(Thethaovanhoa.vn) - Như thường lệ, vào tháng 10 hàng năm, giải thưởng Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực lần lượt được công bố. Ngày 2/10 sắp tới, mùa giải Nobel 2017 sẽ được bắt đầu với việc trao giải Nobel Y học. Sau đó, lễ trao giải Nobel 2017 sẽ được tổ chức trang trọng ở Nhà hát lớn ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 10/12 để tưởng nhớ ngày mất của Alfred Nobel, nhà khoa học Thụy Điển đã nhà sáng lập giải thưởng này.
- Nhà thơ đoạt giải Nobel Derek Walcott qua đời tại quê nhà
- Chiêm ngưỡng những 'công trình hạnh phúc' của Việt Nam đoạt giải 'Nobel Kiến trúc' châu Á
Giải thưởng cao quý Nobel
Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel. Một giải Nobel được trao cho tối đa 3 người. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ.
Lễ trao giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế được tiến hành tại Stockholm, Thụy Điển và lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra tại Oslo, Na Uy.
Quy trình bầu chọn Giải Nobel
Vào tháng 9 của năm trước khi trao giải, Ủy ban Nobel bí mật gửi mẫu đề cử cho 3.000 chuyên gia là những người từng được nhận giải Nobel, thành viên của đơn vị trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Y học, các giáo sư đầu ngành của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới.
Tháng 2 của năm trao giải là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ. Ủy ban Nobel sẽ sàng lọc và lựa ra các ứng cử viên. Sau đó, hội đồng chọn ra khoảng từ 250-350 người lọt vào vòng tiếp.
Từ tháng 3 đến tháng 5, các chuyên gia đánh giá công trình của các ứng cử viên, sau đó Ủy ban Nobel tiến cử người đạt giải để Viện Hàn lâm chọn trên đa số phiếu bầu.
Tháng 6 đến tháng 8, Ủy ban Nobel tập hợp các báo cáo có kèm theo danh sách tiến cử gửi cho Viện Hàn lâm. Bản báo cáo này được các thành viên hội đồng cùng ký tên.
Vào đầu tháng 10, Viện Hàn lâm chọn ra người đoạt giải dựa trên đa số phiếu bầu. Đây là lựa chọn cuối cùng, sau đó chính thức công bố tên người đoạt giải.
Việc bỏ phiếu để chọn ra người đoạt giải Nobel được giữ bí mật đến giờ chót. Tuy nhiên, các thành viên của hội đồng bình chọn - bao gồm quan chức chính phủ, giáo sư đại học, nhà lập pháp và cả những người từng đoạt giải Nobel trước đây - có quyền tiết lộ cái tên hoặc tổ chức mà họ đã đề cử. Hàng năm, trước ngày 15-11, Ban tổ chức sẽ phải công bố danh sách những người được nhận phần thưởng cao quý này.
- Giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế: Do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định.
- Giải Nobel Y học: Do Ủy ban Nobel của Viện Carolin (được thành lập năm 1810) quyết định.
- Giải Nobel Hòa bình: Do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.
Theo Viện Nobel công bố danh sách ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình 2017 bao gồm 318 tổ chức và cá nhân. Theo nhiều nguồn tin, danh sách ứng cử viên năm nay có thể sẽ bao gồm cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, Giáo hoàng Francis, Tổng thống Nga Vladimir Putin, cựu Tổng thống Pháp Jacquers Chirac. Một cái tên nổi bật trong danh sách dự đoán ứng cử viên năm nay là tân Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông nhận được đề cử từ một người Mỹ giấu tên với mong muốn nhà lãnh đạo của đất nước sẽ được công nhận bởi “thông điệp hòa bình thông qua hệ tư tưởng sức mạnh”.
Giải Nobel Hòa bình 2016 đã được trao cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những đóng góp và nỗ lực của ông trong việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ tại quốc gia này.
Giá trị giải thưởng Nobel
Chủ nhân của giải Nobel sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt. Số tiền phụ thuộc vào thu nhập của Hiệp hội Nobel. Ban đầu, hơn ba người có thể cùng nhận một giải Nobel. Tuy nhiên đến năm 1968, điều lệ của Tổ chức Nobel được sửa đổi hạn chế chỉ có 3 người đồng nhận một giải thưởng. Trong trường hợp đó, mỗi người có thể nhận 1/3 khoản tiền hoặc 2 người có thể chia nhau 50% số tiền thưởng trong khi người thứ ba nhận 50% còn lại. Nếu chưa được trao, số tiền thưởng sẽ được trả lại quỹ.
Ngày 25-9-2017, Quỹ Nobel quyết định tăng tiền thưởng cho các hạng mục giải Nobel năm nay thêm 1 triệu krona (khoảng 120.000 USD) so với mùa giải trước, lên 9 triệu krona (khoảng 1,1 triệu USD). Đây là lần điều chỉnh giá trị tiền thưởng đầu tiên kể từ năm 2012 khi Quỹ Nobel quyết định giảm giá trị tiền thưởng 20% mỗi hạng mục, trong bối cảnh phải cân đối ngân sách trong dài hạn.
