Thành phố chết Pompeii đang tái sinh với 'Dự án vĩ đại'

Thứ Ba, 22/02/2022 18:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Dự án Pompeii Vĩ đại” (Pompeii Great Project) với khoản viện trợ 120 triệu USD từ quỹ của Liên minh châu Âu (với điều kiện phải được chi kịp thời và hiệu quả từ năm 2016) đã giúp ngăn những tàn tích của Pompeii khỏi bị xuống cấp thêm. Nhờ đó, giờ thành phố cổ đại La Mã này đang tái sinh.

'Tour du lịch' online tới thành phố bị chôn vùi Pompeii

'Tour du lịch' online tới thành phố bị chôn vùi Pompeii

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã làm tạm ngưng nhiều hoạt động văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng không vì thế mà những cơ sở như bảo tàng chịu bó tay.

Cần nhắc lại, năm 79 sau Công nguyên, trong vài giờ đầy kinh hoàng, Pompeii từ một thành phố sôi động đã bị thiêu rụi và biến thành một vùng đất hoang tàn sau khi núi lửa phun trào dữ dội

Những nhiệm vụ tưởng như “bất khả thi”

Sau đó, trong lịch sử, Pompeii đã được khai quật nhưng lại rơi vào tình trạng đáng báo động do hàng thập kỷ bị bỏ bê, quản lý yếu kém và bảo trì không có hệ thống đối với những tàn tích được viếng thăm nhiều. Tuy nhiên, thời gian này Pompeii đang trải qua quá trình tái sinh.

Cụ thể, các chuyên gia đang tiến hành các cuộc khai quật - như một phần của chiến lược ổn định kỹ thuật nhằm ngăn chặn những vụ sụp đổ mới - và qua đó tiết lộ thêm nhiều chi tiết về cuộc sống hàng ngày của cư dân Pompeii trong bối cảnh lăng kính phân tích giai cấp xã hội ngày càng được áp dụng cho những khám phá mới.

Chú thích ảnh
Di chỉ khảo cổ Pompeii ở phía Nam Italy

Dưới sự điều hành của Gabriel Zuchtriegel (41 tuổi, được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công viên Khảo cổ Pompeii từ tháng 10/2021), công nghệ sáng tạo đang giúp khôi phục một phần ánh hào quang gần như bị mai một của Pompeii và hạn chế được tác động của mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Ông Zuchtriegel ví sự xuống cấp nhanh chóng của Pompeii, bắt đầu từ những năm 1970, giống như “một chiếc máy bay lao xuống mặt đất và thực sự có nguy cơ bị vỡ”.

Theo ông Zuchtriegel, công nghệ mới rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại thời gian này, khi nó xử lý các vấn đề bảo tồn đang đặt ra với di tích. Thực tế, khí hậu khắc nghiệt, bao gồm lượng mưa ngày càng gay gắt và những đợt nắng nóng thiêu đốt, luôn đe dọa Pompeii.

Chú thích ảnh
Bức bích họa bên trong một ngôi nhà tại Pompeii

Ông Zuchtriegel cho biết, không thể dựa vào mắt người để phân biệt các dấu hiệu của sự xuống cấp do khí hậu gây ra trên sàn khảm và các bức tường bích họa trong khoảng 10.000 căn phòng được khai quật của các biệt thự, xưởng và những ngôi nhà của di tích. Vì vậy, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy bay không người lái sẽ cung cấp dữ liệu và hình ảnh theo thời gian thực trong quá trình trùng tu. Các chuyên gia sẽ được cảnh báo để “xem xét kỹ hơn và có sự can thiệp trước khi chúng ta chứng kiến các tòa nhà đang sụp đổ” - Zuchtriegel nói.

Chú thích ảnh
Bức bích họa mô tả một nhà thơ tại Pompeii

Kể từ năm ngoái, AI và robot đang giải quyết nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi: Tái tạo các bức bích họa đã bị vỡ vụn từ những mảnh vụn nhỏ. Mục tiêu được chú trọng nữa là tái tạo lại trần nhà có bức tranh House Of The Painters At Work từng bị vỡ tan sau cuộc ném bom của quân Đồng minh trong Thế chiến II.

Bên cạnh đó, robot cũng sẽ giúp sửa chữa những hư hỏng của bức bích họa trong Schola Armaturarum - tòa nhà 2.000 năm tuổi từng là doanh trại của các võ sĩ giác đấu nhưng bị sụp đổ hồi năm 2010. Ngôi nhà này đã bị sụp đổ do trọng lượng hàng tấn của các phần chưa được khai quật của thành phố đè lên những tàn tích được khai quật, kết hợp với lượng mưa tích tụ và hệ thống thoát nước kém.

Chú thích ảnh
Tấm khảm bên trong “House of the library” tại di chỉ khảo cổ Pompeii

Những phát lộ thú vị

17 trong số 66ha của Pompeii vẫn chưa được khai quật, bị chôn vùi sâu dưới lớp đá nham thạch. Cuộc tranh luận xoay quanh việc liệu nên khai quật phần diện tích này hay không đã diễn ra từ rất lâu. Theo Zuchtriegel, vào đầu thế kỷ 19 các chuyên gia từng quyết định “khai quật toàn bộ Pompeii”. Tuy nhiên, trong những thập kỷ trước khi xúc tiến “Dự án Pompeii vĩ đại”, có quá nhiều vấn đề nảy sinh khiến các chuyên gia quyết định không nên khai quật thêm nữa. Người tiền nhiệm của Zuchtriegel là Massimo Osanna đã thực hiện một cách tiếp cận khác: Khai quật các mục tiêu khảo cổ có thể gắn kèm các biện pháp ổn định nhằm ngăn chặn sự sụp đổ tiếp theo.

