(Thethaovanhoa.vn) - Tháng Giêng luôn chứa đựng sự hào phóng vô lý của thị trường chuyển nhượng bóng đá. Nhưng nơi bóng tối của nó là một thị trường khác, của những tên tội phạm đội lốt người đại diện.
Dù không có lấy 1 đôi giày đá bóng chuyên nghiệp, Souleymane Oeudraogo vẫn thể hiện được những kỹ năng như giữ bóng, ngoặt bóng, volley. Tất cả đều được thực hiện thuần thục. Nhưng anh quá gầy đối với 1 trung vệ. Và cầu thủ 21 tuổi này chỉ có duy nhất một chiếc áo gile để ngăn những cơn gió buổi chiều lạnh đến thấu xương.
Mặt tối của thị trường chuyển nhượng
8 tuần trước, Souleymane Oeudraogo đến Paris, sau 24 tháng lang bạt giữa các CLB và Học viện bóng đá ở Senegal, Bồ Đào Nha và Bỉ. Anh là một trong hàng ngàn cầu thủ trẻ bị hấp dẫn bởi tiền bạc và danh tiếng của bóng đá châu Âu, bị dụ dỗ bởi những hứa hẹn của những người đại diện giả mạo vô đạo đức. Để rồi giấc mơ sụp đổ, thay vào đó là cơn ác mộng kéo dài có khi tới hết cuộc đời. Chính xác hơn, Oeudraogo là nạn nhân của nạn buôn người trong bóng đá.
Khi được một đại diện tiếp cận ở quê nhà, Oeudraogo vẫn đi học và tập luyện ở Học viện bóng đá Atalentus. Lời hứa hẹn về sự nghiệp thành công ở Bồ Đào Nha đã thu hút chàng cầu thủ. Nhưng rồi, kẻ đại diện đó nhanh chóng lộ rõ bộ mặt thật. Giấy tờ hắn trưng ra cho Oeudraogo là giả. Tới Bồ Đào Nha, hắn bỏ rơi Oeudraogo, không nghề nghiệp, chẳng giấy tờ.
Những trường hợp như Oeudraogo đang ngày càng phổ biến trong bóng đá. Tội phạm giả mạo giấy tờ người đại diện xuất hiện khắp nơi ở châu Phi và châu Mỹ. Chúng tiếp cận đối tượng là các bé trai có khả năng chơi bóng, tung hê tài năng và trao nhiều hứa hẹn. Đổi lại, các bậc cha mẹ phải dồn tiền để trả chi phí môi giới cho chúng.
Ai bảo vệ cầu thủ?
Năm 2007, một tàu đánh cá trôi dạt vào bãi biển ở La Tejiita ở Tenerife, để lại 130 người vô gia cư, trong đó có 15 cầu thủ. Họ cho biết bị lừa đưa đến thử việc ở CLB Marseille và Real Madrid.
Jake Marsh, người đứng đầu bộ phận đào tạo và bảo vệ thanh thiếu niên của Trung tâm an ninh quốc tế về thể dục thể thao (ICSS)- một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để bảo vệ sự toàn vẹn của các môn thể thao - cho biết ước tính có khoảng 15.000 cầu thủ trẻ đang lang thang ở châu Âu. Hầu như tất cả bị lừa bởi người đại diện giả.
Jean-Claude Mbvoumin, cựu tuyển thủ Cameroon đã sáng lập tổ chức từ thiện Foot Solidaire cách đây 14 năm sau khi biết có hàng chục cầu thủ bóng đá vô gia cư ngủ trong công viên Saint-Denis. Ngày nay, con số đó đã lên đến hàng trăm. Đa phần là cầu thủ trên 11 tuổi.
Phần lớn các cầu thủ rơi vào tình trạng như Oeudraogo giữ im lặng. Họ sợ bị những kẻ đại diện giả mạo trả thù và sợ rằng khi lên tiếng chính quyền nước sở tại sẽ trục xuất. Trở về quê nhà không phải là lựa chọn. Những đứa trẻ là đại sứ cho gia đình. Họ ra đi mang theo kỳ vọng của người thân. Vì vậy quay trở lại châu Phi được coi là một thất bại. Thay vì trở về, các cầu thủ bị bỏ rơi tìm cách tồn tại. Họ trú ngụ trong các khu nhà cho người vô gia cư và tìm cách nhập cư trái phép vào Pháp hay Anh bằng nhiều cách thức.
Câu hỏi giờ đây đặt ra cho các nhà quản lý bóng đá. Tại sao nạn giả mạo người đại diện lại dễ dàng phổ biến như vậy mà không có sự kiểm soát? Và các giấy tờ mà kẻ đại diện giả mạo từ đâu mà có?
"Chẳng có cơ quan nào theo dõi những kẻ giả mạo này. Chúng được kết nối chặt chẽ với các tổ chức tội phạm"- Jake Marsh chia sẻ. Việc duy nhất mà vị cựu thám tử tư này có thể làm là kêu gọi sự hợp tác từ Liên hiệp quốc.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa