(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 21/8/2018, Vingroup công bố định hướng mới, muốn trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong 10 năm tới, với một hạ tầng giống như thung lũng silicon của Mỹ. Họ sẽ xây dựng thung lũng rộng hơn 70 héc-ta này tại Đông Anh, Hà Nội.
Với mong muốn tạo không gian cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ có thể yên tâm phát huy khả năng, VinTech City sẽ hỗ trợ miễn phí trang thiết bị, máy tính, hệ thống mạng nội bộ, internet, an ninh mạng… Họ cũng hỗ trợ miễn phí về lưu trữ dữ liệu, pháp lý, nhân sự, tài chính, kế toán… trong 1 đến 3 năm đầu tiên.
“Chúng tôi cũng đã ký kết với hơn 50 đại học về khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam để chuẩn bị nguồn nhân lực gồm 100.000 kỹ sư cho 10 năm tới. Đó là những bước đi đầu tiên trong chiến lược đầu tư trọng điểm vào công nghệ - công nghiệp của chúng tôi” - ông Nguyễn Việt Quang (Phó Chủ tịch - Tổng Giám đốc Vingroup) cho biết.
Liệu giấc mơ này có quá sớm hoặc quá sức với thực tế công nghệ tại Việt Nam? Nói như ông Nguyễn Việt Quang thì tự Vingroup sẽ không làm được; nhìn rộng hơn, tự Việt Nam cũng sẽ còn rất lâu mới làm được. Nhưng đây là thời đại của liên minh và chia sẻ công nghệ, nếu đủ tiềm lực, nguồn lực và đi đúng cách, thì hoàn toàn có thể mơ ước, hy vọng.
Như cách đây chừng 10 năm, nói robot hoặc trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence: AI) có thể viết báo, vẽ tranh là điều không tưởng. Nhưng nay thì điều ấy đã là hiện thực. Tháng 10 tới đây, nhà đấu giá danh tiếng Christie's lần đầu tiên đấu một tác phẩm hội họa do trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tác. Tác phẩm có tên “Chân dung của Edmond Belamy”, một Edmond Belamy của trí tưởng tượng, nghĩa là do AI sáng tạo ra, chứ không sao chép lại hiện thực.
Tờ Washington Post cũng xác nhận từ năm 2016, robot có tên Heliograf - thực chất là một phóng viên AI - đã tự viết cả ngàn tin bài liên quan tới cuộc chạy đua vào quốc hội, những trận bóng bầu dục... Hãng thông tấn Associated Press (AP) cũng cho biết ở chuyên mục tài chính, khi AI viết thì tỷ lệ sai lỗi rất ít, trong khi lượng tin bài lại tăng lên hơn 10 lần. Điều đặc biệt là độc giả không biết đây là tin bài do AI viết, vì nó khá tự nhiên, sống động.
Ba ví dụ vừa nêu liên quan gì đến thung lũng công nghệ mà VinTech City đang xây dựng? Nếu nhìn thế giới như một sự tách biệt của biên cương lãnh thổ và bí mật công nghệ, thì đúng là chẳng có liên quan gì, vì Việt Nam còn khá lạc hậu. Thế nhưng việc chia sẻ công nghệ, nương tựa vào nhau (người có phát minh, người có hạ tầng, người có nhân lực… cùng hợp tác) đang trở thành xu hướng mới của thế kỷ 21.
Chúng ta không chỉ sống cùng không gian và thời gian, mà cũng cần sống cùng thời đại, nghĩa là phải chia sẻ được văn hóa, văn minh của bối cảnh toàn cầu hóa. Nếu VinTech City có thể chia sẻ cùng thời đại và môi trường toàn cầu hóa này, thì việc họ xây dựng một nơi giống thung lũng silicon của Mỹ là câu chuyện có cơ sở để thành hiện thực.
Một ví dụ, dù tính chất có thể hoàn toàn khác nhau. Samsung Việt Nam hiện đang tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động người Việt, trong khi nhân sự người Hàn Quốc ở công ty này chưa tới 150 người. Theo báo cáo tài chính năm 2017, tổng doanh thu 4 công ty của Samsung Việt Nam là 65,1 tỷ USD, tương đương hơn 1,5 triệu tỷ VND, chủ yếu nhờ xuất khẩu.
Những sản phẩm mà Samsung Việt Nam làm ra hoàn toàn chia sẻ được công nghệ và văn hóa mà Samsung áp dụng trên toàn cầu. Nếu họ áp dụng trí tuệ nhân tạo, thì điều đó sẽ hiện diện ngay tại Việt Nam, biết cách chia sẻ, chúng ta sẽ có được. Cho nên, nếu VinTech City thật sự có nỗ lực tạo ra một môi trường khởi nghiệp cởi mở, đúng hướng, thì chúng ta cũng nên hy vọng và chúc mừng cho họ. Vì nước lên thì thuyền lên, nếu VinTech City thực sự tạo ra được dòng sông đó, thì nhiều ghe thuyền của chúng ta sẽ có dịp ngược xuôi.
Như Hà
Tags