Thầy Gong và chuyện khó nói ở V-League

Thứ Hai, 25/12/2023 06:28 GMT+7

Google News

Có lẽ thuật ngữ "treo quyền chỉ đạo" là một khái niệm chỉ có ở V-League, vì hiểu một cách đơn giản là HLV sẽ không được phép chỉ đạo đội bóng mà ông ta  đang là… HLV. Sự phức tạp ở chỗ, nếu đã không để cho ông ta huấn luyện thì chỉ cần sa thải là xong thôi mà.

Cái chuyện "treo quyền chỉ đạo" về lý thuyết thì khá quen thuộc, ví dụ như HLV bị kỷ luật hay nhận thẻ đỏ, thì đương nhiên không được phép chỉ đạo ở các trận đấu một thời gian ngắn. Cũng có trường hợp thuộc về vấn đề tâm linh, như trước đây có lần HLV Triệu Quang Hà tự "treo ghế" của mình, không ngồi trên băng ghế huấn luyện để chỉ đạo đội Hà Nội T&T thi đấu trong mùa giải đầu tiên đá V-League vì tin rằng sự xuất hiện của mình khiến đội bóng… xui xẻo, đá đâu thua đó.

Nói như vậy vì chúng ta không biết HLV Gong Oh Kyun nằm trong trường hợp nào,  thế mới nói chuyện "treo ghế" của ông  là "chỉ có tại V-League". Vì rất rõ ràng, ông Gong cầm quân tổng cộng 5 trận, thì chỉ thắng đúng 1 trận ở Cúp quốc gia mà đó lại là trận đấu mà ông hầu như chưa huấn luyện trực tiếp các cầu thủ CAHN buổi nào trên sân tập.

Trong bóng đá chuyên nghiệp, mọi thứ nằm ở kết quả thi đấu trên sân và với 4 trận không thắng ở V-League thì nếu CAHN có chia tay ông Gong cũng là điều bình thường. CAHN không thể hiện được sức mạnh của đội hình nhiều sao số trong các trận đấu dưới quyền của ông Gong, cũng có thể hiểu là ông không phù hợp với đội bóng.

Nhưng tại sao là "treo quyền chỉ đạo" nhưng vẫn đang là HLV? Cách xử lý của CAHN đưa đến khá nhiều rắc rối… cho chính họ. Hiểu đơn giản nhất, là CAHN sợ phải đền bù hợp đồng nếu phải sa thải ông Gong vì thời gian ông này cầm quân không nhiều, đá thì cũng có thắng, có thua và hòa nên nói vì kết quả thi đấu mà sa thải thì chưa hợp lý.

Phức tạp hơn một chút, thì có thể CAHN không sa thải HLV Gong vì ngại ảnh hưởng đến hình ảnh CLB. Họ mời ông Gong về khi biết rất rõ ông chưa từng làm việc chính thức ở cấp CLB trong sự nghiệp, danh tiếng của ông chủ yếu đến từ giai đoạn ngắn nắm đội U23 Việt Nam.

Thầy Gong & chuyện khó nói ở V-League - Ảnh 1.

Việc HLV Gong Oh Kyun tuy vẫn còn tại nhiệm nhưng lại không được nắm quyền chỉ đạo là chuyện không hiếm thấy với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Giờ mà sa thải, há chẳng phải lãnh đạo CLB thừa nhận mình đã thiếu thận trọng. Chưa kể, ông Gong để lại thiện cảm trong lòng người hâm mộ Việt Nam qua những gì đã làm cho U23 Việt Nam.

Cuối cùng, rắc rối nhất, việc treo quyền chỉ đạo của HLV Gong Oh Kyun khiến dư luận nghĩ đến chuyện cầu thủ CAHN "bất tuân" với ông thầy người Hàn Quốc.

iSa thải ông, thì dễ xác định lỗi của ông và của lãnh đạo CLB, nhưng để ông "đứng sang một bên" thì giống như hành động chuẩn bị "dọp dẹp" các vấn đề trong phòng thay đồ. Nói thẳng ra là cầu thủ không nghe HLV nên dẫn đến kết quả không tốt.

Nhưng như đã nói, nếu loại bỏ yếu tố tâm linh, thì cách mà CAHN "treo quyền chỉ đạo" của HLV Gong cho thấy có cái gì đó không ổn trong cách quản trị của đội bóng này. Mùa trước, họ lên ngôi vô địch cũng đã có nhiều tranh cãi, chủ yếu vì dư luận cho rằng họ đang đi theo mô hình mua ngôi sao để thắng danh  hiệu.

Vì thế mà khi CAHN mời ông Gong về làm HLV, đó là một nước đi hay, vì HLV Gong Oh Kyun gắn liền với bóng đá trẻ và lối chơi đẹp. Việc CAHN thi đấu chưa tốt dưới quyền của HLV mới cũng không chẳng có gì bất thường vì chính HLV Philippe Troussier cũng đang đối diện với những áp lực tương tự khi thay HLV Park Hang Seo. Tóm lại, thà CAHN cứ sa thải HLV Gong với lý do kết quả và thừa nhận sai lầm của mình trong việc thuê HLV thay vì đưa ra giải pháp "treo quyền chỉ đạo".

Nhưng như vậy thì… đâu phải  bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Mọi thứ không rõ ràng như kiểu của HLV Gong hiện nay đã từng xảy ra nhiều lần ở V-League rồi. Đã từng ông bầu cầm sa bàn chỉ đạo thay HLV trưởng ngay giữa 2 hiệp đấu. Có Chủ tịch CLB sa thải HLV xong rồi ra sân trực tiếp chỉ đạo. Đã có những Giám đốc điều hành tự mình cầm quân thay vì trao quyền cho HLV phó hay trợ lý. Phổ biến nhất là các Giám đốc kỹ thuật có quyền hạn với cầu thủ còn lớn hơn cả HLV trưởng.

Nghĩa là tại V-League, những mắt xích trong bộ máy quản lý đôi khi không xác định được vai trò và chức năng nên khi cần, thì một người có thể kiêm nhiệm được vị trí HLV trưởng cho dù về lý thuyết, đó là công việc cần chuyên môn hóa cao nhất. Rõ ràng, ở những CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam, thì HLV trưởng hóa ra lại là việc dễ làm nhất, còn cả bộ máy quản lý không có việc gì khác để làm nên khi cần lại sẵn sàng kiêm nhiệm… 


Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›