(Thethaovanhoa.vn) - Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có tên gọi VUI-202012/01 được phát hiện đầu tiên ở Anh đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dù các nước đã tăng cường các biện pháp phòng vệ và giới chức y tế thế giới cho rằng có thể khống chế được biến thể mới của virus, song sự xuất hiện biến thể mới với tốc độ lây nhiễm cao hơn so với chủng gốc vẫn là thách thức trong kiểm soát dịch bệnh.
Liên tiếp các ca nhiễm biến thể mới
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ban đầu được phát hiện tại hạt Kent (Đông Nam xứ England) và vùng đô thị Đại London lân cận vào tháng 9 năm nay, sau đó tiếp tục lây lan khắp Vương quốc Anh. Anh đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới VUI-202012/01, mà các nhà khoa học ước tính có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn tới 70%. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng thông báo phát hiện một biến thể mới thứ hai của virus SARS-CoV-2 ở hai bệnh nhân có tiếp xúc với những người đã từng tới Nam Phi.
Theo ông, biến thể mới được cho là xuất phát từ Nam Phi thậm chí có khả năng lây lan cao hơn và dường như đã biến đổi nhiều hơn. Trong khi chưa có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ về biến thể mới của virus, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tái áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt đối với khoảng 38 triệu dân nước này.
Đến ngày 25/12 biến thể mới đã xuất hiện tại ít nhất 8 nước châu Âu là Bỉ, Italy, Iceland, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Sĩ; cùng với Australia, Israel, Singapore, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Liban mà chủ yếu là những người về từ Anh. Ngày 26/12, Canada xuất hiện 2 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đầu tiên và chỉ một ngày sau, nước này thông báo ghi nhận thêm 2 ca nhiễm biến thể mới.
- Dịch COVID-19: Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Canada
- Dịch COVID-19: Phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 ở 8 nước châu Âu
Cũng trong ngày 27/12, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Jordan đã phát hiện các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trở về từ Anh. Ngày 28/12, Nhật Bản đã xác nhận ca thứ 8 nhiễm biến thể mới virus SARS-CoV-2 có xuất xứ từ Anh. Hàn Quốc cũng đã phát hiện 3 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới từ London nhập cảnh Hàn Quốc ngày 22/12.
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa xuất hiện tại một số nước khiến cho mùa Giáng sinh đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát càng trở nên u ám, dù các chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine đã được triển khai ở nhiều nơi. Như một biện pháp phòng vệ, đến thời điểm này hơn 40 quốc gia đã cấm hoặc hạn chế đi lại với Anh hay Nam Phi nhằm ngăn chặn biến thể mới xâm nhập. Lo ngại trước nguy cơ xâm nhập của biến thể mới, nhiều nước cũng siết chặt các biện pháp hạn chế.
Tại Việt Nam, nhận định tình hình dịch, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, Việt Nam cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh và đến nay, Việt Nam chưa có kết quả xét nghiệm phát hiện chủng virus mới từ người nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh vẫn ghi nhận từ các chuyến bay đưa công dân về nước và các chuyên gia sang Việt Nam làm việc, do đó, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt dịp Tết việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn.
Có thể khống chế được biến thể mới?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đây không phải lần đầu tiên phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bởi đây là tiến trình bình thường trong sự tiến hóa của đại dịch. Tháng 2 năm nay, biến thể D614G của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại châu Âu và sau đó lan nhanh trên thế giới. Một biến thể khác là A222V cũng lây lan khắp châu Âu, được cho là xuất phát sau kỳ nghỉ Hè của những người đến Tây Ban Nha. Tháng 11, Đan Mạch phát hiện chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 tại các trang trại nuôi chồn và đã lây sang người, buộc nhà chức trách phải tiêu hủy 17 triệu con chồn nuôi ở nước này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện biến thể mới vừa xuất hiện ở Anh rất khác so với hơn 100.000 biến thể của virus gây bệnh COVID-19. Giới chuyên gia nhấn mạnh điều đáng lo ngại là những đột biến ở protein gai của virus giúp chúng lây lan nhanh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người cần điều trị y tế và dẫn đến nguy cơ quá tải tại các bệnh viện. Một điều đáng lưu ý nữa, theo WHO, khác với những biến thể trước đây, VUI-202012/01 có khả năng lây lan ở các nhóm trẻ tuổi hơn.
