2012, năm đẫm máu của các nhà báo trên thế giới

Thứ Tư, 19/12/2012 19:09 GMT+7

Google News

Năm 2012 sẽ là một trong những năm đẫm máu nhất với các nhà báo trên toàn thế giới khi ít nhất 67 người thiệt mạng trong luc tác nghiệp.

Con số này được tổ chức bảo vệ quyền lợi của truyền thông Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) có trụ sở tại Mỹ đưa ra ngày 18/12. Trong khi đó, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) ở Paris nói con số này là 88 người.

CPJ, đặt trụ sở tại New York, nói số nhà báo thiệt mạng tăng 42% so với năm ngoái, chủ yếu do các cuộc xung đột tại Syria, Somalia, tình trạng bạo lực ở Pakistan và các nhà báo bị sát hại ở Brazil.

“Với 67 nhà báo bị giết trong những vụ liên quan trực tiếp tới công việc tính tới giữa tháng 12, năm 2012 sẽ trở thành một trong những năm đẫm máu nhất kể từ khi CPJ bắt đầu thu thập số liệu, 1992,” ủy ban nói.

Năm tồi tệ nhất với các nhà báo tính tới giờ là 2009, khi 74 nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp, gần một nửa trong vụ thảm sát ở tỉnh Mindanao tại Philippines, theo CPJ. Tổ chức này cũng nói họ đang điều tra những cái chết của 30 nhà báo nữa trong năm 2012 để xem có liên quan tới công việc của họ hay không.

“Các nhà báo của báo mạng đang bị tấn công dữ dội hơn bao giờ hết, trong khi tỉ lệ những người hành nghề tự do một lần nữa cao hơn mức trung bình của lịch sử,” CPJ nói trong một báo cáo thường niên. Syria là nơi nhiều nhà báo thiệt mạng nhất trong năm 2012, với 28 người. Một nhà báo đưa tin về cuộc xung đột Syria cũng thiệt mạng ở ngay bên kia biên giới, phía Lebanon.

Trên toàn thế giới, phần lớn nạn nhân, cụ thể là 94%, là các nhà báo địa phương đưa tin tức ở đất nước của họ, một tỉ lệ trung bình dựa trên các số liệu lịch sử. Bốn nhà báo quốc tế thiệt mạng trong năm 2012, tất cả đều ở Syria: Marie Colvin, một nhà báo người Mỹ viết cho tờ Sunday Times ở London; phóng viên ảnh tự do người Pháp Remi Ochlik; phóng viên của đài France 2 Gilles Jacquier; và phóng viên người Nhật Bản của Japan Press, Mika Yamamoto.

Những tổ chức khác cũng cung cấp số liệu về số nhà báo thiệt mạng. RSF thông báo ngày 18/12rằng năm 2012 đã có 88 nhà báo thiệt mạng. “Thước đo tự do báo chí” thường niên của RSF cũng liệt kê 47 “cư dân mạng” và các nhà báo công dân bị sát hại và 193 nhà báo bị cầm tù.

Báo cáo của RSF đồng ý với CPJ rằng Syria, Somalia và Pakistan là những quốc gia nguy hiểm nhất cho nhà báo. RSF nói số liệu của họ năm nay là cao nhất kể từ khi tổ chức này bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1995.

Theo Trần Trọng
Vietnam+

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›