(Thethaovanhoa.vn) - 2014 là năm thế giới kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất, một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất của nhân loại. Tuy nhiên cuộc chiến này không chỉ gây ra chết chóc, phá hủy mà còn tạo động lực cho thay đổi, phát minh, với nhiều sản phẩm vẫn đang phục vụ chúng ta hiện nay.
1. Băng vệ sinh
Trước khi chiến tranh nổ ra, công ty Kimberly-Clark (KC) của Mỹ đã phát minh một vật liệu có tên Cellucotton, với khả năng hút nước tốt hơn vải cotton tới 5 lần và khi được sản xuất hàng loạt lại có giá thành chỉ rẻ bằng nửa.
Khi Mỹ bước vào Thế chiến thứ nhất vào năm 1917, họ đã sản xuất hàng loạt vật liệu này để phục vụ hoạt động phẫu thuật trên chiến trường. Nhưng các nữ y tá Hội chữ thập Đỏ hoạt động ở tiền tuyến lại tìm thấy một công dụng khác từ vật liệu là giúp họ giữ vệ sinh trong các kỳ kinh.
Kết thúc chiến tranh, công ty KC có lúc đã lao đao khi các khách hàng chính là quân đội và Hội chữ thập Đỏ không còn mua vật liệu của họ nữa. Nhưng khi biết chuyện của các nữ y tá, công ty đã quyết định bỏ ra 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm thị trường mới. Sản phẩm cuối được họ tung ra thị trường là các miếng băng vệ sinh mang thương hiệu Kotex.
2. Khăn giấy
Tuy nhiên việc bán băng vệ sinh không hề dễ dàng bởi phụ nữ ghét việc phải mua chúng từ các tay bán hàng là nam giới. Nhận thấy vấn đề, KC liền kêu gọi các cửa hàng cho phép nữ khách hàng mua Kotex bằng cách thả tiền vào một cái hộp giấy. Doanh thu Kotex có tăng lên, nhưng vẫn rất chậm, không đạt mức kỳ vọng của KC. Công ty bèn tìm hướng tiêu thụ mới cho Cellucotton.
Vào đầu những năm 1920, công ty nghĩ ra phương thức là phẳng vật liệu này để biến nó thành những chiếc khăn mềm và mịn. Sau nhiều thử nghiệm, khăn giấy đã ra đời vào năm 1924 với thương hiệu "Kleenex".
3. Đèn cực tím
Mùa Đông năm 1918, ước tính có nửa số trẻ ở Berlin, Đức, bị mắc chứng còi xương, một tình trạng bệnh trong đó xương trở nên mềm và biến dạng. Vào thời điểm đó, người ta không biết nguyên nhân của hiện tượng này và nghĩ do đói nghèo gây ra. Một bác sĩ ở thành phố có tên Kurt Huldschinsky thấy rằng các bệnh nhân rất xanh xao. Ông bèn thực hiện thí nghiệm trên 4 đứa trẻ, bằng cách để chúng dưới các bóng đèn thủy ngân thạch anh, có khả năng phát ra tia cực tím. Sau thời gian điều trị, Huldschinsky thấy rằng xương của những đứa trẻ trở nên khỏe dần. Kết quả thử nghiệm của ông, khi được công bố đã khiến dư luận phấn khởi. Trẻ em trên khắp nước Đức lập tức được cho sưởi dưới đèn thủy ngân thạch anh. Các nhà nghiên cứu về sau thấy rằng vitamin D và calci là các yếu tố cần thiết để xây dựng cấu trúc xương, nhưng tiến trình tạo xương chỉ được kích hoạt dưới ánh sáng tử ngoại.
4. Quy ước giờ mùa Hè
Ý tưởng chỉnh đồng hồ cho chạy nhanh hơn vào mùa Xuân và chậm hơn vào mùa Thu không mới khi Thế chiến thứ nhất nổ ra. Benjamin Franklin đã đề cập tới ý tưởng này trong thư gửi Tuần báo Paris vào năm 1784. Ông nói rằng người ta lãng phí nến do ngủ muộn vào buổi tối mùa Hè và lãng phí ánh nắng buổi sớm do vẫn còn say giấc nồng. Thư của Franklin khiến một số nơi trên thế giới bắt đầu hoạt động thay đổi giờ.
Nhưng phải tới Thế chiến thứ nhất, sự thay đổi mới thực sự in dấu sâu đậm. Đối diện với tình trạng thiếu trầm trọng than đá, chính quyền Đức ra sắc lệnh rằng trong ngày 30/4/1916, mọi đồng hồ phải được điều chỉnh nhanh hơn 1 tiếng, từ 23h tới 24h, để sáng ngày hôm sau sẽ có dư thêm 1 tiếng quý báu. Từ nước Đức, hoạt động ban đầu có ý nghĩa tiết kiệm than cho hoạt động sưởi ấm và chiếu sáng, đã nhanh chóng lan ra nhiều nước khác gồm Anh và Mỹ.
5. Trà túi
Trà túi không sinh ra để giải quyết một số vấn đề thời chiến. Đây là ý tưởng của một thương gia bán trà người Mỹ, người trong năm 1908 đã bắt đầu đóng trà trong các túi nhỏ để tiện chuyển cho khách hàng, những người lính. Tuy nhiên do vô tình, có người đã đánh rơi túi trà vào trong cốc nước và lịch sử trà túi từ đó mà sinh ra.
6. Đồng hồ đeo tay
Đồng hồ đeo tay không phải sản phẩm dành riêng cho Thế chiến thứ nhất. Nhưng nó được đàn ông tham gia cuộc chiến thi nhau dùng và sau chiến tranh trở nên thông dụng. Trước đó, cho tới tận cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đàn ông giàu có thường để đồng hồ, được nối với một dây chuyền nhỏ, ở trong túi. Phụ nữ, vì những lý do khó hiểu, lại thích mang đồng hồ ở tay.