Nghiêm trọng hơn, virus biến thể khiến dư luận lo ngại sẽ làm giảm tính hiệu quả của thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh. Dù sự xuất hiện của virus biến thể mới gây quan ngại, song vẫn có những tín hiệu lạc quan khi các chuyên gia WHO khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy biến thể mới gây bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Giám đốc điều hành các chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Dean cho biết WHO đang tích cực nghiên cứu kỹ, đồng thời trấn an dư luận không cần hoảng sợ. Hiện cả Pfizer và Moderna - hãng dược phẩm của Mỹ, đều thông báo đang thử nghiệm tính hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 hiện nay chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan khẳng định cho đến thời điểm này, dù virus SARS-CoV-2 đã có một số sự đột biến, nhưng những thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khả năng kháng thuốc, các liệu pháp điều trị hay tránh được các vaccine hiện nay của virus. Theo bà, virus SARS-CoV-2 còn biến thể chậm hơn so với virus cúm. Mỗi năm, vaccine ngừa virus cúm đều cần được đánh giá và xem xét lại dựa trên mức độ lây lan của chủng cúm vào năm đó.
Còn theo Tiến sĩ Maria Van Kerkhoven, trưởng nhóm kỹ thuật của Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh thậm chí còn không ảnh hưởng đến phần lớn các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.
Tiến sĩ Emma Hodcroft, nhà nghiên cứu dịch bệnh và người đồng sáng lập dự án Nextstrain theo dõi các mã gien, lạc quan tin rằng thế giới có thể khống chế được biến thể mới của virus.
Thế giới cần tiếp tục thận trọng
Dù các nước đã tăng cường phòng chống sự lây lan của virus biến thể mới và đã có những tín hiệu lạc quan, song các chuyên gia cảnh báo sự xuất hiện biến thể mới với tốc độ lây nhiễm cao hơn so với chủng gốc đang là thách thức lớn trong cuộc đua kiểm soát dịch bệnh.
Theo nhận định của giới chuyên gia những biện pháp hạn chế ở quy mô quốc tế sẽ ít hiệu quả nếu các chính phủ không “thanh toán” được dịch bệnh trong nước. Do vậy, các chính phủ sẽ cần cải tiến các hệ thống “xét nghiệm, theo dõi và cách ly”, điều mà đa số các nước phương Tây hiện chưa làm được, và thậm chí có thể phát triển những bộ xét nghiệm PCR phát hiện nhanh biến thể mới. Hiện chưa quá muộn nhưng các nước cần lập kế hoạch và hành động ngay lúc này.
Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Trung tâm các bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế quốc gia (Mỹ) cho rằng điều quan trọng là cần phải tiếp tục theo dõi sự phát triển của virus, trong đó tập trung vào nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm. Theo Tiến sĩ Fauci, virus càng lây lan thì nguy cơ chúng biến đổi và tạo ra biến thể càng tăng. Do đó, điều quan trọng là phải giảm thiểu mức độ lây lan trong cộng đồng, từ đó giảm tỷ lệ đột biến của virus.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, các chuyên gia của WHO đã hối thúc người dân các nước duy trì các biện pháp phòng ngừa y tế hiện nay, bao gồm đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, đảm bảo giãn cách xã hội. Những biện pháp này đều đã chứng minh hiệu quả trong việc kiềm chế virus lây lan, bao gồm biến thể mới nhất này. Theo các chuyên gia, biện pháp giãn cách và hợp tác với nhau cũng như triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 chính là cách để thế giới có thể cùng nhau vượt qua cơn đại dịch.
Mặc dù tin tưởng rằng kháng thể do vaccine tạo ra sẽ vẫn hiệu quả, do chúng sẽ nhắm vào protein gai mà virus SARS-CoV-2 dùng để xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh, các chuyên gia WHO cũng không loại trừ khả năng virus đột biến và vaccine không hiệu quả vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Vì vậy, WHO kêu gọi thế giới cần tiếp tục thận trọng.
Thanh Lâm - TTXVN
Tags