HLV đội tuyển Việt Nam vừa có chuyến công du 5 ngày tại Nhật Bản và hình ảnh ông gặp Công Phượng được lan tỏa rất nhanh với các đồn đoán rằng cựu tiền đạo HAGL sẽ được triệu tập cho đợt 2 trận vòng loại World Cup với Indonesia.
Chuyến đi kéo dài đến 5 ngày này đồng nghĩa với việc HLV Troussier sẽ không thể trực tiếp có mặt tại Việt Nam để xem 3 vòng đấu gần nhất của V-League từ sau Tết Nguyên đán đến nay, và rất có thể ông Troussier còn công việc khác phải làm ở Nhật Bản chứ chưa chắc liên quan gì đến Công Phượng.
Bởi sẽ rất vô lý khi HLV trưởng đội tuyển quốc gia lại mất thời gian trực tiếp đánh giá phong độ của một cầu thủ không hề có cơ hội ra sân thi đấu ở đội 1 Yokohama FC để rồi bỏ qua xem tận mặt các cầu thủ đang thi đấu dồn dập với mật độ 4 ngày/trận ở V-League.
Nếu phải tìm kiếm những nhân tố mới, phù hợp hơn với tính chất "sống còn" của 2 trận đấu sắp tới với Indonesia thì rõ ràng chỗ của ông Troussier phải ngồi là trên sân cỏ V-League. Theo kế hoạch, ngày 12/3, đội tuyển quốc gia sẽ tập trung, nghĩa là trước vòng 13 - vòng cuối cùng lượt đi V-League - thì ông Troussier phải công bố danh sách.
Như vậy, ông Troussier sẽ không xem 3 trong 4 vòng đấu (từ vòng 9 đến 11) trước khi chốt danh sách triệu tập, trong đó hết 2 vòng không xem vì...sang Nhật Bản và gặp Công Phượng.
Nhưng nhân chuyện của ông Troussier, thì người ta mới… nhớ đến Công Phượng. Ở cái tuổi mà đa số những đồng đội cùng thời tại HAGL đang chơi bóng tại V-League, thì Công Phượng lại sang Nhật Bản "nghỉ hưu" suốt hơn 1 năm qua.
Những người cùng thế hệ U19 với Công Phượng thì có người vẫn thế, tức là không có sự phát triển đáng kể nào, nhưng có người lại cho thấy họ sẽ còn một quãng dài đỉnh cao sau khi rời HAGL như trường hợp của Vũ Văn Thanh hay Hồng Duy.
Nhưng về cơ bản, khi đá ở V-League, những cầu thủ ấy vẫn có thể quay lại phục vụ cho đội tuyển quốc gia. Nên đôi khi cũng không hiểu, Công Phượng sang Nhật Bản để làm gì? Ở cái tuổi của Công Phượng thì chính Chanathip của Thái Lan cũng đã phải quay về chơi ở Thai League để giữ cơ hội chơi bóng đỉnh cao thay vì ngồi dự bị tại Nhật Bản vì yếu tố tuổi tác.
Cũng nhân chuyện của Công Phượng, lại nhớ đến "làn sóng" xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam đang nguội lạnh khó tin. Từ chỗ hăm hở, tin tức ngồn ngộn khó kiểm chứng, thì nay lại im ắng như chính sự lặng lẽ của Công Phượng trên ghế dự bị ở Yokohama FC.
Khi làn sóng xuất ngoại lên cao, chúng ta phân tích khá nhiều về triển vọng của cầu thủ Việt Nam, vậy thì lúc chẳng còn ai muốn ra nước ngoài chơi bóng, có lẽ cũng nên có những đúc rút kịp thời để còn tính chuyện tương lai.
Sẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng có vẻ như làn sóng xuất ngoại không còn đến từ việc chúng ta… thiếu cầu thủ. Hay nói đúng hơn, nhu cầu trong nước, đặc biệt tại V-League đang cao hơn lượng cung cầu thủ giỏi.
Điều này có thể được chứng minh thông qua tuổi tác của các cầu thủ xuất sắc tại giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam trong những năm gần đây. Phần lớn họ đều là các cái tên quen thuộc, có thâm niên chơi bóng tại V-League 4-5 năm trước khi được đề cử cho các vị trí cao nhất. Thực tế thì từ thời của HLV Park Hang Seo đến nay, phát hiện chất lượng nhất là trường hợp của tiền đạo Phạm Tuấn Hải (Hà Nội FC), người không được xếp vào hàng "tài năng trẻ".
Đây mới là điều đáng "báo động" chứ không phải việc V-League không tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ. Sau một thời gian mà các cấp độ đội tuyển quốc gia sử dụng tối đa lứa cầu thủ tài năng, thì bây giờ đến lượt các CLB đang tiếp tục "vắt kiệt" nguồn lực này mà chưa thấy một sự thay thế nào.
Chúng ta đã cạn nguồn rồi sao? Thế giấc mơ World Cup sẽ như thế nào?
Tags