Nhưng khi chiến tranh nổ ra và thời gian trở thành yếu tố quan trọng, các nhà sản xuất đã phát triển những loại đồng hồ mà người ta không cần phải động tay để xem giờ. Vậy là đồng hồ đeo ở cổ tay ra đời.
Thế chiến thứ nhất đã có công giúp đồng hồ đeo tay trở nên phổ biến bởi trong cuộc chiến này, thời gian đóng vai trò quan trọng cốt yếu. Ví dụ do hạn chế về liên lạc và truyền phát tín hiệu, người ta phải căn thời gian để điều chỉnh loạt pháo bắn trước các màn xung phong của bộ binh.
Ngày hôm nay, dấu vết Thế chiến thứ nhất vẫn còn đọng lại tại một trong những chiếc đồng hồ sang trọng bậc nhất của thế giới: mẫu Tank Watch của Cartier đã hình thành từ năm 1917, khi nhà sản xuất người Pháp Louis Cartier nhìn thấy những chiếc xe tăng Renault và tạo ra đồng hồ dựa trên hình dáng của chúng.
7. Xúc xích chay
Những người mê thịt sẽ tưởng xúc xích chay là sản phẩm do gã híppi nào đó sống trong những năm 60 ở Mỹ tạo ra. Tuy nhiên họ đã lầm. Xúc xích với nhân đậu tương đã được tạo ra bởi Konrad Adenauer, Thủ tướng đầu tiên của Đức sau Thế chiến thứ hai.
Thời Thế chiến thứ nhất, Adenauer là thị trưởng Cologne và việc người Anh phong tỏa Đức đã gây nên nạn đói, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thành phố. Adenauer là người sáng tạo, đã nghĩ tới việc sử dụng nguyên liệu thay thế thịt để làm ra xúc xích chay.
Ban đầu ông dùng hỗn hợp bột gạo, đại mạch và bột ngô Romania để tạo bánh mỳ, thay vì dùng bột mỳ truyền thống. Chuyện diễn ra ổn thỏa cho tới khi Romania tham chiến và nguồn cung cấp ngô cạn kiệt. Từ thử nghiệm ban đầu, ông chuyển sang làm xúc xích chay, nhưng không được cấp bản quyền sáng chế ở Đức chỉ bởi nguyên nhân: xúc xích không có thịt thì không thể được gọi là xúc xích. Adenauer về sau còn sáng chế ra nhiều thứ nữa, nhưng xúc xích chay vẫn là thành tựu lớn nhất của ông.
8. Phéc mơ tuya
Kể từ giữa thế kỷ 19, nhiều người đã tìm phương thức để nhanh chóng khép chặt quần áo với thân người, qua đó giúp giữ ấm cơ thể. Nhưng phải nhờ Gideon Sundback, một người Thụy Điển nhập cư tới Mỹ, thế giới mới có những chiếc khóa phéc mơ tuya vô cùng tiện lợi, dễ sử dụng.
Ở Mỹ, Sundback trở thành phụ trách thiết kế của công ty Universal Fastener và đã tạo ra thiết bị có tên "Hookless Fastener". Thiết bị này thực tế là một thanh trượt giúp khóa hai hàng răng thép lại với nhau, tiền thân của khóa phéc mơ tuya hiện đại. Quân đội Mỹ nhanh chóng sử dụng nó trong các bộ quân phục và ủng dành cho binh lính tham gia Thế chiến thứ nhất. Sau chiến tranh, thiết bị này ào ạt đổ bộ sang thị trường dân sự.
9. Thép không rỉ
Chúng ta cần phải cảm ơn Harry Brearley, người vùng Sheffield của Anh vì đã tạo ra loại thép không rỉ. Khi quân đội Anh tìm một loại thép tốt để làm súng, họ đã tìm tới Brearley. Họ muốn có loại thép dùng làm nòng súng thật tốt, sao cho không bị biến dạng sau khi được bắn liên tục.
Brearley đã thử nghiệm bằng cách thêm chromium vào thép và không hài lòng với kết quả ban đầu, ông quẳng hợp kim ra sân. Nhưng sau đó Brearley để ý thấy rằng các hợp kim bị loại bỏ và vứt chỏng chơ tại sân nhà ông không rỉ. Và như thế, ông đã tìm ra bí mật để tạo nên loại thép không rỉ.
Trong thế chiến thứ nhất, loại thép này được dùng để chế tạo động cơ máy bay. Nhưng nó chỉ thực sự hữu ích khi được dùng để chế tạo thìa, dĩa, dao và rất nhiều thiết bị y tế quan trọng khác.
10. Thiết bị liên lạc của phi công
Tại Thế chiến thứ nhất, các phi công không có phương tiện nào để liên lạc với nhau và với những người trên mặt đất. Họ buộc phải dùng cử chỉ hoặc hét toáng lên để truyền thông điệp.
Trong nỗ lực cải thiện tình hình, người ta nghĩ tới giải pháp liên lạc không dây. Tới cuối năm 1916, liên lạc qua sóng vô tuyến đã bắt đầu thành công, nhưng hoạt động giao tiếp lúc máy bay hoạt động vẫn rất khó khăn do động cơ quá ồn ào. Vấn đề chỉ được giải quyết khi người ta chế ra mũ phi công với micro ở bên trong và tai nghe để loại bỏ tạp âm. Sau chiến tranh, hoạt động liên lạc kiểu này cũng đã nhanh chóng đổ bộ sang lĩnh vực dân sự.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa