(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 6/6 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 6.844.705 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 398.141 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 3.335.399 người.
Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.965.708 ca mắc và 111.390 ca tử vong. Xếp sau Mỹ về số ca tử vong là Anh với 40.261 ca trong số 283.311 nhưng là số nước có ca mắc COVID-19 đứng thứ năm thế giới. Brazil là nước có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới với 646.006 ca nhiễm trong khi số ca tử vong là 35.047 người, đứng thứ ba thế giới.
Tại khu vực Mỹ Latinh, một “điểm nóng” về dịch COVID-19, Bộ Y tế Mexico ngày 5/6 thông báo ghi nhận thêm 4.346 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 110.026 người, trong đó có 13.170 ca tử vong, và 48.822 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Mexico ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh sau khi chính phủ nước này ngày 1/6 quyết định dỡ bỏ giãn cách xã hội để từng bước đưa đất nước quay trở lại tình trạng bình thường mới.
Chỉ trong 5 ngày qua, Mexico đã ghi nhận 19.362 ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 3.240 người. Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong do COVID-19 có thể lên đến 35.000 người. Hiện Mexico đã tiến hành 324.897 xét nghiệm.
Trong 24h qua, Chile cũng ghi nhận thêm 4.207 ca nhiễm và 92 ca tử vong. Hiện số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã tăng lên lần lượt là 122.499 ca và 1.448 ca.
Tại khu vực Trung Mỹ, số ca bệnh ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 31.574 người, trong đó có 834 ca tử vong, tăng tương ứng 1.105 ca bệnh và 30 ca tử vong.
Tại châu Phi, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho sáng kiến Hợp tác đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm COVID-19 tại châu Phi (PACT), trong bối cảnh tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng tại châu lục với 1,3 tỷ dân này. Theo Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong, sáng kiến PACT do Liên minh châu Phi (AU) khởi xướng hiện được xem là phương thức duy nhất để ứng phó với dịch COVID-19 tại Lục địa Đen, đặc biệt khi các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây.
Nam Phi tiếp tục là tâm dịch của châu Phi khi trong ngày 5/6, quốc gia này đã ghi nhận 3.267 ca mắc mới, mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện tổng số ca nhiễm tại Nam Phi là 43.434 ca, trong đó có 908 ca tử vong. Xét riêng về số ca tử vong, Nam Phi đứng thứ hai sau Ai Cập (1.126) tại các nước châu Phi.
Tại khu vực châu Á, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 6/6 cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này tăng thêm 51 ca lên 11.719 ca. Tin vui là không có thêm ca tử vong nào trong khi đã có thêm 25 bệnh nhân COVID 19 ở Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.531 ca.
Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành "kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày" bắt đầu từ ngày 6/5 vừa qua, song ngay sau đó cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần một nửa dân số Hàn Quốc.
Còn tại Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch bệnh hồi tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Y tế quốc gia ngày 6/6 thông báo đã ghi nhận thêm 3 ca mắc từ nước ngoài, nâng tổng số ca "nhập khẩu" lên 1.711 ca. Tất cả 3 ca đều được ghi nhận tại tỉnh Quảng Đông. Trong số tất cả các ca lây nhiễm từ bên ngoài đã có 1.708 ca được xuất viện, trong khi vẫn còn 63 người đang được điều trị. Không có ca tử vong nào được ghi nhận ở nhóm đối tượng lây nhiễm từ nước ngoài. Tính tới nay, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 83.030 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Phương Oanh/TTXVN
Tags