'Tháng này bị chậm lương': Nếu thấy dòng tiêu đề như vậy trên email, hãy cẩn thận vì đó có thể là trò lừa đảo!

Thứ Sáu, 21/04/2023 21:30 GMT+7

Google News

Email lừa đảo có thể bắt nguồn từ những năm 90 nhưng cho đến tận những năm 2023, thủ đoạn này vẫn khiến nhiều người sa bẫy. Với sự phát triển của AI, các trò lừa ngày càng trở nên tinh vi và khó nhận biết hơn. Nếu như nhận được những dạng email có tiêu đề như dưới đây, hãy tránh xa, vì gần như đó chính là lừa đảo.

Giao hàng không thành công

Giao hàng tận nhà đối với các đơn đặt hàng trực tuyến ngày nay trở nên rất phổ biến. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta thường xuyên có các món hàng bị nhỡ. Những kẻ lừa đảo rất thích đặt tiêu đề như vậy trên email vì nó rất gần gũi đối với bất kỳ ai thường xuyên mua sắm trực tuyến.

Nhưng trên thực tế, không có dịch vụ giao hàng nào thông báo về việc giao hàng không thành công trước khi giao đến tận tay người nhận. Vì vậy, nếu nhận được email này, hãy xóa đi.

Thanh toán bị từ chối

Những kẻ lừa đảo biết cách tạo lý do để thu hút sự chú ý của bạn và quan trọng hơn là thúc đẩy bạn thực hiện hành vi. Đó có thể là điều đơn giản như nhấp vào liên kết hoặc truy cập trang web.

Các khoản thanh toán bị từ chối không phổ biến, nên hãy thận trọng xem xét lại bằng cách truy cập trực tiếp vào trang web hoặc nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, thay vì nhấn vào đường link trong email.

RE:

Đây là trò lừa cũ nhưng vẫn hiệu quả với những kẻ lừa đảo. Bắt đầu một chủ đề email với tiền tố "Re:" gợi ý rằng bạn đã liên lạc với người này trước đây và cả hai chỉ đang tiếp tục cuộc trò chuyện.

Nhưng thực chất chẳng có cuộc trò chuyện nào cả. Kẻ lừa đảo chỉ đang muốn tiếp cận bạn cho những mục đích xấu.

"Tháng này bị chậm lương": Nếu thấy dòng tiêu đề như vậy trên email, hãy cẩn thận vì đó có thể là trò lừa đảo! - Ảnh 1.

Tháng này chậm lương

Không ai thích bị trả lương muộn, và bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể gây rắc rối cho những người sống bằng đồng lương. Những kẻ lừa đảo dựa vào nỗi sợ hãi đó với email lừa đảo dạng này.

Trừ khi sếp của bạn thường liên lạc qua email khi có vấn đề liên quan đến tiền nong, còn không đừng tin vào email thông báo về việc chậm lương rồi yêu cầu bạn thực hiện hành động nào đó.

Tài liệu được chia sẻ

Điều này đặc biệt nguy hiểm vì việc chia sẻ tài liệu qua dịch vụ đám mây là khá phổ biến. Những email lừa đảo kiểu như vậy thường trông có vẻ đáng tin cậy, khiến chúng khó bị phát hiện. Luôn kiểm tra bất kỳ đường link nào trước khi nhấp vào, để xem đó có phải địa chỉ chính xác hay không.

Vụ kiện tập thể

Trên TV hay đài phát thanh ở Mỹ từng quảng cáo đình đám về vụ kiện tập thể ở Trại Lejeune khi các cựu quân nhân và gia đình họ tiếp xúc với nước bị nhiễm độc tại đây. Các công ty tiếp thị và công ty luật đã chi hơn 40 triệu USD để quảng cáo vụ việc.

Sự đình đám của vụ việc đã trở thành miếng mồi thu hút những kẻ lừa đảo. Chúng sẽ gửi một email cho các quân nhân tuyên bố rằng họ có quyền nhận được hàng chục nghìn USD từ vụ kiện.

Bạn phải nhấp vào một liên kết hoặc gọi một số điện thoại để được bồi thường. Nhưng hãy cẩn thận. Việc nhấp vào liên kết có thể khiến thiết bị nhiễm phần mềm độc hại hoặc có nguy cơ bị đánh cắp danh tính.

Trong các dạng lừa đảo khác, kẻ gian đề nghị bạn cần phải trả một khoản phí để chúng có thể nộp hồ sơ vụ việc. Nếu bạn trả tiền, chúng sẽ tiếp tục vòi thêm các khoản phí khác cho đến khi bạn nghi ngờ. Ngay khi bạn nhận ra trò có gì đó không ổn, kẻ lừa đảo sẽ biến mất cùng với thông tin và tiền của bạn.

Làm thế nào để tránh email lừa đảo.

Ngoài việc phát hiện các dòng tiêu đề đáng ngờ, người dùng có thể thực hiện các cách dưới đây để tự bảo vệ mình.

Bảo vệ thông tin: Không bao giờ cung cấp dữ liệu cá nhân nếu không biết người gửi email là ai hoặc không thể xác minh danh tính của họ. Tội phạm chỉ cần tên, địa chỉ email và số điện thoại của bạn để lừa bạn.

Luôn sử dụng 2FA: Sử dụng xác thực hai yếu tố (2FA) để bảo mật tốt hơn mọi lúc mọi nơi.

Tránh đường dẫn và tệp đính kèm: Không nhấp vào đường dẫn hoặc tệp đính kèm mà bạn nhận được trong các email không mong muốn. Chúng có thể lây nhiễm phần mềm độc hại vào thiết bị và ăn cắp thông tin nhạy cảm.

Sử dụng mật khẩu mạnh và duy nhất: Dùng mật khẩu duy nhất cho từng tài khoản trực tuyến. Với cách này, nếu một tài khoản bị xâm phạm, nó sẽ không gây nguy hiểm cho những tài khoản khác.

Mạnh Kiên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›