(Thethaovanhoa.vn) - Cựu HLV trưởng các ĐTQG dường như đang trải qua những ngày tháng u ám bậc nhất sự nghiệp khi nhận lời dẫn dắt CLB TP.HCM. Sân Thống Nhất là minh chứng rõ ràng nhất cho “thảm cảnh này”.
- Sầm Ngọc Đức đá xấu, HLV Miura nói học trò không kìm chế
- U23 Việt Nam dự ASIAD: Từ HLV Miura đến ông Park!
- HLV Miura sẽ giúp TP.HCM lội ngược dòng?
Đìu hiu là cảnh rõ nhất bộ mặt sân Thống Nhất trong mùa giải năm nay. Bất chấp những bản hợp đồng được quảng bá là bom tấn được chiêu mộ rầm rộ chuẩn bị cho V-League 2018, đội bóng của HLV Miura càng đá càng minh chứng điều …ngược lại với CĐV địa phương.
Cái danh “con ruột” của bóng đá Sài thành ứng với thầy trò HLV Miura thậm chí là nỗi xấu hổ với không ít người. Bởi lẽ nếu xét V-League là một gia đình thì TP.HCM chính là “thiếu gia đốt tiền” hay “con nhà giàu chịu chơi nhưng học dở”.
Phải đến khi biên bản đệ trình ngành thể thao được hé lộ đến dư luận, không ít người phải tròn mắt với số tiền 150 tỷ đồng/2 mùa giải lãnh đạo CLB bỏ ra để làm bóng đá. So với những “đại gia” khác như Hà Nội hay FLC Thanh Hóa, TP.HCM thậm chí còn bạo chi hơn hẳn. Nhưng đó là về mặt “đốt tiền”, còn thành tích đi ngược lại điều đó.
TP.HCM của HLV Miura càng thi đấu càng khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao họ tốn quá nhiều tiền nhưng thành tích lại đì đẹt. HLV Miura vẫn bình chân như vại trước những sức ép chỉ trích cũng là một điều bất thường khác đối với một ông thầy đầy lòng tự trọng, minh chứng là khi bị VFF sa thải trước hẹn, có tin ông Miura từ chối nhận bồi thường.
Những điều bất thường cứ tồn tại ở TP.HCM, đặc biệt trong chuỗi 13 trận thua nhiều hơn hòa trước khi họ sắm được ngoại binh chất lượng như Matias để đưa CLB qua cơn hiểm nghèo. Tuy nhiên, điều rất bình thường với đội chủ sân Thống Nhất chính là tình cảm của CĐV dành cho họ. Trong mùa giải năm nay, người ta đã quá quen với các khán đài Thống Nhất hiu quạnh khi TP.HCM đá trên sân nhà. Nói vui, thầy trò HLV Miura chơi trên sân nào cũng là sân khách khi họ đa phần nhận được phản ứng dửng dưng từ người xem. Đã thế trên khán đài, khoảng 100 CĐV của CLB này còn tách riêng rẽ ở 2 góc khán đài.
Những hiệu ứng mà TP.HCM mang lại cho V-League năm nay không phải chỉ tiêu cực, nhưng có vẻ với những tiền của bỏ ra đã không thu về kết quả như ý. Hệ thống quảng cáo đèn LED tân tiến bắt mắt nhưng cũng không nhiều đối tác muốn gắn bó với CLB luôn chực chờ nhóm cuối. Sân Thống Nhất năm nay đón lượng CĐV kỷ lục khi thầy trò HLV Miura tiếp SLNA ở trận đấu bù vòng 1. Nhưng với 12 ngàn người đến sân, quá nửa đến cổ vũ cho đội bóng quê hương xứ Nghệ.
Còn lượng CĐV theo thống kê liên tục từ gần cuối lượt đi đến hiện tại nhiều cũng chỉ 3 ngàn người và ít đôi khi chưa đến con số 1 ngàn. Năm ngoái, Chủ tịch Nguyễn Giang Đông của CLB Sài Gòn cũng bóng gió “bóng đá trước tiên phải là bóng đá”. Khi CLB này có thành tích kèm những lời mời các ca sĩ đến biểu diễn ở Thống Nhất, lượng CĐV cũng không đến nỗi tồi với đội quân của bầu Hiển. Sài Gòn cán đích TOP 5 V-League 2017 và nhận được nhiều lời khen từ chính CĐV địa phương hơn hẳn TP.HCM.
Thương hiệu của một CLB được đo đạc bằng tình cảm của CĐV. Hai CLB Sài thành năm nay đón lượng CĐV đến sân Thống Nhất tương ứng với thành tích đì đẹt của họ trong mùa giải này. Người trong cuộc tiết lộ số tiền bán vé thậm chí còn không bù nổi khoản thuê sân bãi để biến Thống Nhất thành sân nhà. Thậm chí so với thời XMXT Sài Gòn, một đội bóng cũng từng được ví như “gánh hát” đã mua hộ khẩu Sài thành, Sài Gòn hay TP.HCM đều thua đứt. Năm đó, bầu Thụy vung tiền mua sao, thuê nghệ sĩ danh tiếng về khuấy động nhưng chẳng được mấy ngày vui, bây giờ, bóng đá Sài Gòn chỉ thấy nỗi buồn phảng phất trên sân Thống Nhất.
Việt Hà
Tags