Nhiều nghiên cứu cho thấy, bộ phận giới trẻ hủy kết bạn với người giàu để tránh nợ nần, không muốn sa đà vào những cuộc vui tốn kém.
"Năm nay tôi 26 tuổi, hiện đang làm nhân viên kinh doanh trong một công ty thời trang với mức lương khoảng 11 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ đi các khoản tiền nhà, chi phí sinh hoạt,... cũng chẳng để lại được bao nhiêu. Thế nhưng, khổ nỗi, tôi có nhiều nhóm bạn chơi chung, cứ 1 - 2 tuần mọi người lại rủ đi ăn uống, vui chơi, có khi là du lịch xa. Từ chối không đi mãi cũng ngại, mà mỗi lần đi lại tốn trung bình 500.000 đồng - 600.000 đồng, du lịch ngắn ngày cũng ít nhất trên 1 triệu đồng. Có lúc hết tiền bạn nói cứ đi đi sẽ cho vay, tôi lại thành 'con nợ'".
Chia sẻ của một bạn nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người. Đáng nói, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng cảm với chủ bài đăng. Một bộ phận giới trẻ đang cảm thấy khổ tâm khi những người bạn xung quanh mình có phần điều kiện, giàu có hơn. Tuy nhiên, đó không phải là cảm xúc ghen tị mà vấn đề nằm ở những cuộc tụ tập cùng bạn bè khiến nhiều người phải gồng mình lên bắt kịp. Để giải quyết, nhiều Gen Z chọn cách: Nghỉ chơi với bạn giàu.
"Đuối sức" vì chạy theo bạn giàu
Nhiều người than phiền rằng việc chơi với bạn bè giàu có là một trong các nguyên nhân khiến họ lâm vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền. Trở thành bạn bè là cái duyên, có thể thân thiết lâu dài cũng cần quá trình gắn kết. Ăn uống, cà phê, cùng đi du lịch được cho là một trong những cách để kết nối tình bạn. Thế nhưng, không phải tất cả đều thoải mái với những điều này, nguyên nhân đến từ vấn đề tài chính. "Nhóm 4 đứa chơi thân, mình lương thấp nhất. Các bạn ăn uống, cà phê ở những chỗ sang chảnh, mình cũng phải theo. Hết tiền bạn nói cho vay cũng tặc lưỡi đồng ý. Kết quả vừa nhận lương lại trả nợ cho bạn. Tháng nào cũng luẩn quẩn như vậy", Hà Phương (24 tuổi) chia sẻ với chúng tôi.
Không ít bạn trẻ cảm thấy lạc lõng trong nhóm bạn dư dả tài chính hơn mình. Thay vì thẳng thắn bày tỏ về việc tiền bạc còn hạn hẹp, nhiều người "nhắm mắt, đưa chân", cố gắng tìm mọi cách để vui cùng các bạn. Thùy Dương (25 tuổi) cũng đang rơi vào tình huống khó xử như thế: "Năm nào nhóm cũng rủ nhau đi du lịch. Mọi khi thường đi Đà Nẵng, Phú Quốc,... năm nay các bạn nói đi trong nước nhiều rồi nên muốn đi Thái Lan, Singapore,... Nghe xong mình chỉ biết cười và im lặng vì bản thân không đủ tài chính để đi chơi xa như vậy. Nhưng nói ra lại sợ các bạn mất vui, mình cũng ngại".
"Mới ra trường đi làm chưa lâu, lương 7 triệu đồng. Mình làm thân với 1 nhóm đồng nghiệp. Mọi người rất cởi mở cho tới khi mỗi lần rủ đi ăn đều hết tiền triệu. Có bữa 4 người đi ăn lẩu mà hết gần 2 triệu đồng. Lâu dần, đồng nghiệp rủ cũng không dám đi", Anh Tuấn (23 tuổi) bày tỏ.
Sa đà vào những cuộc vui cùng bạn bè dù tài chính chưa dư dả là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ lâm vào cảnh nợ nần. Một số nghiên cứu chỉ ra, nhiều người trẻ thuộc thế hệ Z đã chi tiêu quá mức vì không muốn bỏ lỡ các buổi tiệc tùng, mua sắm với những người bạn giàu có, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần khi cố gắng chạy theo các hoạt động này.
"Cắt đứt" với bạn giàu có phải cách khôn ngoan?
Chênh lệch trong thói quen chi tiêu khiến bộ phận Gen Z phải tạm dừng mối quan hệ để "bảo toàn" tài chính. Điều này có thể coi là giải pháp tạm thời để tránh những cuộc vui vượt khả năng chi trả, thế nhưng, kết thúc tình bạn vì vấn đề tiền bạc cũng thật đáng tiếc.
Có được một người bạn ưu tú, họ giỏi giang, tài chính tốt hơn bạn thật sự có nhiều mặt tích cực. Đó có thể là tấm gương, động lực để mỗi người cố gắng, phấn đấu. Và để vừa không mất bạn, vừa chẳng mất tiền, chúng ta có thể tìm cách khắc phục thay vì chấm dứt.
Mối quan hệ bạn bè không có lỗi, lỗi nằm ở cách bạn kiểm soát chi tiêu. Thay vì để tiền thành "một cục" khi cần liền rút ra tiêu, người trẻ nên đặt ra các nguyên tắc cho riêng mình theo từng khoản. Ví dụ: 50% khoản chi tiêu thiết yếu như tiền nhà, thực phẩm; 30% cho các hoạt động giải trí, mua sắm; 20% tiết kiệm. Chỉ chi tiêu trong khoản đã đề ra.
Hãy học cách từ chối và nói "không". Bạn không cần phải gồng mình để chạy đua theo những bữa ăn sang chảnh, mẫu quần áo, giày dép, túi xách xa xỉ cho giống bạn bè hay đi theo chuyến du lịch đắt đỏ mà bản thân không muốn. Chia sẻ thẳng thắn với bạn bè và học cách từ chối khi cần thiết. Tạo được thói quen biết từ chối, bạn sẽ tránh được những khoản vay nợ vô bổ. Để duy trì tình bạn không nhất thiết phải là những hoạt động hào nhoáng, tổ chức họp mặt tại gia, quây quần bên bữa ăn đơn giản cũng là một trong các cách vừa tiết kiệm chi phí, vừa gắn kết bạn bè.
Tags