(Thethaovanhoa.vn) - 40 năm sau khi phát hiện một bộ hài cốt, được cho là thuộc về một gia đình hoàng gia Hy Lạp, các chuyên gia đã khẳng định đây chính là di hài của Vua Philip II, cha Alexander Đại đế.
Philip là vua của vương quốc Macedon (Hy Lạp), cầm quyền từ năm 359 trước Công nguyên cho đến khi ông bị trưởng nhóm cận vệ của mình là Pausanias ám sát vào năm 336 trước Công nguyên, tại thành phố Aegae, hiện là Vergina.
Vị vua chiến binh
Alexander Đại đế là con của Vua Philip với người vợ thứ 4 là Olympias. Sau đó, Philip gặp và yêu cô gái Cleopatra Eurydice, cháu gái của tướng Attalus. Họ có 2 con, gồm con trai Caranus và con gái Europa, ra đời chỉ vài ngày trước khi Vua Philip bị ám sát.
Sau khi Philip qua đời, Alaxander kế vị ngai vàng, ở tuổi 20. Tương truyền rằng, bà Olympias, mẹ Alexander, đã lệnh giết cả Europa và Caranus để con trai mình có thể nắm giữ ngai vàng mà không bị tranh quyền. Còn Cleopatra đã tự vẫn.
Tư liệu lịch sử cho biết Philip II luôn thực hiện chiến lược “chia cắt để cai trị". Vị vua chiến binh này đã nắm quyền kiểm soát Hy Lạp và nhiều vùng khác dọc bán đảo Balkan, bằng cách tiến hành các hoạt động chiến tranh, ngoại giao.
Ông đặt nền móng cho nhiều chiến công quân sự đầy ấn tượng của con trai Alaxander, người sau này đã chinh phục được hàng loạt vùng đất, trải dài từ phía Đông Hy Lạp tới Ai Cập và Ấn Độ.
Trùng khớp tư liệu lịch sử
Năm 1977-1978, các chuyên gia đã khai quật được 2 bộ hài cốt trong các ngôi mộ được đánh dấu là Hoàng gia I và Hoàng gia II ở Vergina (Hy Lạp). Ngôi mộ Hoàng gia I có hài cốt của một người lớn, được cho là phụ nữ, và một đứa trẻ. Kể từ sau phát hiện này, nhiều chuyên gia cho rằng hài cốt trong ngôi mộ Hoàng gia II là của Vua Philip II.
Tuy nhiên, Philip từng bị thương ở chân, khiến ông phải đi tập tễnh, 3 năm trước khi bị sát hại. Trong khi đó xương chân của bộ hài cốt trong mộ Hoàng gia II lại không hề có dấu hiệu cho thấy việc bị thương.
Kết quả một cuộc nghiên cứu nhân chủng học khác lại cho rằng ngôi mộ Hoàng gia II gồm hài cốt của Vua Arrhidaeus và vợ ông là Eurydice. Vua Arrhidaeus là em cùng cha khác mẹ của Alexander Đại đế. Ông thừa kế ngai vàng sau khi Alexander qua đời.
Sử dụng máy quét và chụp X-quang, nhà nhân chủng học Juan-Luis Arsuaga và các đồng nghiệp của ông tại trường Đại học Thrace ở Madrid (Tây Ban Nha) đã tiến hành phân tích hài cốt trong cả 2 ngôi mộ.
Họ thấy bộ hài cốt trong ngôi mộ số 1 là của một người đàn ông cao 1m8, qua đời năm 45 tuổi, với đầu gối có một lỗ thủng. Điều này cho thấy người đàn ông đã bị một vết thương xuyên qua chân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn tìm thấy dấu vết viêm nhiễm do bị thương gây ra, ngoài các thương tổn về xương. Các dấu vết giúp họ đưa ra kết luận rằng người đàn ông này bị vẹo cổ, do dáng đi tập tễnh, không bình thường.
Các phát hiện này trùng khớp với những gì mà giới nghiên cứu biết về Vua Philip II. Do đó, họ cho rằng hài cốt của Vua Arrhidaeus và vợ Eurydice nằm trong ngôi mộ số II, còn Vua Philip II, vợ Cleopatra và đứa con mới sinh của họ, nhiều khả năng là Europa, nằm trong ngôi mộ số I.
Hài cốt của Alexander Đại đế ở đâu?
Cho đến nay, giới khảo cổ vẫn chưa tìm được hài cốt của Alexander Đại đế. Song mới đây, họ đã tìm thấy di cốt của 5 người trong ngôi mộ Amphipolis cổ. Trong số này có hài cốt của một người phụ nữ chưa rõ danh tính, một trẻ sơ sinh và 2 người đàn ông, cùng các mảnh xương của một người được hỏa táng.
Bộ Văn hóa Hy Lạp cho biết, kết quả nghiên cứu xương cho thấy người phụ nữ được chôn cất trong ngôi mộ này khoảng 60 tuổi, trong khi 2 người đàn ông ở độ tuổi 35-45. Alexander Đại đế qua đời ở tuổi 33, còn mẹ ông chết ở tuổi 59. Tuy nhiên tới nay họ vẫn chưa có kết luận gì về chủ nhân của các bộ hài cốt này.
Việt Lâm (theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa
Tags