(Thethaovanhoa.vn) - Gạt bỏ những mối lo ngại về dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan trên toàn cầu, người dân thế giới đã bắt đầu đón mừng Năm mới 2022 trong không khí hân hoan với nhiều hy vọng dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt và nhịp sống sôi động sẽ trở lại bình thường. Các hoạt động đón Năm mới vẫn được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới dù quy mô bị thu hẹp đáng kể.
(Tiếp tục cập nhật)
Vào lúc 17h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), các quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở châu Đại Dương là những nơi bước sang năm mới 2022 đầu tiên trên thế giới, do nằm ở múi giờ GMT+14.
Sau đó 15 phút, quần đảo Chatham của New Zealand cũng bước sang năm 2022. Để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh khi người dân tề tựu đón Giao thừa, chính quyền thủ đô Wellington của New Zealand đã quyết định hủy bắn pháo hoa mừng Năm mới, thay vào đó tổ chức màn trình diễn ánh sáng ở khu vực trung tâm. Quyết định tương tự cũng được chính quyền thành phố Auckland đưa ra. Nhiều địa điểm tại thành phố Auckland của New Zealand được thắp sáng rực rỡ và 3 chương trình biểu diễn ánh sáng đón Năm mới tại đây sẽ được tường thuật trực tiếp trên truyền hình và Internet.
Tại Australia, không khí đón mừng có phần náo nhiệt hơn. Các thành phố phía Đông gồm Melbourne, Sydney và Canberra sẽ là những nơi đón năm 2022 đầu tiên ở nước này. Sydney vẫn tổ chức bắn pháo hoa tại khu vực bến cảng, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại thành phố lớn nhất Australia này. Hơn 6 tấn pháo hoa dự kiến sẽ thắp sáng bầu trời Sydney vào đêm giao thừa. Chính phủ Australia trước đó từ bỏ cách chiến lược "Zero COVID" sau khi hơn 76% dân số hoàn thành tiêm vaccine đủ liều cơ bản.
Các nước châu Á đón Năm mới trước Việt Nam lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Timor Leste... Việt Nam sẽ đón mừng Năm mới cùng lúc với Thái Lan, Indonesia, Campuchia.
Do vị trí địa lý, vùng đất đón năm mới muộn nhất trên thế giới sẽ là đảo Baker và Howland – hai hòn đảo hẻo lánh ngoài khơi nước Mỹ. Vào những năm trước, hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu, chào đón Năm mới với những màn bắn pháo hoa rực rỡ, tụ tập tại các quảng trường lớn cùng người thân và bạn bè. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc người dân nhiều nước trên thế giới tụ tập cùng nhau đón chào khoảnh khắc đầu tiên của Năm mới cũng phải điều chỉnh để thích ứng "trạng thái bình thường mới"
Người dân Nga hân hoan chào đón Năm mới 2022
Những ngày gần đây, Thủ đô Moskva của Nga được trang hoàng rực rỡ để người dân chào đón không khí năm mới 2022. Khu vực quảng trường Đỏ luôn là tâm điểm của các sự kiện năm mới. Tại đây luôn có những điểm tham quan thu hút đông đảo người dân và du khách tới thăm.
Sydney bắn pháo hoa hoành tráng chào đón Năm mới 2022
Chính quyền thành phố Sydney (Australia) khẳng định chương trình bắn pháo hoa chào đón Năm mới 2022 sẽ vẫn diễn ra như dự kiến dù số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao tại đây trong những ngày qua.
Thị trưởng thành phố Sydney Lord Clover Moore cho biết chương trình pháo hoa năm nay có chủ để "Ngắm Sydney tỏa sáng", sẽ có những loạt pháo hoa tạo hình độc đáo như cá voi, khối lập phương, hoa hướng dương, gió lốc cùng các loại pháo hoa đổi màu rực rỡ.
Các nhà tổ chức chương trình bắn pháo hoa cho biết đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho hai màn bắn pháo hoa “mãn nhãn” lúc 21h tối và nửa đêm giao thừa để đảm bảo pháo hoa đồng bộ với nhạc nền của mỗi chương trình.
