(Thethaovanhoa.vn) - Sáng sớm 10/12, Raheem Sterling hoạt động sớm trên mạng xã hội. Dường như ngôi sao Man City đã trải qua một đêm khó ngủ.
Suy nghĩ đủ cẩn trọng, Sterling đã chia sẻ những gì anh suy nghĩ trên Instagram về nạn kỳ thị chủng tộc trong bóng đá.
Những bức ảnh thay lời muốn nói
Sterling chụp màn hình tiêu đề của 2 bài viết trên Sports Mail, nhật báo nổi tiếng tại xứ sương mù. Một bài viết đăng tải hồi tháng 1/2017 về đồng đội của Sterling, Tosin Adarabioyo, dưới tiêu đề: “Cầu thủ 20 tuổi của Man City với lương 25.000 bảng/tuần vung tiền mua biệt thự 2,25 triệu bảng mặc dù chưa đá trận nào ở Premier League”. Một bài viết đăng vào tháng 10/2018, nói về tiền vệ tuổi teen Phil Foden. Giống như Adarabioyo, Foden cùng khoác áo Man City, cùng mua một căn nhà trị giá trên 2 triệu bảng. Tiêu đề bài viết về Foden như sau: “Foden mua căn nhà mới trị giá 2 triệu bảng cho mẹ anh”.
Hai ví dụ, một vấn đề, ngay cả những người có chỉ số IQ thấp cũng hiểu ý Sterling muốn nói ở đây là gì. “Hai cầu thủ trẻ đang bắt đầu sự nghiệp của họ, chơi cho cùng một đội bóng, cùng làm một việc là mua nhà cho mẹ của họ. Nhưng hãy nhìn vào cách mà báo chí truyền tải thông điệp đối với một cầu thủ da màu và một cầu thủ da trắng. Đứa trẻ da màu rõ ràng đã bị báo chí vẽ thành một kẻ hư hỏng. Cách làm của truyền thông đã khích lệ cho các hành vi kỳ thị chủng tộc. Vì thế, với tất cả những tờ báo chưa hiểu tại sao ngày nay kỳ thị chủng tộc vẫn còn tồn tại thì tôi phải nói rằng họ nên đối xử công bằng với tất cả các cầu thủ”, Sterling viết.
Tâm sự của Sterling xuất phát từ những gì xảy đến với chính anh trong trận thua 0-2 của Man City trước Chelsea. Báo cáo cho biết, trên khán đài Stamford Bridge, một số CĐV đã dùng lời lẽ mang tính kỳ thị nhắm vào Sterling. Chàng trai trẻ vốn kiệm lời và có phần nhút nhát cảm thấy rằng anh không thể im lặng thêm nữa.
Chia sẻ của Sterling lập tức gây bùng nổ trên mạng xã hội. Người dùng Twitter, Instagram... tại Anh trải qua một ngày bàn tán xôn xao về sự việc. Rất nhiều người nói rằng họ cảm thấy nỗi đau của Sterling như thế nào và đã đến lúc làm dịu nỗi đau không chỉ của ngôi sao Man City mà của tất cả những đứa trẻ da màu ở xứ sương mù.
Kế sách của Rio Ferdinand
Liệu điều đó có khả thi? Khó!
Trong cột bình luận trên tờ The Guardian, cựu tuyển thủ Anh Stan Collymore, một người da màu, nhận định: “Phản ứng của dư luận thể hiện sự đồng tình với Sterling và kêu gọi sự thay đổi. Nhưng theo tôi chẳng có gì thay đổi nếu nói tới kỳ thị chủng tộc ở đất nước này. Nước Anh bây giờ chả khác gì những năm 1970, khi tôi lớn lên ở Cannock trong một cộng đồng mà người da trắng chiếm 99,9%”.
Ít ngày trước khi Sterling bị kỳ thị chủng tộc, một CĐV Tottenham đã ném chuối vào người tiền đạo Aubameyang của Arsenal ngay trong trận derby Bắc London. Quyết định bắt giữ CĐV này của ban tổ chức trận đấu chưa đủ để răn đe những hành vi mang tính phân biệt chủng tộc.
Càng khó hơn khi truyền thông, vốn được coi là kênh để tuyên truyền, là một vũ khí sắc bén trong cuộc chiến chống kỳ thị, cũng có hành vi kỳ thị. “Tôi chỉ biết cười thôi vì tôi chả mong điều gì khá hơn”, Sterling thừa nhận sau trận đấu với Chelsea.
Trong bối cảnh đó, cựu danh thủ Rio Ferdinand đã hiến kế. Cựu sao M.U đã đề cập tới phong trào quỳ gối của cầu thủ da màu ở giải NFL (Mỹ). Phong trào được khởi xướng bởi cầu thủ Colin Kaepernick vào năm 2016. Trung phong ném bóng của đội San Francisco đã quỳ gối trên sân bóng nhằm cự tuyệt chào cờ và hát quốc ca nhằm phản đối những hành vi mang tính kỳ thị chủng tộc.
Chelsea điều tra CĐV phân biệt chủng tộc Chelsea cho biết CLB sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để điều tra video trên Twitter ghi lại cảnh các CĐV của họ có hành vi phân biệt chủng tộc đối với Raheem Sterling. “Chúng tôi đã tiếp cận đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, được coi là bằng chứng cáo buộc hành động kỳ thị chủng tộc nhắm vào một cầu thủ trên sân Stamford Bridge đêm qua. Chúng tôi sẽ xem kỹ đoạn video và thông báo về tính xác thực của cáo buộc”. |
Khánh Đan
Tags