(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/7, Liverpool đã bị loại khỏi danh sách các Di sản Thế giới của UNESCO sau khi được trao danh hiệu cách đây 17 năm. Thành phố này bị tước danh hiệu bởi các dự án phát triển đô thị, đặc biệt là trên bờ sông gắn với những bến cảng nổi tiếng của nó.
Quyết định được đưa ra trong kỳ họp của UNESCO đang diễn ra ở Phúc Châu (Trung Quốc), sau một cuộc bỏ phiếu kín.
Bi kịch được cảnh báo
Richard Kemp, thành viên Hội đồng thành phố Liverpool, viết trên Twitter rằng “đây là một ngày đáng xấu hổ đối với Liverpool”.
Theo Kemp, sau khi nhận được danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2004, Liverpool đã khiến nước Anh và cả thế giới phải có sự thay đổi trong cách nhìn nhận. Trước đó, thành phố này chỉ được biết tới như quê hương của ban nhạc The Beatles và có câu lạc bộ bóng đá Liverpool nổi tiếng. Ở thời điểm ấy, không nhiều du khách tới đây tham quan, cũng như sinh sống hoặc đầu tư.
“Nhưng sau đó, bất chấp những tác động tích cực rõ ràng từ danh hiệu này, thành phố đã không nỗ lực để tiếp tục tuân thủ các tiêu chí cần có với một Di sản Thế giới. Thay vào đó, thành phố lại thúc đẩy các dự án xây dựng ở quy mô lớn hơn” - Kemp cho biết thêm. “Đáng tiếc, chúng tôi đã không tỉnh ra khi vào năm 2012, UNESCO từng đe dọa thu hồi danh hiệu Di sản Thế giới của Liverpool sau khi hàng loạt công trình xây dựng được triển khai”.
Thực tế, một báo cáo của Ủy ban UNESCO hồi tháng 6 đã tuyên bố rằng, các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm khu phức hợp dân cư và văn phòng Liverpool Waters cũng như sân vận động Bramley-Moore Dock, đã làm mất đi đặc tính của một “thành phố thương mại hàng hải” như Liverpool. Và bây giờ, đó chính là lý do để tước bỏ danh hiệu Di sản của thành phố.
Việc tái phát triển lớn dọc theo “thành phố thương mại hàng hải” này, đặc biệt là ở khu vực các bến cảng, nhà kho và trụ sở vận tải lớn được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của Liverpool với tư cách là một thương cảng toàn cầu vào thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20, đã chứng tỏ “sự bất lợi cho tính xác thực và tính toàn vẹn của di sản” - theo nhận định của UNESCO.
Quyết định này không thực sự gây bất ngờ, khi UNESCO đã đưa Liverpool vào danh sách Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm từ năm 2012. Ở thời điểm ấy, dư luận tỏ ra lo ngại về việc bảo tồn bờ sông trong thành phố - khi vào năm 2009, một bến phà mới mọc lên đã bị đánh giá là “vô cùng xấu xí”.
Tiếp đó, UNESCO đặc biệt tỏ ra quan ngại về một dự án tái phát triển khu bờ sông trị giá 5 tỷ bảng Anh (6,8 tỷ USD) được gọi là “Liverpool Waters”. Dự án này do tập đoàn Peel Group xúc tiến với hứa hẹn sẽ biến khu bờ sông thành một phiên bản của Phố Đông Thượng Hải tại Vương quốc Anh, với những tòa nhà chọc trời mới lấp lánh nhìn ra trung tâm lịch sử.
Cần phải nhắc lại rằng, dự án này cũng từng khiến cơ quan bảo tồn lịch sử quốc gia của Anh - English Heritage - lo ngại khi việc phát triển mới sẽ “lấn át tính lịch sử các bến tàu” và đề xuất Chính phủ nên xem xét phê duyệt quy hoạch của thành phố. Thêm nữa, nhiều người còn lo ngại về việc thành phố phê duyệt xây một sân vận động mới bên bờ sông cho Câu lạc bộ bóng đá Everton.
