Được phát minh bởi Mikhail Kalashnikov sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, AK-47 đã nhanh chóng trở thành vũ khí chủ lực của quân đội Liên Xô cũng như các đồng minh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cho đến ngày nay, ngay cả những lực lượng, tổ chức ít được đào tạo bài bản nhất cũng có khả năng sử dụng AK-47 một cách thành thạo. Đơn giản bởi vì AK-47 có giá thành sản xuất tương đối rẻ, độ tin cậy cao và hiệu suất sự dụng đạt mức gần như tuyệt đối.
Không quá lời khi nói rằng AK-47 đã thực sự làm thay đổi quá trình lịch sử của nhân loại trong nhiều cuộc xung đột khác nhau trong hơn nửa thế kỷ qua. Một thứ vũ khí mà giúp cho người tý hon David có thể đánh bại tên khổng lồ Goliath. Trong thời đại ngày nay, AK-47 chỉ còn được sử dụng tại một số ít các quốc gia trên thế giới. Còn lại một lượng lớn AK-47 được làm giả rơi vào tay các tổ chức khủng bố hoặc các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Ý tưởng chế tạo AK-47 xuất hiện từ cuộc Chiến tranh Thế giới lần hai
Năm 1941, Mikhail Kalashnikov bị thương nặng trong trận đánh ở thị trấn Bryansk, phía nam Moskva. Lần đầu tiên ông đã cảm nhận được sức mạnh đến từ khẩu súng trường tấn công mới đến từ Đức. Hơn 80.000 binh sĩ Liên Xô đã chết trong trận đánh đó còn Mikhail Kalashnikov thì phải điều trị một thời gian dài trong bệnh viện.
Từ đó cha đẻ của AK-47 đã luôn nghĩ rằng mình phải chế tạo một khẩu súng tiên tiến ngăn chặn sức tiến công của Đức Quốc xã. Khẩu súng cần được thiết kế để có thể bắn tự động nhưng trọng lượng cần phải nhẹ như khẩu Sturmgewehr của Đức. Thêm vào đó yếu tố sản xuất đơn giản với giá thành rẻ cùng với yêu cầu sử dụng được trong những điều kiện khó khăn và khắc nghiệt nhất dù ở nơi có khí hậu lạnh giá hay khu vực ẩm ướt và khô nóng. Kalashnikov đã phác thảo những ý tưởng đầu tiên ngay khi đang được điều trị trong bệnh viện.
Phải mất đến năm 1947, Kalashnikov mới hoàn thiện nguyên mẫu đầu tiên mang tên Avtomat Kalishnikova hay còn gọi là AK-47. Năm 1949, AK-47 mới được đưa vào sử dụng đại trà trong quân đội Liên Xô. Khoảng thời gian quá muộn để khẩu súng thể hiện vị trí của mình trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Nhiều binh sĩ Liên Xô lúc bấy giờ cất giữ khẩu AK-47 cực kỳ cẩn thận như một vật làm tin rằng vũ khí này sẽ giúp họ bảo vệ quê hương. Mãi đến năm 1956, AK-47 lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc giao tranh ở Budapest, Hungary. 50.000 người Hungary đã chết trong trận chiến, trong khi chỉ có 7.000 binh sĩ Liên Xô tử nạn.
AK-47 - món quà của Liên Xô trong chiến tranh Lạnh
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, AK-47 đã trở thành món quà lớn nhất của Liên Xô gửi đến các đồng minh. Nhà báo Larry Kahaner từng viết trên tờ Washington Post rằng súng trường AK chỉ thực sự nổi bật trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, 25 năm sau khi nó được sản xuất.
Quân đội Mỹ thời bấy giờ luôn truyền nhau một câu chuyện rằng Đại tá David Hackworth từng tìm thấy thi thể một binh sĩ Nga tử nạn được vùi trong bùn đất hơn một năm. Ông kéo khẩu AK-47 ra khỏi tay người lính và bắn tròn 30 viên đạn lên bầu trời mà không cần phải phủi bụi.
Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng khẩu súng trường mà Kalashnikov chế tạo có khả năng duy trì hiệu quả sử dụng đến 40-50 năm. Trong khi nếu không bảo dưỡng hoặc sử dụng thường xuyên trong các điều kiện khắc nghiệt, AK-47 vẫn có thể sử dụng hiệu quả tới 20 năm.
Trong chiến tranh Việt Nam, khi súng trường M-16 của Mỹ thường xuyên gặp phải trục trặc khi chiến đấu ở những địa hình đầm lầy hoặc rừng rậm thì AK-47 lại hoạt động cực kỳ hiệu quả. Không ít trường hợp các binh sĩ Mỹ đã phải vứt bỏ khẩu M-16 để nhặt lấy AK-47 trên tay của những người lính Việt Nam. Điều này thể hiện dù nước Mỹ là một cường quốc của thế giới nhưng tiền bạc đã không thể giúp quân đội Mỹ có được thứ vũ khí đơn giản, dễ sử dụng mà lại hiệu quả như AK-47.
Mikhail Kalashnikov đã thiết kế AK-47 có thể sử dụng kết hợp cùng với găng tay trong mùa đông lạnh mà người lính không gặp phải bất cứ trở ngại nào. Thậm chí chỉ cần hướng dẫn một người trên đường phố trong vòng vài giờ đồng hồ là anh ta có thể sử dụng AK-47 một cách thành thạo. AK cũng không cần những dụng cụ chuyên biệt để tiến hành bảo dưỡng định kỳ.
AK-47 - khẩu súng trường phổ biến nhất trên khắp thế giới
Kể từ năm 1979, khi Liên Xô hỗ trợ chính quyền Afghanistan bằng những khẩu súng AK-47 nhằm chống lại các tay súng Hồi giáo, nước Mỹ đã nhận ra sức mạnh của AK. 10 năm sau đó, CIA đã chi hàng trăm triệu USD hỗ trợ lực lượng nổi dậy Mujahiddeen với những loại AK-47 nhái được vận chuyển từ Ai Cập.
Kể từ đó AK-47 đã xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trở thành một biểu tượng của các lực lượng du kích chống lại các cường quốc hùng mạnh. Afghanistan sụp đổ, kho dự trữ vũ khí tràn ngập trên các thị trường chợ đen. Trong đó bao gồm cả AK-47. Giá một khẩu AK nhái rẻ đến mức mà còn có giá trị thấp hơn cả việc mua một con gà ở ngoài chợ.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 100 triệu khẩu súng trường AK-47 đang lưu hành trên toàn thế giới. Cứ mỗi 70 người thì có 1 người sở hữu một khẩu AK-47. Tuy nhiên hầu hết những khẩu AK-47 cho đến nay đều là hàng nhái chứ không phải có nguồn gốc từ Nga.
Các quốc gia như Bulgaria, Trung Quốc , Ai Cập , Iraq, Ấn Độ , Iran, Nigeria, Bắc Triều Tiên , Ba Lan , Serbia, Sudan... đều có thể tự sản xuất AK-47 dù chất lượng có thể kém hơn hàng chính gốc ở Nga. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho những thế hệ AK về sau như AK-74, AK-101 hayAK-12 hầu như không được Nga xuất sang các thị trường nước ngoài.
Với một số lượng lớn như vậy, nếu có một thống kê toàn diện, AK-47 chắc chắn sẽ là mẫu súng trường đã giết hại nhiều người nhất, lớn hơn bất kỳ vũ khí nào khác trong lịch sử loài người.
Lời cuối cùng từ Mikhail Kalashnikov
Cha đẻ của AK-47 đã qua đời vào ngày 23/12 ở tuổi 94. Những năm cuối đời ông sống âm thầm gần bảo tàng Kalashnikov trong khu vực gần dãy núi Ural, thuộc Nga. Ông được công nhận là anh dùng dân tộc bởi việc Kalashnikov không lên tiếng đòi chi phí bản quyền của những quốc gia đã sản xuất nhái AK-47.
Lời cuối cùng mà Mikhail Kalashnikov gửi đến người dân trên thế giới, "Tôi đã phát minh ra nó với mục đích bảo vệ quê hương và tôi không hối hận nếu như nó được sử dụng sai mục đích". Khẩu súng AK-47 huyền thoại đã luôn nằm trong những bức ảnh chụp cùng với trùm khủng bố Osama Bin Laden, một nhà hoạt động cách mạng ở Nam Mỹ hay một tên cướp biển Somali.
Kalashnikov thừa nhận: "Nếu được suy nghĩ lại, tôi muốn phát minh ra một cỗ máy như máy cắt cỏ mà ai cũng có thể sử dụng trong công việc hàng ngày".
Tổng hợp