Thế giới đã trải qua một năm 2023 với nhiều biến động và thách thức về địa chính trị (xung đột Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng Israel-Hamas), kinh tế (nhiều nền kinh tế lớn đua nhau siết chặt dòng tiền, lạm phát tăng cao…) và những con số đáng báo động về biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, xen giữa những mảng màu u tối đó vẫn có vẫn có những điểm nhấn chứa đựng sự lạc quan vào một tương lai tươi sáng hơn của năm 2024.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, nền kinh tế thế giới năm 2023 là một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008. với một loạt thách thức như sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ xấu gia tăng... Những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị, cụ thể là xung đột Nga-Ukraine leo thang và cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza liên quan tới xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, đã tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bức tranh của kinh tế toàn cầu vẫn lấp lánh những điểm sáng hy vọng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và xu thế này sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu đều ở mức thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch COVID-19. Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 4%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng chỉ rõ, kinh tế khu vực châu Á đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn và tăng trưởng của khu vực năm 2023 dự kiến đạt mức 4,9% (tăng nhẹ so mức dự báo 4,7% hồi tháng 9), chủ yếu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. ADB ghi nhận tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 46 nền kinh tế - không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand - là nhờ "đòn bẩy" của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, sự phục hồi của ngành du lịch và nguồn kiều hồi chuyển về tăng mạnh. ADB cũng nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc - từ mức 4,9% lên 5,2% trong năm 2023.
Mỹ cũng là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2023 khi có nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Chi tiêu tiêu dùng mạnh, đầu tư tăng trưởng ổn định, với sự hỗ trợ hiệu quả của thị trường việc làm vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (khoảng 3,9%) trong nhiều năm. Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ nền kinh tế nước này tăng trưởng cao hơn dự báo trong quý III/2023, đạt mức 5,2%, cao nhất kể từ quý IV/2021.
Xu hướng liên kết, hợp tác rõ nét
Thế giới trong năm 2023 đã chứng kiến xu hướng liên kết, hợp tác rõ nét và ngày càng mang tính tất yếu trong một môi trường đầy biến động.
Ngày 4/4/2023, Phần Lan đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này. Việc kết nạp Phần Lan đã kết thúc 7 thập niên duy trì chính sách trung lập của quốc gia Bắc Âu này, đồng thời lập kỷ lục về thời gian NATO phê chuẩn việc kết nạp một thành viên mới. Theo đó, Phần Lan chỉ mất hơn 10 tháng kể từ khi nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên chính thức của khối.
Tại hội nghị cấp cao lần thứ 42 ở Indonesia, diễn ra hồi tháng 5/2023, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên chính thức. Việc ASEAN nhất trí kết nạp Timor Leste được đánh giá sẽ giúp hiệp hội trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng.
Tháng 7/2023, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) chính thức kết nạp Iran và khởi động thủ tục gia nhập cho Belarus. Tới tháng 8/2023, Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) ghi một dấu mốc quan trọng với việc nhất trí mời 6 quốc gia Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập nhóm từ ngày 1/1/2024. Giới quan sát nhận định việc BRICS kết nạp thêm nhiều thành viên ở Nam bán cầu sẽ góp phần tạo nên những ảnh hưởng lớn trong nỗ lực cân bằng trật tự thế giới. Đối với như Iran, việc trở thành thành viên SCO (tổ chức gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và 4 nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây là Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan), đồng thời được mời gia nhập BRICS có thể mang lại những lợi ích lớn về kinh tế và cả chính trị, trong bối cảnh nước này vẫn đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trong khi đó, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã mở rộng đáng kể quy mô khi trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU) tại hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 9/9/2023. Điều này không chỉ giúp G20 mạnh mẽ hơn mà còn giúp AU có tiếng nói trọng lượng hơn đối với các vấn đề toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, xu thế mở rộng của các tổ chức khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhất là khi các nước đang phát triển ngày càng quan tâm đến một thế giới đa cực hơn, nơi mà các nước nhỏ có cơ hội lớn hơn để định hình và quyết định các vấn đề có ảnh hưởng đến chính mình.
Bước ngoặt trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính
Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) - diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 đến 13/12/2023 - các nước tham dự đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận trên đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.
Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ may tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.
Theo các chuyên gia, thế giới đang đi chệch hướng đáng kể trong việc đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là không quá 1,5 độ C. Dữ liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tính đến cuối tháng 10/2023 cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong năm 2023 đã tăng thêm khoảng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Các nhà khoa học cảnh báo, 7 năm nữa nhiệt độ Trái Đất có thể tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp khi lượng khí thải CO2 do nhiên liệu hóa thạch gây ra tiếp tục tăng.
Trong bối cảnh đó, việc COP28 thông qua thỏa thuận được xem như bước ngoặt đánh dấu “sự khởi đầu cho hồi kết của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch” càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Tags