(Thethaovanhoa.vn) - Tạp chí Time vừa có bài viết đáng chú ý về lễ hội thịt chó tai tiếng bậc nhất Trung Quốc, được cho là vẫn âm thầm diễn ra tại thành phố Ngọc Lâm (Yulin), phía nam nước này.
Với người Mỹ, một lễ hội trong đó 10.000 con chó bị giết thịt và ăn để lấy may như ở Ngọc Lâm là hiện tượng bất thường, khó chấp nhận. Theo truyền thống, lễ hội này diễn ra vào 21/6, ngày dài nhất trong năm. Nhưng năm nay, trước sự phản ứng của dư luận, gồm cả ở Trung Quốc, chính quyền địa phương đã tuyên bố cấm lễ hội này. Mặc dù vậy, một số tờ báo như Daily Mail của Anh từng có bài viết cho thấy lễ hội không biến mất mà vẫn âm thầm diễn ra.
Chợ lớn mua bán thịt chó ở Ngọc Lâm, Trung Quốc
Trước tiên, lễ hội thịt chó là "có thật”. Time cho biết, ở Ngọc Lâm, dịp hạ chí là những ngày nóng nhất trong năm. Thành phố có cái tên nghĩa là “rừng ngọc” này ăn mừng hạ chí vào ngày 21/6 hàng năm bằng lễ hội thịt chó. Truyền thống được cho là bắt đầu từ những năm 1990, nhưng sở thích ăn thịt chó thì đã có từ lâu đời.
Theo truyền thuyết Trung Quốc, ăn thịt chó giúp làm nóng cơ thể, chuẩn bị cho một mùa Đông khắc nghiệt phía trước. Nhưng ngoài ra còn có niềm tin thuộc về tín ngưỡng, khi cho rằng thịt chó mang lại may mắn và sức khỏe. Tại lễ hội, thịt chó được ăn cùng vải và rượu. Time dẫn nguồn từ tờ China Daily chính thống từng ước tính trên 10.000 con chó bị giết cho lễ hội.
Thứ hai, Trung Quốc không có luật bảo vệ động vật, nhưng các chuyên gia vẫn cho lễ hội này là bất hợp pháp. Một dự thảo luật năm 2009 ở Trung Quốc đề xuất phạt những kẻ lạm dụng động vật với 6.000 nhân dân tệ (21 triệu đồng) và 2 tuần giam giữ. Dự luật cũng đề nghị các tổ chức phạm tội bán chó và mèo để giết bị phạt từ 10.000 tệ (35 triệu đồng) đến 500.000 tệ (hơn 1,7 tỷ đồng). Nhưng dự luật này chưa được thông qua.
Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý cho rằng lễ hội là bất hợp pháp theo một quy định được của Bộ Nông nghiệp ban hành năm 2013, trong đó yêu cầu kiểm dịch động vật trước khi vận chuyển. Quy định này khó thực hiện trên thực tế. Nhiều con chó đã bị săn trộm rồi mang tới Ngọc Lâm và những điểm tiêu thụ thịt chó lớn khác, khiến hoạt động kiểm soát trở nên rất khó khăn.
Một người biểu tình phản đối lễ hội thịt chó năm 2013
Thứ ba, lễ hội thịt chó này chưa bao giờ bị phản đối mạnh mẽ qua truyền thông xã hội như năm nay. Trong nhiều năm qua, hàng trăm nghìn cư dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối tại lễ hội này. Năm nay, ngoài một chiến dịch ký tên kiến nghị giải cứu chó và những bài xã luận, nhiều người nổi tiếng đã tham gia phản đối lễ hội Ngọc Lâm trên Weibo, trong đó có các nữ diễn viên Tôn Lệ, Dương Mịch.
Thứ tư, lễ hội năm nay bắt đầu sớm để tránh bị phản đối. Người dân Ngọc Lâm cho biết đã khai mạc lễ hội sớm một tuần để tránh các hoạt động phản đối và giới báo chí. Theo Tân Hoa Xã, các nhà cung cấp và nhà hàng bán thịt chó đã che đi chữ “chó” trong biển hiệu vì ngại gây tranh cãi.
Thứ năm, lễ hội thịt chó đã bị cấm trong quá khứ, nhưng các quan chức ở Ngọc Lâm vẫn khẳng định lễ hội không tồn tại.
Năm 2011, chính quyền Trung Quốc từng cấm lễ hội thịt chó ở thành phố Kim Hoa, sau khi một chiến dịch truyền thông phản đối được phát động. Lễ hội này có 600 năm truyền thống, được tổ chức vào tháng 9.
Một hàng thịt chó ở Ngọc Lâm
Trong nỗ lực xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng, hôm 7/6, chính quyền Ngọc Lâm đã ra tuyên bố nói rằng người dân địa phương vẫn tổ chức các cuộc họp mặt nhỏ để ăn thịt chó, nhưng một lễ hội quy mô lớn thì không bao giờ tồn tại.
Dù không bình luận, thông tin Time đưa ra cũng khiến độc giả tạp chí này tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội về truyền thống ăn thịt chó của người Trung Quốc. Bên cạnh hai luồng ý kiến chính là phản đối và đồng tình với lễ hội Ngọc Lâm, nhiều người còn phân tích các khía cạnh pháp lý xung quanh việc ăn thịt chó, như trộm cắp chó, mua bán trái phép, kiểm dịch lỏng lẻo…
Dưới đây là những hình ảnh về lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm trong những năm qua, đăng tải trên các tờ China Daily, New Republic:
Hạ Huyền
Tags