Năm 2023 có thể nói là một năm ghi nhận nhiều thảm họa thiên nhiên nhất, từ động đất, đến hạn hán, cháy rừng, rồi lũ lụt và băng tuyết…
Hàng loạt thảm họa đều gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều châu lục, với các con số đáng báo động. Tuy nhiên, năm qua thế giới cũng ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cộng đồng quốc tế cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
2023 - Năm của những thảm họa thiên nhiên, thời tiết cực đoan
Trong năm qua, thế giới chứng kiến hàng loạt thảm họa nghiêm trọng: động đất nghiêm trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 6/2/2023); động đất tại Maroc (ngày 9/9) làm gần 3.000 người tử vong; hơn 100 người tử vong, hàng trăm người mất tích do thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong 100 năm tại bang Hawaii (Mỹ) (giữa tháng 8), bão Daniel gây lũ lụt kinh hoàng ở Libya cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người và khoảng 10.100 người mất tích (tháng 9)…
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gần như ngày nào, tuần nào cũng có tin tức về một nơi nào đó trên hành tinh đang phải gánh chịu một thảm họa nào đó. Sự kiện có thể khác nhau (lũ lụt, cháy rừng, bão nhiệt đới, hoặc hạn hán…) nhưng đều có các điểm chung là chúng gây ra thiệt hại vô cùng lớn và khiến cho hàng chục, hàng trăm nghìn người phải lao đao khốn khổ.
Ngay từ đầu năm 2023, thế giới đã rúng động về một thảm họa có sức tàn phá khủng khiếp. Đó là 2 trận động đất xảy ra liên tiếp tại miền Trung, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria (ngày 6/2/2023) với độ lớn 7,8. Hơn 50 nghìn người đã thiệt mạng vì thảm họa trên, cùng hàng ngàn công trình, tòa nhà bị phá hủy. Trận động đất đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại hơn 163 tỷ USD-một con số vô cùng lớn đối với quốc gia còn đang gặp nhiều thách thức về kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi sau trận động đất kinh hoàng này.
Chưa hết bàng hoàng vì trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ, liên tiếp những tháng sau đó, thế giới đã phải đón nhận hàng loạt các thảm họa đặc biệt là do biến đổi khí hậu. Giữa năm 2023, nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến những "tháng nóng nhất lịch sử" với nhiệt độ liên tục phá kỷ lục. Nam Âu và Bắc Phi trong năm qua "báo động đỏ" về sóng nhiệt với nắng nóng cực đoan và kéo dài bất thường, dẫn tới cháy rừng nghiêm trọng. Ngày 11/8 là ngày kỷ lục về nhiệt độ: thành phố Agadir của Maroc ghi nhận nền nhiệt 50,4 độ C, châu Âu xác lập con số cao nhất từ trước đến nay, tới 48,8 độ C đo được ở Sicily (Italy). Gần 1.000 đám cháy tàn phá 15,6 triệu ha rừng ở Canada, biến mùa cháy rừng năm nay trở thành thảm họa gây tổn thất lớn nhất trong lịch sử nước này. Đó còn là cháy rừng tại Indonesia vào tháng 6, cháy rừng dữ dội ở bang Hawaii (Mỹ) vào tháng 8 khiến khoảng 100 người thiệt mạng được đánh giá là tàn khốc nhất ở Mỹ trong hơn 100 năm qua. Riêng trong tháng 7 năm nay, Hy Lạp đã thống kê tổng cộng hơn 120 vụ cháy rừng lớn nhỏ…
Đi qua những đợt nắng nóng khô hạn, thế giới lại chứng kiến những trận bão lũ vào những tháng cuối năm. Libya được nhắc tới như một nỗi ám ảnh kinh hoàng về số người thiệt mạng (hơn 11.300 người) và hơn 10.000 người mất tích do lũ lụt tại miền Đông hồi tháng 9/2023. Giới chức Libya thông báo, lũ lụt đã làm hư hại khoảng 5.000 ngôi nhà và phá hủy mạng lưới cấp nước khiến người dân ở nhiều nơi bị thiếu nước uống nghiêm trọng. Một cuộc khủng hoảng về vệ sinh dịch tễ cũng đã xảy ra ở Libya. Đây được xem là một trong những thảm họa tự nhiên có hậu quả tàn khốc nhất của năm qua.
