(Thethaovanhoa.vn) - Cùng lúc, 2 câu chuyện liên quan tới nghề giáo được khơi ra với những gam màu rất khác nhau.
Chuyện thứ nhất diễn ra ở một trường mầm non tại Vinh (Nghệ An) ngày 19/3. Nghi giáo sinh thực tập H. làm bầm chân con mình, phụ huynh một học sinh mầm non đã vào lớp, hành hung và bắt cô giáo phải quỳ giữa lớp để xin lỗi cháu bé.
Cô giáo phải quỳ, không phải vì nhận lỗi, mà bởi cô đang có thai và muốn giữ an toàn cho đứa con trong bụng.
Còn câu chuyện thứ hai diễn ra ở một trường THPT tại TP.HCM trong suốt 3 tháng trời, nhưng cũng chỉ mới được phát hiện trong vài ngày gần đây. Đó là chuyện của một cô giáo có cách dạy toán lạ lùng: suốt 3 tháng không nói một lời nào với học sinh…
Đều đặn, mỗi giờ học, cô chỉ viết lên bảng trong im lặng. Không giảng bài, không nói chuyện, không giao tiếp. Để rồi, khi báo giới vào cuộc từ sự khiếp sợ của học sinh, câu trả lời nhận về là: Cô giáo nghe nói rằng học sinh tại đây có ghi âm bài giảng để "có gì tung ra "đánh" cô giáo".
Nếu cách hành xử của vị phụ huynh tại Nghệ An đang khiến dư luận phẫn nộ cực điểm, thì câu chuyện của cô giáo dạy toán lại mang về những hệ quả khá phức tạp.
Tìm lại những thông tin về cô, người ta mới phát hiện rằng, đó chính là người từng bị ngành giáo dục TP.HCM kỷ luật cách đây 6 năm (khi còn dạy ở một ngôi trường khác) vì “những vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức, tư cách nhà giáo” - mà cụ thể là việc nhục mạ học sinh bằng những lời mà người viết không muốn chép ra đây.
Bởi thế, cũng không có gì lạ, khi cách hành xử hiện tại của cô khiến dư luận bất bình. Thậm chí, có những chuyên gia giáo dục lên tiếng đề nghị cách ly vĩnh viễn cô ra khỏi môi trường sư phạm.
***
Kể lại 2 trường hợp ấy, không chỉ để nói rằng cuộc sống bây giờ đang tồn tại những học sinh (và phụ huynh) hay thầy cô giáo “có vấn đề”. Bởi, nếu tìm kiếm thêm trên mạng, người ta có thể thấy hàng chục ví dụ khác cho nhận định ấy.
Xa hơn, đó là câu hỏi: vì sao, mối quan hệ thầy - trò (hoặc phụ huynh của trò) của chúng ta lại đang biến tướng ghê gớm như vậy?
Đã có rất nhiều người giải thích điều này bằng kết luận vắn tắt về sự xuống cấp của tinh thần “tôn sư trọng đạo” từng có.
Thực tế, thì cách giải thích ấy lại giống như một cuộc tranh cãi dai dẳng đang tồn tại trong ngành giáo dục thời gian qua: với những biến đổi của xã hội, nghề giáo đang (và nên) được nhìn nhận bằng sự kính trọng mặc định trong quá khứ, hay chỉ còn là câu chuyện về mối quan hệ của sự sòng phẳng, giữa người cung cấp “dịch vụ” và người “tiêu dùng”?
Cuộc tranh luận ấy quả thật rất khó phân định đúng sai - khi mà nó liên quan tới những xung đột giữa quan điểm về đạo học xưa với thực tiễn đang tồn tại trong cuộc sống hiện nay.
Nhưng, dù có nhìn nhận ở khía cạnh nào, thì rõ ràng mối quan hệ ấy cũng không thể bỏ qua khía cạnh chính về văn hóa và đạo đức nghề nghiệp - khi một phía cần làm hết chức phận của mình để dạy dỗ học sinh, và một phía, là phải có cách ứng xử đủ văn hóa để tôn trọng những người thầy.
Có nghĩa, câu chuyện ở đây không còn là chuyện “tôn sư trọng đạo”, mà là câu chuyện về nền tảng văn hóa và đạo đức của xã hội.
Anh Bảo
Tags