Đòn giáng xuống “niềm tự hào của vương quốc Anh”
Nằm ở cửa sông Mersey thông ra biển, thành phố thương mại hàng hải Liverpool đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Đế chế Anh. Liverpool trở thành hải cảng chính cho sự di chuyển của người dân, bao gồm cả nô lệ và người di cư từ Bắc Âu sang Mỹ. Liverpool cũng là thành phố tiên phong trong việc phát triển công nghệ bến tàu hiện đại, hệ thống giao thông, quản lý cảng và xây dựng các tòa nhà.
6 khu vực ở trung tâm lịch sử và bến tàu của Liverpool từng chứng kiến sự phát triển của 1 trong những trung tâm thương mại lớn của thế giới vào thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20. Khi đó, Liverpool đã xây dựng phần lớn sự thịnh vượng của mình từ hoạt động buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Thực tế, thành phố kiểm soát 40% buôn bán nô lệ vào cuối thế kỷ 18.
Trung tâm lịch sử của thành phố được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới vào năm 2004 với tính chất của một thành phố hải cảng lâu đời, có đầy đủ những tòa nhà thương mại, tòa nhà hành chính, hệ thống kênh rạch, hải cảng, các khu phố lịch sử và các tượng đài văn hóa. Về bản chất, bờ sông Liverpool không phải là một khối kiến trúc thống nhất, mà là sự bồi đắp của nhiều thế hệ trưởng thành tại đây. Nơi đây có các cấu trúc rất độc đáo, đặc biệt là Three Graces, một bộ 3 tòa nhà bằng đá xây vào đầu thế kỷ 20, và nhiều nhà kho đã được khôi phục và tái sử dụng làm phòng trưng bày nghệ thuật.
Thành phố này cũng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 800 vào năm 2007 và được trao tặng danh hiệu Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2008. Ở góc độ văn hóa bản địa, đây là thành phố cửa ngõ, hội tụ nhiều yếu tố đa dạng về dân cư, văn hóa và tôn giáo - đặc biệt là từ Ireland và xứ Wales. Thành phố cũng có cộng đồng người da màu lâu đời nhất nước Anh.
- Công viên Buen Retiro vào danh sách di sản thế giới của UNESCO
- UNESCO công nhận Di sản Thế giới đối với 3 thành phố nghỉ dưỡng của CH Séc
Giờ đây, việc bị tước bỏ danh hiệu Di sản Thế giới được đánh giá là một đòn đau giáng xuống thành phố và Vương quốc Anh. Và với giới chuyên môn bên ngoài thành phố, sự việc này mở ra một cuộc tranh luận lớn về mối đe dọa của phát triển đô thị đối với các di sản.
Trong một tuyên bố, Thị trưởng của Liverpool, Joanne Anderson, nói rằng bà “vô cùng thất vọng và lo ngại” trước quyết định này. “Chúng tôi sẽ làm việc với Chính phủ để xem xét liệu có thể kháng cáo hay không, nhưng dù điều gì xảy ra, Liverpool sẽ luôn là một thành phố Di sản Thế giới” - bà Anderson tuyên bố.
Còn Kim Johnson, thành viên Hội đồng lập pháp quốc gia, viết trên Twitter rằng, quyết định này gây thất vọng sâu sắc, nhưng Liverpool sẽ “tiếp tục phát triển và phát triển như một thành phố mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người”.
Một phát ngôn viên của chính phủ Anh cũng bày tỏ sự thất vọng, nói thêm rằng Chính phủ vẫn tin rằng Liverpool xứng đáng là Di sản Thế giới “với tất cả những gì mà nó đã đóng góp trong suốt lịch sử”.
Giờ đây, khi không còn danh hiệu từng công nhận vào năm 2004, Liverpool đã trở thành 1 trong 3 Di sản Thế giới bị UNESCO thu hồi danh hiệu, cùng với Thung lũng Elbe tại Dresden (Đức) và Khu bảo tồn Oryx của Oman. |
Việt Lâm (Tổng hợp)
Tags