặc hủy bỏ. Thay Maldini đi đàm phán lúc này là CEO Giorgio Furlani, một người chỉ biết làm kinh tế thuần túy. Không cần nói cũng biết khó khăn dành cho Furlani và Milan sẽ lớn thế nào so với một Maldini chỉ riêng cái tên cũng đã tạo sức hút khó cưỡng với mọi cầu thủ. Đa số các mục tiêu Milan nhắm đến cũng sẽ đặt câu hỏi về tham vọng thực sự của đội bóng này sau những gì đã xảy ra.

Những gì đã xảy ra và đang xảy ra quả thực rất khó nuốt trôi với các milanista, nhưng xét trên góc độ quản trị bóng đá như một mô hình doanh nghiệp của người Mỹ, giới chủ của Milan không làm gì sai cả. Furlani, trong một bài phát biểu gần đây, cho biết mục tiêu của Cardinale là xây dựng Milan đi lên từ một nền tảng tài chính vững chắc, trong đó 2 nhiệm vụ hàng đầu là phải xóa sạch nợ và kiểm soát quỹ lương. Thành công bất ngờ của đội bóng ở Champions League mùa vừa qua là một bước tiến lớn giúp cho quá trình được đẩy nhanh hơn, nhưng vẫn cần thêm những cú hích như vậy nữa để đạt đến thời điểm có thể thực hiện các thương vụ "bom tấn". Người hâm mộ Milan có thể chạnh lòng khi nhìn sang cách Newcastle hay PSG vung tiền, song họ cũng phải thừa nhận rằng đội bóng chỉ hồi sinh kể từ khi người Mỹ tiếp quản.

Milan có thể chưa lập tức trở thành nhà vô địch như người hâm mộ muốn thấy, nhưng hãy chờ xem, đây vẫn đang chỉ là những bước khởi đầu. 

Milan đặt giá Tonali 80 triệu euro

Mối lo ngại lớn của người hâm mộ Milan lúc này là ban lãnh đạo có thể sẽ bán những cầu thủ ngôi sao với giá cao để thu lợi. Theo Corriere dello Sport, trước sự theo đuổi của Newcastle United, Milan đã đặt giá tiền vệ tài năng Sandro Tonali ở mức 80 triệu euro, con số có lẽ chưa đủ thách thức với các tỷ phú Arab. Được biết, người đại diện của Tonali đã bay sang Anh để đàm phán về thương vụ này.

Trước đó, Milan cũng phát giá thủ môn Maignan ở mức 95 triệu euro và được cho là sẵn sàng bán Theo Hernandez với giá khoảng 70 triệu euro. Cả Maignan, Theo và đặc biệt là Tonali đều không muốn ra đi, nhưng họ có thể đổi ý một khi nhận ra Milan không hề có tham vọng hay đáng tin tưởng như họ đã nghĩ. Sự kiện thần tượng Maldini bị sa thải cũng đã có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các cầu thủ này.

 

Vĩnh Nguyên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›