Không chỉ ở Libya, những trận lũ dữ dội còn càn quét liên tục các quốc gia và vùng lãnh thổ khác xuyên suốt trong cả năm 2023. Hồi tháng 5, hơn 250.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Somalia. Tháng 10, Myanmar đã phải đóng cửa hơn 200 trường học do lũ lụt. Tháng 11, Pháp tuyên bố tình trạng thiên tai tại 250 cộng đồng ở miền Bắc do lũ lụt…
Các chuyên gia khẳng định, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan trên. Theo các chuyên gia, nắng nóng không phải là điều lạ trong mùa hè nhưng biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến nó trở nên bất thường, nguy hiểm và đáng sợ hơn. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự quay trở lại của El Nino trong năm nay, các chuyên gia lo ngại thế giới sẽ tiếp tục có những kỷ lục mới về nắng nóng trong năm 2024.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn trên toàn thế giới là do tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt, gây phát thải khí nhà kính làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Hệ quả là vòng luẩn quẩn của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Hành động mạnh mẽ vì thế giới "xanh"
Dù đối mặt với nhiều thảm họa thiên tai song năm 2023 cũng chứng kiến những nỗ lực không ngừng của cộng đồng quốc tế cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nổi bật nhất là những kết quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào đầu tháng 12 vừa qua. Sau hai tuần đàm phán khó khăn, COP28 đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, theo đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Được mô tả là kế hoạch dựa trên khoa học, thỏa thuận này không sử dụng thuật ngữ "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch, mà thay vào đó kêu gọi "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách thỏa đáng, có trình tự và hợp lý, tăng tốc hành động trong thập kỷ then chốt này". Thỏa thuận cũng nêu rõ quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính toàn cầu bằng 0 vào năm 2050, trong đó giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.
Thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP28 được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu, là thông điệp mạnh mẽ gửi đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ may tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.
Cũng tại COP 28 còn có rất nhiều cam kết, tuyên bố và thỏa thuận về vấn đề lương thực, sử dụng tài nguyên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chống biến đổi khí hậu, các biện pháp đo lường và cảnh báo sớm,… bên cạnh hàng loạt tuyên bố khởi động các nhóm làm việc, nhóm hành động và dự án về biến đổi khí hậu.
Nhưng theo các nhà phân tích, dù COP28 đã khép lại với nhiều niềm tin hy vọng, song cũng còn không ít điều tiếc nuối. Dù đã đạt thỏa thuận mang tính lịch sử về chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, về Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" cũng như việc tăng cường các sáng kiến tài chính tạo động lực toàn cầu thúc đẩy hành động khẩn cấp trong cuộc chiến đầy cam go này, song thế giới vẫn cần tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề và để đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu vẫn là thách thức lớn.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là không quá 1,5 độ C. Nhưng nhiều báo cáo cho thấy thế giới đang đi chệch hướng đáng kể trong việc đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris 2015. Dữ liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tính đến cuối tháng 10/2023 cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong năm nay đã tăng thêm khoảng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Các nhà khoa học cảnh báo, 7 năm nữa nhiệt độ Trái Đất có thể tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp khi lượng khí thải CO2 do nhiên liệu hóa thạch gây ra tiếp tục tăng.
Các nhà khoa học cho biết, lượng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 đang làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tàn khốc hơn. Theo báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu, ước tính, các quốc gia sẽ thải ra tổng cộng 36,8 tỷ tấn CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022. Nếu tính cả lượng khí thải từ việc sử dụng đất, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt tổng cộng 40,9 tỷ tấn trong năm 2023.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết, lượng khí thải trên thế giới phải giảm mạnh 43% từ nay đến năm 2030 để khống chế mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C.
Hiện, có khoảng 150 quốc gia đã đưa ra cam kết chung về mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tương đương giảm 88% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mới chỉ có 13% trong số các nước này đưa ra ít nhất một cam kết cụ thể về loại bỏ dần việc sử dụng, sản xuất hoặc thăm dò than, dầu hay khí đốt.
Theo các chuyên gia, để đạt được hiệu quả bền vững, cần phải duy trì các cam kết toàn cầu. Các nước giàu phải dẫn đầu sự chuyển đổi năng lượng và cung cấp cho các quốc gia đang phát triển các biện pháp cần thiết để thực hiện mục tiêu này.
Tags