“Đó là một phần của cách tiếp cận có chiều sâu hơn, nhờ đó chúng tôi có sự kết hợp giữa bảo vệ, nghiên cứu và khả năng tiếp cận” - Zuchtriegel nói.

Chú thích ảnh
Một bức tranh khảm đen và trắng trên sàn cho thấy hình ảnh của một con chó bảo vệ và một dòng chữ bằng tiếng Latin “Hãy coi chừng con chó”  bên trong khu khảo cổ Pompeii

Sau sự sụp đổ của khu nhà dành cho đấu sĩ, các kỹ sư và nhà điều hành công viên khảo cổ quyết định phủ lưới ở khu đất đằng trước những tàn tích được khai quật, giữ cho “sườn đồi” mới hình thành không bị vỡ vụn. Gần cuối Via del Vesuvio, một trong những con phố lát đá của Pompeii, cuộc khai quật hồi năm 2018 đã làm lộ ra một khu nhà cao cấp, với bức tường phòng ngủ được trang trí bằng một bức bích họa nhỏ mô tả vị thần La Mã Jupiter cải trang thành thiên nga và Leda, hoàng hậu thần thoại của Sparta và mẹ của nàng Helen thành Troy.

Nhưng nếu du khách kiễng chân để nhìn qua bức bích họa kỳ diệu trên những bức tường lởm chởm của ngôi nhà, họ sẽ thấy cách các phòng phía sau vẫn bao quanh bên dưới rìa Pompeii chưa khai quật và chỉ mới được làm cho “ổn định”.

Chú thích ảnh
Bức tượng Faunus được nhìn từ bên trong một ngôi nhà ở di chỉ khảo cổ Pompeii

Thời gian này, các nhà khảo cổ học ngày càng sử dụng nhiều phân tích giai cấp xã hội và giới tính để giúp giải thích quá khứ. Khi họ khám phá một biệt thự cổ ở ngoại ô thành phố Pompeii, một căn phòng rộng 16m2 được tìm thấy. Căn phòng này rộng gấp đôi kho chứa của biệt thự và là nơi ngủ nghỉ cho một gia đình gồm những người bị bắt làm nô lệ. Trong phòng có 3 chiếc giường, được làm từ dây và gỗ. Đánh giá theo kích thước, 1 chiếc giường ngắn hơn dành cho trẻ em. Khi phát hiện này được công bố vào năm ngoái, Zuchtriegel đã mô tả nó như một “tài liệu cho thấy thực tế bấp bênh của những người hiếm khi xuất hiện trong các nguồn tư liệu lịch sử về Pompeii”.

Tham vọng tạo “cuộc sống mới” ở Pompeii

Mùa Đông này, một chuyến tham quan vào buổi chiều có hướng dẫn viên được tổ chức tại các địa điểm chưa mở cửa cho công chúng. Một trong những điểm đến trong tour tham quan này là “House of the Little Pig” (Ngôi nhà của chú lợn con). Trên bức tường của một căn bếp nhỏ là hình chiếc đầu lợn với chiếc mõm nổi bật được sơn màu lạ mắt.

Chú thích ảnh
Tàn tích trong một cửa hàng ăn nhanh tại di chỉ khảo cổ Pompeii

Tham vọng của công viên khảo cổ còn vươn xa hơn nữa. Napoli gần đó và các vùng ngoại ô rộng lớn bao quanh Vesuvius là nơi hoạt động của tội phạm có tổ chức và tỷ lệ thất nghiệp khiến nhiều người trẻ phải di cư. Vì vậy, công viên khảo cổ đang tập hợp sinh viên từ các học viện ưu tú hơn trong khu vực và từ các khu dân cư thuộc tầng lớp lao động theo học tại các trường thương mại để biểu diễn kịch cổ điển của Hy Lạp tại Nhà hát Lớn. “Chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp vào sự thay đổi” - Zuchtriegel nói.

Chú thích ảnh
Công việc khai quật tại “House of the library” tại di chỉ khảo cổ Pompeii

Ngoài ra, các nhà điều hành công viên khảo cổ còn có kế hoạch tạo ra các khu vực đi dạo công cộng trong một khu vực chưa được khai phá của Pompeii cổ đại mà hiện đang bị sử dụng như bãi rác bất hợp pháp và thậm chí là một trang trại trồng cần sa.

Di sản bị lãng quên trong 17 thế kỷ

Pompeii bị vùi dưới 18m tro và đá bọt sau khi núi lửa Vesuvius phun trào kéo dài 2 ngày vào năm 79. Tàn tích này bị lãng quên trong 1.700 năm kế tiếp cho đến khi được bất ngờ phát hiện vào năm 1748. Từ đó đến nay, việc khai quật Pompeii đã cung cấp một cái nhìn sâu rộng về cuộc sống của một thành thị thời cực thịnh của Đế quốc La Mã. Ngày nay Pompeii - được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1997 - là một trong những điểm thu hút đông khách du lịch nhất tại Italy.

Việt Lâm (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›