Báo Argentina lên án hậu quả tàn khốc của chất độc da cam/điôxin tại Việt Nam

Thứ Hai, 05/09/2016 09:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/9, trang mạng ArgenPress của Argentina đã đăng bài viết của nhà báo Carlos Rivodo tố cáo những hậu quả thảm khốc của chất độc da cam/điôxin do quân đội Mỹ rải trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, dưới tiêu đề “Chất độc da cam/điôxin, tội ác chống lại nhân dân Việt Nam”, nhà báo Rivodo nhấn mạnh trong cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng số bom đạn nhiều gấp 4 lần số bom đạn được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, hậu quả là 3 triệu người Việt Nam đã thiệt mạng và 4 triệu người bị thương.

Trong bài viết, nhà báo Rivodo tố cáo quân đội Mỹ đã sử dụng vũ khí hóa học hủy diệt với chất khai quang tại Việt Nam. Ngày 10/8/1961, máy bay trực thăng H-34 của Không lực Mỹ bắt đầu rải chất diệt cỏ xuống rừng Việt Nam, khởi đầu cho chiến dịch mang tên “Ranch Hand” trong cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam.


Bài báo về hậu quả thảm khốc của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam trên trang mạng ArgenPress

Trong chiến dịch này, quân đội Mỹ đã sử dụng 3 chất hóa học chính, trong đó có chất độc da cam/điôxin. Cho tới thời điểm hiện tại, điôxin vẫn là hóa chất nguy hiểm nhất mà con người có thể tạo ra. Chất độc này tồn tại không giới hạn trong môi trường và có thể chịu mức nhiệt lên tới 1.000 độ C, không tan trong nước. Chất dioxin có thể thâm nhập cơ thể, ăn vào máu, nhiễm vào sữa mẹ, gây các bệnh ung thư và những dị tật ở thai nhi mang tính di truyền.

Nhà báo Rivodo nhấn mạnh Monsanto, Dow Chemical, Thompson Chemical và Thompson Hayward nằm trong số khoảng 50 công ty Mỹ tham gia sản xuất những chất độc hóa học chết người nói trên. Quân đội Mỹ đã rải xuống lãnh thổ Việt Nam gần 80 triệu lít chất khai quang và chất diệt cỏ trong giai đoạn 1961-1971, trong đó riêng chất độc da cam/điôxin là gần 46 triệu lít.

Chất độc hóa học đã phá hủy đất đai và đồng ruộng của hơn 3.000 ngôi làng ở miền Nam Việt Nam, hơn 2 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc sử dụng nước và thực phẩm nhiễm chất độc. Con số nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc có thể lên tới 3 triệu người, trong đó có hàng chục nghìn binh lính Mỹ, New Zeland, Australia và Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam, đó là chưa kể tới hậu quả thảm khốc đối với môi trường mà chất độc da cam/điôxin để lại. Tác giả bài viết khẳng định đây là một tội ác chống lại loài người.

Nhà báo Rivodo nhấn mạnh sau hơn 4 thâp kỷ chiến tranh kết thúc, nhân dân Việt Nam vẫn đang kêu gọi thế giới đoàn kết đấu tranh yêu cầu giải quyết hậu quả nặng nề của chất độc da cam/ điôxin mà nước này tiếp tục phải gánh chịu. Ngày 30/1/2004, các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam đã kiện 37 công ty Mỹ sản xuất chất diệt cỏ này lên tòa án quận Brooklin, thành phố New York. Tuy nhiên, thẩm phán Mỹ Jack B Weistein đã bác bỏ vụ kiện vì cho rằng không có đủ bằng chứng về việc chất độc trên liên quan tới các nạn nhân.

Theo nhà báo Rivodo, trên thực tế, Chính phủ Mỹ luôn tìm cách chối bỏ trách nhiệm vì trước khi tòa án Brooklin đưa ra quyết định trên, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi một văn bản cho rằng vụ kiện có thể gây tiền lệ xấu cho quân đội Mỹ. Tác giả kết luận, nhân dân Việt Nam kêu gọi sự đoàn kết của thế giới trong cuộc chiến bảo vệ công lý và chấm dứt việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›