Thế giới được dự báo đối mặt với 'siêu khủng hoảng' vào năm 2020

Thứ Ba, 25/09/2018 20:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào năm 2020, thế giới sẽ phải đối mặt với những cú sốc kinh tế mà các chuyên gia của ngân hàng hàng đầu của Mỹ JPMorgan Chase gọi là “siêu khủng hoảng”. Theo dự báo, thế giới sẽ phải đối mặt với hàng loạt vụ bạo loạn và hoạt động cung cấp lương thực bị gián đoạn.

Dự báo trên được đưa ra đúng vào dịp tròn 10 năm ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến suy thoái dài hạn. Từ thời điểm này, các nhà tài chính thiết lập những mô hình khác nhau nhằm dự báo về thời điểm và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo mà thế giới sẽ hứng chịu, xác định chu kỳ lặp lại trong nền kinh tế.

Các chuyên gia của JPMorgan Chase dựa trên mô hình riêng và rút ra kết luận rằng một sự sụp đổ sẽ diễn ra vào đầu năm 2020. Mô hình của họ dựa trên các yếu tố gồm quãng thời gian tăng trưởng kinh tế, độ dài dự báo của cuộc suy thoái tiếp theo, mức độ vay nợ, định giá tài sản, và mức độ nới lỏng các quy chế giám sát và mức độ sáng tạo tài chính.

Các nhà phân tích của ngân hàng này lưu ý rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 54%. Như dự đoán, lần khủng hoảng tiếp theo có thể gây tác động tiêu cực ít hơn so với những lần khủng hoảng trước bởi giá trị tài sản ở các nước đang phát triển hiện nay là thấp hơn nhiều so với năm 2008. Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase cho rằng sự dịch chuyển mạnh mẽ từ hoạt động quản lý tài sản chủ động sang quản lý thụ động, thông qua sự nổi lên của các quỹ chỉ số, quỹ ETF và các chiến lược giao dịch dựa trên định lượng đã làm gia tăng mức độ nguy hiểm của sự gián đoạn thị trường.

JPMorgan chỉ ra rằng các sự kiện thị trường sau cú sốc năm 2008 đã dẫn đến suy giảm thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu và yếu tố này có thể trở thành một trong những nguyên nhân kích hoạt cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Theo chiến lược gia Kolanovic, nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng trong nửa cuối năm 2019 vẫn khá thấp. Nguy cơ tái diễn khủng hoảng có thể được xác định chủ yếu bằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất như thế nào và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc cũng có thể kích động cũng như trì hoãn cuộc khủng hoảng sắp tới.

Các chuyên gia của JPMorgan Chase cũng cảnh báo rằng khác với cuộc khủng hoảng 10 năm trước, cuộc khủng hoảng mới sẽ gây ra tình trạng bất ổn quy mô lớn, đặc biệt ở Mỹ. Theo chiến lược gia Kolanovic, yếu tố góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này là sự phổ biến của mạng Internet và các mạng xã hội, trong khi các sự kiện chính trị như cuộc bầu cử tại Mỹ và Brexit sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

Trước đây, các chuyên gia của ngân hàng Mỹ Merrill Lynch cũng đã cảnh báo rằng lãi suất tăng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Trong suốt năm 2018, thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi rất sôi động do Fed tăng lãi suất để củng cố đồng USD. Theo các nhà phân tích của ngân hàng, tình hình hiện nay rất giống với những gì đã xảy ra hai thập kỷ trước khi các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Trong khi đó, Bank of America coi chính sách bảo hộ của Washington là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế thế giới. Các cuộc chiến thương mại gây ra những tổn thất lớn cho thương mại quốc tế, ảnh hưởng đến giá cả và khả năng tiếp cận các sản phẩm trong chuỗi cung ứng, điều gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Kim Dung - TTXVN

Tổng thống Putin cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Tổng thống Putin cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Thế giới có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy do chính sách thương mại đối đầu và chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo trên tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 diễn ra từ ngày 24 - 26/5.

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›