Muay Thái: Những giá trị Thái Lan

Thứ Sáu, 20/03/2015 09:41 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một cậu bé 10 tuổi nhễ nhại mồ hôi, ở trần, khuôn mặt trầm tĩnh và chững chạc hơn nhiều so với tuổi đang đấm đá liên tục vào những bao cát trong võ đường Fairtex, Pattaya, Thái Lan. Cậu đang chuẩn bị cho trận so găng thứ 12 trong sự nghiệp Muay Thái mới vừa chớm nở.

Giấc mơ của cậu là một ngày nào đó trở thành một Buakaw Banchamek hay một Tongchai Silachai, đều là những nhà vô địch thế giới của môn võ quốc hồn quốc túy ở Thái Lan. Nhưng trước hết, cậu học được nhiều điều khác từ Muay Thái ngoài việc chiến thắng.

Môn võ của “miền đất nụ cười”

Ai lại muốn đánh nhau với một người Thái Lan? Với đạo Phật là quốc giáo, một nền văn hóa hiền hòa, bao dung và dễ tha thứ, Thái Lan cũng lại là quê hương của môn võ mà với những người mới xem, có phần bạo lực và dữ dội. “Muay Thái là dành cho tất cả mọi người”, Ram, một võ sư của võ đường Fairtex, một trong những võ đường lớn nhất Thái Lan, nói với chúng tôi. Bạn sẽ tin điều đó nếu thấy nụ cười như một đứa trẻ của tay cựu võ sĩ 42 tuổi nay đã chuyển sang làm huấn luyện viên, dù rằng những đòn đá có thể làm đổ gục một cây chuối lớn hay các cú húc cùi chỏ làm vỡ tan một hòn gạch cùng cơ bắp cuồn cuộc của anh có thể nói khác.

Muay Thái, với Ram và nhiều võ sĩ khác, là việc huấn luyện một tinh thần không chịu khuất phục hơn là nhữn đòn đánh. Môn võ đó, không như nhiều môn võ truyền thống khác ở châu Á chú trọng vào đánh gục đối thủ, nhấn mạnh hơn ở việc chấp nhận đau đớn. Cha, một võ sư khác ở Fairtex, giải thích đó chính là lý do giúp Thái Lan thành công trong môn quyền anh ở các kỳ thể thao lớn, bao gồm cả Olympic. Các võ sĩ Muay Thái một khi chuyển sang thi đấu quyền anh rất giỏi chịu đòn, nhất là những đòn đánh vào bụng, nơi họ được rèn luyện cơ bắp cực kỳ khắc nghiệt, từ độ tuổi 5-7 cho tới tận khi bước vào giới chuyên nghiệp sau tuổi 18.


Các võ sĩ Muay Thái một khi chuyển sang thi đấu quyền anh rất giỏi chịu đòn

Trong suốt quá trình đó, khả năng chịu đựng của một võ sĩ Muay Thái sẽ được đẩy dần lên qua năm tháng tới những giới hạn cuối cùng của cơ thể. Muay Thái không có các hệ thống cấp bậc, đai hay phân chia trình độ như nhiều môn võ truyền thống khác, cũng không có một thứ đồng phục quy củ, tất cả được tập trung vào việc tôi luyện nên một tay võ sĩ ngày càng giỏi hơn, dữ dội hơn, đồng thời, thật nghịch lý, trầm tĩnh và biết kềm chế hơn.

Những kỳ vọng cao xa

“Muay Thái đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Chúng tôi muốn nó được đưa vào các kỳ Asiad và Olympic”, tiến sĩ Sakchye Tapsuwan, Tổng thư ký hội đồng Muay Thái thế giới (WMC) nói về giấc mơ của ông ở Festival Muay Thái và lễ bái sư của các võ sĩ hàng đầu môn võ này tổ chức tại Ayutthaya, cố đô của Thái Lan, ngày 17/3. Đó là một mục tiêu không dễ dàng. WMC đã đệ đơn lên Haider Farman, Giám đốc Ủy ban Asiad thuộc Hội đồng Olympic châu Á từ năm 2014 và Bộ thể thao và du lịch Thái Lan đã tiến hành cả một chương trình vận động với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho điều đó.