Ông Fortunato Foti, Giám đốc chương trình pháo hoa, cho biết các đơn vị tổ chức đang triển khai hơn 60 tấn thiết bị để phục vụ bắn khoảng 6 tấn pháo hoa trong hai màn trình diễn. Riêng trên Cầu Cảng Sydney được bố trí tới 175 điểm bắn, với 25.000 quả pháo hoa. Khoảng 6.000 quả pháo hoa cũng sẽ được bắn từ mái của Nhà Hát Con Sò Sydney và 9.000 quả pháo hoa khác từ 5 chiếc phà đậu tại bến cảng.
- Thành phố Sydney hứa hẹn tổ chức lễ hội đón Tết Nguyên đán 2020 lớn nhất từ trước đến nay
- Australia: Thành phố Sydney tổ chức Lễ hội Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi lớn chưa từng thấy
Đêm giao thừa đầy khó khăn đối với các chủ nhà hàng ở Bỉ
Khác với những năm trước khi chưa có dịch COVID-19, đêm cuối năm 31/12 là dịp bạn bè tụ tập nhau tại các nhà hàng để liên hoan cuối năm và sau đó đi chơi giao thừa. Nhưng từ 2 năm nay, khung cảnh này không còn nữa.
Năm nay, nhiều nhà hàng, quán cà phê sẽ đóng cửa vào đêm cuối năm. Một số khác vẫn mở cửa nhưng lo lắng phải đối mặt với việc ít khách đặt bàn do những quy định nghiêm ngặt áp dụng để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.
Đối với Eric Fernez, chủ của các nhà hàng Faitout, Hopscotch và nhà hàng sao Michelin Eugénie à Emilie vùng Saint-Ghislain, ông đã quyết định không mở bất kỳ nhà hàng nào của mình vào đêm giao thừa. "Chúng tôi chưa có đủ xác nhận đặt bàn. Mọi người không muốn đến ăn lúc 6 giờ chiều và rời đi lúc 11 giờ đêm". Tổn thất rất nặng nề. Ba cơ sở có sức chứa tổng cộng 300 khách. Thông thường, đêm giao thừa, các nhà hàng này sẽ có lượng khách lớn với doanh thu tăng 30% so với bình thường. Nhưng năm nay, mọi thứ không dễ dàng. "Chúng tôi thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra, vì vậy chúng tôi đã phải mù quáng mua tất cả hàng hóa để chuẩn bị cho các nhà hàng của mình", ông Eric Fernez chia sẻ.
Ở trung tâm thành phố, quán Léon thường rất đông khách du lịch giờ cũng trở nên vắng vẻ. "Chúng tôi có 200 chỗ đặt trước với sức chứa 450 chỗ. Cũng có vài khách hàng hủy sau khi đóng cửa chợ Giáng sinh. Và sau đó là quy định đóng cửa nhà hàng lúc 23h... Trong khi mọi người không muốn ở bên ngoài lúc nửa đêm. Chúng tôi rất tiếc", ông chủ quán Léon thở dài.
Tuy nhiên, vẫn có những nhà hàng sáng đèn đêm giao thừa. "Chúng tôi vẫn có nhiều khách đặt bàn nhưng chỗ ngồi hạn chế vì phải thực hiện quy định giãn cách giữa các bàn. Vì vậy, thay vì có 115 chỗ, chúng tôi sẽ chỉ có 40", Frédéric Leblanc, chủ của quán Maison Leblanc, nằm ở trung tâm của thành phố Liège, giải thích. Và đó không phải là điều khó chịu duy nhất. "Thông thường, chúng tôi thực hiện ba dịch vụ vào đêm giao thừa. Ở đây, chúng tôi đã loại bỏ dịch vụ từ 18h đến 20h dành cho những người sẽ đi xem buổi biểu diễn sau đó vì họ không chắc chắn. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chỉ làm một dịch vụ, không có thực đơn cụ thể. Chúng tôi không muốn ép buộc mọi người điều đó. Như vậy, doanh thu của quán sẽ giảm từ 20% đến 30%".
Kể từ khi lệnh đóng cửa nhà hàng lúc 23h được áp dụng, doanh thu đều giảm như vậy. Thông thường, chính những bữa tiệc mừng cuối năm mới mang lại nguồn thu to lớn cho các nhà hàng để họ có thể chi trả các khoản thưởng cuối năm.
TTXVN
Tags