Từ chối giải thưởng Nobel
Lý do dẫn tới hành động từ chối nhận giải Nobel có thể khác nhau, song chủ yếu là do áp lực từ bên ngoài. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận thì số tiền thưởng sẽ được trả lại vào quỹ. Trong quá khứ, đã có trường hợp người giành giải từ chối nhận phần thưởng, vì vậy bên cạnh tên của người nhận giải trong danh sách những người giành giải Nobel sẽ có dòng chữ "từ chối nhận giải". Ví dụ, vào năm 1935, nhà văn người Đức Carl von Ossietzky đã được trao giải Hoà bình khi ông đang bị phát xít cầm tù vì công bố các thông tin về việc Đức bí mật tái vũ trang. Adolf Hitler giận dữ và cấm Carl von Ossietzky nhận giải thưởng. Không chỉ vậy, Hitler còn cấm tất cả người Đức nhận giải Nobel nếu được trao trong thời gian cầm quyền của ông.
Cũng có một số trường hợp, người được trao giải chỉ nhận huy chương vàng cùng với bằng khen. Do bản chất, giải Nobel văn học và hoà bình thường gây nhiều tranh cãi so với các Giải Nobel vật lý, hoá học, tâm lý hoặc y học. Cho tới nay, giải Nobel không được trao vào các năm 1940, 1941 và 1942. Giải Nobel văn học không được trao vào năm 1914, 1918 và 1943.
Alfred Bernhard Nobel - Người cống hiến trọn đời cho khoa học
Alfred Nobel sinh ngày 21-10-1833 tại Stockholm, Thụy Điển. Cha của ông là một kỹ sư kiêm nhà sáng chế và mẹ là con một gia đình giàu có. Tuy nhiên, đúng thời điểm ông được sinh ra thì công việc của cha ông gặp khó khăn và gia đình rơi vào tình trạng phá sản. Khi lên 9 tuổi, ông theo gia đình tới nước Nga lập nghiệp. Tại đây, ông và anh em trai được các gia sư dạy những bài học đầu tiên về lòng nhân đạo và khoa học tự nhiên.
17 tuổi, Nobel đã thông thạo các ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Phần Lan và Đức. Sở thích chính của ông lúc bấy giờ là thơ và văn học Anh, cũng như vật lý và hóa học. Vào thời gian rỗi, ông viết một số tiểu thuyết, thơ và kịch. Vào năm 1960, Nobel bắt đầu tiến hành các thí nghiệm với nitroglycerin, một chất lỏng dễ nổ. Ông đã nghĩ tới giải quyết vấn đề an toàn và tìm cách kiểm soát hiệu quả quá trình nổ của nó trong khi ứng dụng vào các công trình xây dựng. Năm 1867, Nobel tìm ra quặng kixegur, trộn với nitroglycerine thành hỗn hợp “Dinamít” (Dynamite) có thể quản lý được mức độ nổ và an toàn trong bảo quản và vận chuyển.
Ngoài việc nghiên cứu ra thuốc nổ, Alfred Nobel còn nghiên cứu ra lụa nhân tạo, cao su và da nhân tạo… Đến cuối đời, Nobel nhận được tất cả 350 bằng sáng chế. Lợi nhuận từ kinh doanh của ông lên đến mức khổng lồ. Toàn bộ tài sản của ông năm 1895 khoảng 9 triệu USD. Đó là một con số mà không một nhà tư bản nào trên thế giới có thể sánh được ở thời điểm đó.
Vào ngày 27-11-1895, Nobel ký di chúc cuối cùng tại Câu lạc bộ Thuỵ Điển-Na Uy ở Paris, Pháp. Ngày 10-12-1896, ông qua đời do mắc bệnh xuất huyết não tại nhà riêng ở San Remo, Italia. Trong di chúc, Nobel đã ghi rằng tài sản của ông sẽ được sử dụng làm phần thưởng cho những người mà nghiên cứu của họ có lợi nhất cho nhân loại. Năm 1900, Hiệp hội Nobel được thành lập theo di chúc của ông. Đó là một tổ chức tư nhân quản lý các tài sản mà Nobel di chúc lại làm phần thưởng cho những cá nhân đoạt giải Nobel hoá học, vật lý, tâm lý học hoặc y học, văn học và hoà bình.
Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về cách xét giải, nhưng phần lớn những người được nhận giải thưởng Nobel đều là những người có cống hiến vĩ đại cho nhân loại. Cùng với giải, tấm lòng cao thượng và nhân đạo của người lập ra nó, Alfred Nobel, sẽ mãi mãi được nhân loại ghi nhận.
TTXVN/Hồng Anh (tổng hợp)
Tags