(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/6, theo thông tin cập nhật về bất ổn tại Ethiopia, Tham mưu trưởng quân đội nước này Seare Mekonnen và ít nhất 3 quan chức cấp cao đã bị bắn chết chiều tối 22/6. Vụ sát hại Tham mưu trưởng quân đội Mekonnen diễn ra chỉ vài giờ sau âm mưu đảo chính tại vùng Amhara, phía Bắc thủ đô Addis Ababa, khiến người đứng đầu chính quyền vùng này là ông Ambachew Mekonnen và một cố vấn cấp cao của ông thiệt mạng.
Phát biểu trước báo giới, bà Billene Seyoum, người phát ngôn của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết, một nhóm do tướng Asamnew Tsige - Chỉ huy lực lượng an ninh vùng Amhara, đứng đầu, bất ngờ nổ súng ngay tại cuộc họp diễn ra chiều 22/6, khiến ông Ambachew Mekonnen và một quan chức cấp cao tử thương. Vụ tấn công thứ hai xảy ra chiều tối cùng ngày khiến Tham mưu trưởng quân đội Seare Mekonnen và một quan chức cấp cao bị chính lực lượng vệ sĩ bắn chết.
Kênh truyền hình quốc gia Ethiopia ngày 23/6 đưa tin, tướng Asamnew Tsige là nhân vật đứng sau âm mưu đảo chính tại vùng Amhara. Theo truyền thông, tướng Tsige là người đứng đầu cơ quan an ninh của vùng Amhara, một trong 9 vùng tự trị tại Ethiopia, với mục tiêu lật đổ người đứng đầu chính quyền vùng Amhara của ông Ambachew Mekonnen. Người đứng đầu các lực lượng đặc biệt ở Amhara cho biết hầu hết đối tượng đứng sau các vụ việc trên đã bị bắt giữ
Các diễn biến trên xảy ra một năm sau vụ nổ lựu đạn nhằm vào cuộc tuần hành có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Abiy tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khiến 2 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, cho thấy bất ổn tiếp diễn tại nhiều khu vực của quốc gia Đông Phi này. Các cuộc biểu tình quá khích phản đối chính phủ kéo dài suốt 3 năm đã buộc người tiền nhiệm của ông Abiy từ chức. Kể từ khi lên nắm quyền từ tháng 4/2018, Thủ tướng Abiy được đánh giá cao về những nỗ lực chấm dứt chế độ hà khắc của chính quyền tiền nhiệm và cải cách kinh tế. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed sẽ phải đối mặt với những áp lực ngày càng gia tăng từ một số nhân vật quyền lực trong khu vực, đặc biệt là vùng Amhara, một điểm nóng liên quan đến bạo lực sắc tộc tại Ethiopia.
- Ethiopian Airlines bác cáo buộc vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX là do lỗi phi công
- Vụ tai nạn máy bay Ethiopia: Hệ thống an toàn tự động đã được kích hoạt trước khi máy bay rơi
- Vụ tai nạn máy bay Ethiopia tương đồng với tai nạn máy bay tại Indonesia ?
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, quốc gia 100 triệu dân này đang phải vật lộn để kiểm soát tình trạng bạo lực sắc tộc ngày càng lan rộng, khiến 2,4 triệu người mất nhà cửa.
Phương Hoa - TTXVN
Tags