Cách đây gần 10 năm, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong sự mong chờ của các nhà đầu tư và cổ đông.
Vào thời điểm đó, Facebook được coi là "đứa con cưng" của thế hệ Internet, đơn thuần kết nối mọi người. Giờ đây, "gã khổng lồ" công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đã đổi tên thành Meta sau những lùm xùm làm hoen ố hình ảnh, liên quan đến việc đặt lợi nhuận lên trên quyền riêng tư của người dùng và thậm chí cả lợi ích của xã hội.
Ra đời năm 2004 tại ký túc xá của Đại học Harvard (Mỹ), Facebook nay thuộc sở hữu của Meta đã trở thành mạng xã hội thống trị trên thế giới với hơn 2,9 tỷ người sử dụng. Tuy nhiên, giống như các nền tảng trực tuyến miễn phí khác, Facebook đang kiếm tiền từ các quảng cáo nhắm vào sở thích của mọi người.
Công ty khai thác thông tin về các hoạt động trực tuyến của người dùng để trở thành một tập đoàn quảng cáo kỹ thuật số khổng lồ, thu về hàng tỷ USD.
Các nhà phê bình cho rằng Meta đang chỉ tập trung vào tăng trưởng mà lờ đi việc bảo vệ dữ liệu của mọi người khi số lượng người dùng của Facebook tăng lên hàng tỷ người. Nhà phân tích Carolina Milanesi của Creative Strategies nhận định vào thời điểm ra mắt sàn chứng khoán, Facebook được xem là "trẻ trung, sắc sảo và kết nối mọi người".
Tuy nhiên, giờ đây, hầu hết mọi người đều nhìn nhận Meta dường như đang "thao túng chính trị" và ưu tiên quảng cáo; trong khi nền tảng Facebook bị chỉ trích dường như "luôn thèm khát dữ liệu".
- Thẩm phán Mỹ cho phép khởi kiện tập thể đối với Facebook
- Australia kiện Meta không chặn quảng cáo lừa đảo trên Facebook
- Thu thuế từ Facebook, Google… trung bình mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng
Vào năm 2016, Meta (vào thời điểm đó vẫn tên là Facebook) đã vướng vào tranh cãi liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hai năm sau đó, mạng xã hội này lại vướng vào bê bối sau khi công ty tư vấn Cambridge Analytica của Anh đã lén lút thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook và sử dụng những thông tin này cho các mục đích chính trị.
Các cơ quan quản lý ở châu Âu đã thông qua một đạo luật nhằm trao thêm quyền kiểm soát cho người dùng đối với dữ liệu trực tuyến của họ. Apple đã điều chỉnh phần mềm di động của mình để ngăn các ứng dụng như Facebook thu thập các dữ liệu của người dùng để phục vụ cho quảng cáo hiệu quả hơn.
Trải qua nhiều bê bối, hiện Meta đang hướng tới đầu tư rất nhiều vào không gian kỹ thuật số metaverse bằng cách bổ sung các tính năng mới trên các thiết bị phần cứng đóng vai trò là điểm truy cập vào thế giới ảo.
Metaverse là không gian kỹ thuật số được dựng lên như một thế giới ảo, nơi người dùng có thể tương tác với nhau và có những trải nghiệm chân thực y như thế giới thực. Thông qua các công cụ hỗ trợ thực tế ảo như VR hay AR, con người có thể sống và nhập vai trong không gian metaverse. Thay vì gặp mặt trực tiếp trong thế giới thực, metaverse cho phép mọi người nhập vai để gặp gỡ và tương tác với nhau trong không gian ảo bất chấp mọi trở ngại vật lý.
Một số ý kiến cho rằng sự chuyển hướng này là một trong những nỗ lực của Meta nhằm đánh lạc hướng khỏi những vụ bê bối đang ảnh hưởng đến Facebook.
Chuyên gia độc lập David Bchiri thì nhận định Meta "đã đi trước rất xa do đó rất khó bị chế ngự". Trong khi đó, chuyên gia Milanesi cho biết bà không nghĩ rằng Meta đang muốn trở thành công ty truyền thông xã hội metaverse.
Bà dự đoán vào "sự xoay trục mạnh mẽ hơn nhiều" trong việc liên kết người tiêu dùng và doanh nghiệp, mua hàng hoặc tham dự các sự kiện, thay vì kết nối mọi người ở cấp độ cá nhân. Trong metaverse, người dùng Facebook có nhiều khả năng đi mua sắm hơn thay vì tìm hiểu bạn bè của họ đã làm gì trong kỳ nghỉ. Chính yếu tố này khiến Meta và mạng xã hội Facebook tiếp tục là một trong những sự lựa chọn hàng đầu mà các thương hiệu đang muốn tranh thủ để thu hút và lôi kéo khách hàng.
Phương Oanh/TTXVN
Tags