“Tôi tự tin Muay Thái sẽ được chấp nhận và chúng tôi tự hào vì đó là một phần quan trọng của truyền thống Thái Lan”, Kobkarn Wattanavrangkul, Bộ trưởng thể thao và du lịch Thái Lan nói với báo Phuket Daily. Nễu nỗ lực của Kobkarn và các cộng sự thành công, đó sẽ là lần đầu tiên Đông Nam Á có một môn võ ở các kỳ Olympic, bên cạnh những taekwondo, karatedo hay judo.


Thái Lan rất tích cực quảng bá Muay Thái

Tuy nhiên, hy vọng lúc này thực tế hơn, ở tầm Asiad. Stephan Fox, Phó chủ tịch WMC, cho biết: “Muay Thái nên có mặt ở Asiad. Đó là một môn thể thao phổ biến, bắt đầu từ Thái Lan và nay đã lan sang Malaysia, Philippines, Kazakhstan, Trung Quốc và Hàn Quốc”. Thật ra, tại Lễ hội bái sư ở Ayutthaya, chúng tôi đã gặp cả những đoàn võ sĩ đến từ những nơi xa xôi nhất, như Tây Ban Nha, Nga hay Belarus, tụ hội về cố đô Thái Lan cho ngày “giỗ tổ”của môn thể thao này.

Thái Lan rất tích cực quảng bá môn võ quốc hồn quốc túy này, gắn chặt nó với các hoạt động văn hóa. Trong khi những trận đấu lớn nhất được tổ chức tại Bangkok, Chiangmai hay các thành phố lớn khác, thì các hoạt động mang tính văn hóa như lễ bái sư, Festival Muay Thái… được đưa về cố đô Ayutthaya, một thành phố nhỏ bé, bình lặng, cổ kính và trầm mặc giống như kinh đô Huế. Việc luyện tập và quảng bá Muay Thái gắn liền với các hoạt động quảng bá du lịch, nhận được sự hỗ trợ lớn nguồn lực từ nhà nước và sự tham gia tích cực của rất nhiều tổ chức tư nhân, cả lợi nhuận và phi lợi nhuận. Cũng là một gợi ý tốt cho những quốc gia nào muốn phát triển các môn võ cổ truyền như Việt Nam.

Một chút lịch sử

Từ Muay xuất phát từ tiếng Sanskrit Wayva, có nghĩa là “gắn kết với nhau”. Muay Thái vẫn được gọi là “nghệ thuật của tứ chi” vì nó sử dụng các cú đấm, đá, giật chỏ và lên gối rất nhiều. Nguồn gốc của môn võ này cho tới giờ vẫn là cuộc tranh cãi giữa các sử gia, nhưng hầu hết nhất trí nó bắt nguồn từ Thái Lan, cụ thể là ở miền trung và miền bắc. Từ những năm 1920, Muay Thái bắt đầu đi vào quy củ như một môn thể thao chính thống ở Thái Lan và sau thế chiến thứ hai, nhiều sân đấu được dựng lên ở các thành phố lớn, với hệ thống luật thi đấu được nghi thức hóa bao gồm mỗi trận 5 hiệp. 


Lễ bái sư

Lễ hội bái sư Muay Thái là để tôn vinh Nai Khanom, một người hùng quốc gia, một võ sư Muay Thái huyền thoại. Truyền thuyết kể rằng năm 1767, khi quân đội Myanmar tấn công thủ đô Thái Lan lúc bấy giờ Ayutthaya, họ phá tan tất cả đền đài và bắt về nhiều tù nhân Thái Lan. Trong số các tù nhân có Nai Khanom. Khi nhà vua Myanmar tổ chức một buổi lễ mừng chiến thắng, ông ra lệnh cho các tù nhân Thái Lan đấu với những chiến binh Myanmar giỏi nhất của ông, ban đầu với ý định phô diễn sức mạnh và giải trí. Nhưng Nai Khanom đã đánh bại tất cả những võ sĩ giỏi nhất của Myanmar, gây ấn tượng khó tin với nhà vua Myanmar tới mức ông được trả tự do và trở về quê nhà. Ngày nay, 17/3 hàng năm trở thành ngày lễ bái sư, khi các võ sĩ Muay Thái từ khắp nơi đổ về Ayutthaya dâng hương cho Nai Khanom, người đã được dựng tượng ngay bên ngoài sân vận động trung tâm của thành phố.

Trần Trọng

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›