Thành cổ bí ẩn Lương Sơn

Thứ Hai, 15/10/2018 07:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi về thăm thành cổ Lương Sơn, một ngôi thành cho đến nay vẫn còn những điều bí ẩn. Thành nằm ở xã Cao Thắng - huyện Lương Sơn - Hoà Bình, giáp với địa giới ngoại thành Hà Nội hiện nay; nơi tỉnh lộ 424 giao với đường Hồ Chí Minh.

Từ lâu người dân địa phương gọi đây là thành nhà Mạc (1527-1677). Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng thành được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, đời vua Gia Long, khi đó gọi là thành Tỉnh đạo,do một vị tướng nhà Tây Sơn rút về đất Lương Sơn xây dựng căn cứ để bảo toàn lực lượng. Trên thực tế cho đến nay, chưa có một tài liệu nào xác minh chính xác thành cổ này được xây dựng vào thời gian nào.

Thành cổ Lương Sơn có kiến trúc hình vuông, mỗi chiều dài 200 mét, diện tích 40.000 mét vuông, có tường bao quanh, xung quanh là hào sâu. Mặt bắc của thành dựa vào sông Huỳnh, ba mặt còn lại là hào nhân tạo. Do bị bỏ hoang nhiều đời, các cổng thành bị phá huỷ, chỉ còn lại khá nguyên vẹn cổng thành phía tây.

Chú thích ảnh
Tác giả Trần Mai Hường (ngoài cùng bìa phải) và những người bạn tại thành cổ Lương Sơn

Cổng này kiến trúc mái vòm kiên cố, xây bằng gạch, cao khoảng 6 mét, rộng 3 mét. Phía trong cổng còn những mộng đá khá lớn, dùng để chốt giữ và nâng đỡ cổng thành. Tường thành được xây bằng đá ong nhưng đã bị phá huỷ gần hết, chỉ còn một vài đoạn ngắn. Một số người dân địa phương những năm trước đã lấy đá ong ở tường thành đem về làm nhà. Dấu vết còn lại của chân thành giờ là những bờ đất cao hơn so với xung quanh. Theo những người cao tuổi kể lại,trong thành trước đây vẫn còn dấu tích của một số dãy nhà khá lớn.Hiện nay, khu vực trong thành được giao khoán cho người dân địa phương trồng cây ăn quả. Xung quanh thành có những hàng cọ cao, đầm sen bao quanh. Liền đó là những khu nhà dân.

Chú thích ảnh

Được biết, thành cổ Lương Sơn đã được cơ quan bảo tàng tỉnh Hoà Bình khảo sát một số lần để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia. Nhưng do các tài liệu khảo cứu chưa đầy đủ nên công việc này cho đến nay vẫn bị gián đoạn.

Rất mong có sự quan tâm từ những cơ quan có trách nhiệm ở Hoà Bình để những hiện vật, thông tin, tư liệu về thành cổ Lương Sơn được khảo cứu, làm rõ và quan trọng hơn, có sự công nhận và có quy chế để gìn giữ, bảo vệ khu thành cổ này.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

  Chùm ảnh: Di tích thành cổ Luy Lâu còn lại những gì?

Chùm ảnh: Di tích thành cổ Luy Lâu còn lại những gì?

Thethaovanhoa.vn gửi tới quý độc giả chùm ảnh ghi nhận tại hiện trường di tích để độc giả dễ hình dung hơn về những gì đã và đang diễn ra ở khu di tích Thành cổ Luy Lâu

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›