Sáng 23-12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (VH,TT&DL) đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch; Sở Du lịch một số địa phương trong cả nước; đại diện một số sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý du lịch trong nước.
Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, du lịch tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã, đang có những bước phát triển mạnh mẽ để trở thành một điểm du lịch quan trọng của Việt Nam, với mạng lưới sản phẩm dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch trong tỉnh.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2021, toàn tỉnh có 161 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống; 292 sản phẩm đã được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có khoảng 20 sản phẩm OCOP được tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh kết nối phát triển du lịch nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã khai thác, phát triển một số sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm sinh thái, văn hóa làng quê, làng nghề nông thôn như: Nông trại Golden Cow (Thường Xuân); Nông trại Queen Farm (Quảng Xương); chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (Như Xuân), mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả công nghệ cao (Thạch Thành và Thọ Xuân)… Cùng với đó còn có sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng ở bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường (Bá Thước); bản Năng Cát (Lang Chánh)…
Giai đoạn 2018 - 2021, du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thu hút khoảng gần 2,7 triệu lượt khách (riêng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách du lịch nông nghiệp, nông thôn đến Thanh Hóa không đáng kể); tổng thu du lịch nông nghiệp, nông thôn ước đạt gần 3.770 tỷ đồng, tốc độ phát triển bình quân giai đoạn đạt 5,3%/năm; trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế 6,9 triệu USD.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề như: Cơ sở lý luận và thực tiễn cho phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa; thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa… Đồng thời đề xuất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần phát triển du lịch nông nghiệp trong thời gian tới như: Phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển bền vững du lịch nông nghiệp; phát triển làng nghề gắn với du lịch; quy hoạch xây dựng; liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp…
Phát biểu bế mạc hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở VH,TT&DL cảm ơn những ý kiến đóng góp tại hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh đây là cơ sở quan trọng giúp tỉnh Thanh Hóa hoàn thiện Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030” trong thời gian tới.
Tags