(TT&VH) - Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức chỉ định giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) Leon Panetta vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay cho ông Robert Gates.
>> Chuyên đề: Osama Bin Laden đã chết
Panetta hiện đang được xem là một trong những người hùng nước Mỹ vì hoạt động của ông ở CIA đã giúp tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tuy nhiên giới phân tích đánh giá công việc mới của Panetta ở Bộ Quốc phòng có thể sẽ không dễ “xuôi chèo mát mái” như khi ông lãnh đạo CIA.
“Tay ngang” trở thành huyền thoại ở CIA
Leon Panetta sinh tại Monterey, California và tốt nghiệp với bằng cử nhân khoa học chính trị tại Đại học Santa Clara vào năm 1960.
Ông tiếp tục theo học bằng luật tại Trường Luật Đại học Santa Clara và có thời gian làm luật sư, trước khi gia nhập quân đội vào năm 1964 với cấp bậc thiếu úy. Ông giải ngũ vào năm 1966 với cấp bậc trung úy để bắt đầu tham gia chính trường, làm việc trong vai trò trợ lý Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Thomas Kuchel.
Năm 1969, ông trở thành trợ lý của Robert H. Finch, Bộ trưởng Y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Những bất đồng về quan điểm chính sách khiến Panetta tạm rời chính trường vào năm 1970 và quay trở về quê, tiếp tục hành nghề luật sư. Trải nghiệm cay đắng với phe Cộng hòa và cho rằng thành viên đảng này đang dần rời xa trung tâm chính trị đã khiến Panetta đầu quân cho đảng Dân chủ vào năm 1971.
Leon Panetta đang là ngôi sao sáng tại Mỹ do đã chỉ đạo CIA
lần ra nơi ẩn náu của trùm khủng bố Osama Bin Laden
Năm 1976, Panetta được bầu vào Quốc hội Mỹ và đại diện cho tiểu bang California. Cử tri tín nhiệm tới mức đã tiếp tục bầu ông trong 9 nhiệm kỳ sau đó. Trong thời gian ở Quốc hội, Panetta tập trung chủ yếu công việc vào vấn đề ngân sách, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường, không dính dáng gì tới quân sự.
Tháng 1/2009, Tổng thống Barack Obama đã đề cử Panetta vào ghế giám đốc CIA. Khi đó, giới báo chí và các chính trị gia đã bày tỏ quan ngại về việc ông thiếu kinh nghiệm tình báo. TNS Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói rằng bà không hề hài lòng với việc ông Panetta được chọn. “Tôi không được thông báo trước về sự lựa chọn Leon Panetta. Tôi chẳng biết gì về chuyện này. Quan điểm của tôi vẫn luôn là CIA chỉ được lãnh đạo tốt nhất bởi một người trong ngành tình báo”.
Nhưng bất chấp sự phản đối, Panetta vẫn nhận được đa số phiếu ủng hộ và chính thức nhậm chức vào ngày 19/2. Được sự cho phép của Tổng thống Barack Obama, Panetta đã điều khiển CIA tiếp tục các hoạt động quân sự chống lực lượng Al Qaeda đang ẩn náu ở Pakistan.
Ông ủng hộ việc dùng máy bay không người lái (UAV) để tấn công các mục tiêu ở Pakistan, bị nghi ngờ có các chiến binh khủng bố ẩn náu và đánh giá đây là vũ khí hiệu quả nhất chống lại Al Qaeda. Kết quả là riêng tháng 5/2009 đã có 50 kẻ bị tình nghi là thành viên Al Qaeda bị giết. UAV đã giúp tiêu diệt được một số thủ lĩnh cao cấp của Al Qaeda như Midhat Mursi al-Sayid Umar, kẻ được đánh giá là trùm vũ khí sinh hóa của nhóm khủng bố. Tuy nhiên việc nhiều dân thường bị chết oan đã khiến hoạt động này chịu nhiều chỉ trích từ bên ngoài.
Sau khi thủ lĩnh Al Qaeda Osama Bin Laden bị tiêu diệt, Panetta thừa nhận rằng “các kỹ thuật thẩm vấn tăng cường” như ván nước, vốn bị coi là một dạng tra trấn, đã mang lại thông tin tình báo giá trị giúp Mỹ lần ra nơi ở của Bin Laden. Chiến tích tiêu diệt Bin Laden cũng được đánh giá là có một phần công lớn của Panetta.
Xoay chuyển cuộc chiến ở Afghanistan, Libya?
Với việc Panetta đã hoàn thành xuất sắc công việc ở CIA và trở thành huyền thoại tại đây, Tổng thống Barack Obama lại trao cho ông công việc mới được đánh giá là thách thức cao hơn nhiều.
Để bắt đầu, ông sẽ phải vượt qua cái bóng lớn để lại bởi Robert Gates, vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rất được yêu mến và được ông Obama tin cậy. Trong 4 năm rưỡi qua, ông Gates đã tạo dựng danh tiếng như một người trung thực thẳng thắn, nhiệt tình vì công việc và được các chính khách kính trọng. Panetta sẽ phải làm hết sức để xây dựng hình ảnh bản thân sao cho lấp đầy chiếc bóng Gates để lại.
Thách thức thứ hai tới từ các cuộc chiến của Mỹ ở nước ngoài. Khi Gates nắm quyền hồi cuối năm 2006, thách thức lớn nhất của ông là chấm dứt chiến tranh Iraq và ông đã gần như thành công. Với Panetta, thách thức sẽ tới từ cuộc chiến Afghanistan, vốn đã bước sang năm thứ 11. Một cuộc thăm dò do tờ Washington Post và trang tin ABC News công bố hồi tuần này thấy rằng công chúng Mỹ tỏ ra thất vọng với cách xử lý của ông Obama trong cuộc chiến Afghanistan. Panetta sẽ có nhiệm vụ đảo ngược suy nghĩ này.
Bên cạnh đó là cuộc chiến ở Libya. Việc Mỹ tham gia triển khai vùng cấm bay ở đây đã tiêu tốn mấy trăm triệu USD một cách lãng phí. Và dù giới chức Mỹ tuyên bố sẽ không có người lính nào đặt chân lên quốc gia châu Phi này, giới phân tích vẫn cho rằng mọi sự lựa chọn vẫn còn nằm trên bàn cân.
Còn nhiều thách thức
Thách thức tiếp theo tới từ vấn đề ngân sách quốc phòng. Đầu tháng này, Tổng thống Obama đã kêu gọi cắt giảm 400 tỷ USD từ các kế hoạch chi tiêu quốc phòng. Năm ngoái, ông Gates đã dựa vào việc cắt giảm ngân sách để chấm dứt nhiều chương trình như trực thăng chuyên chở Tổng thống VH-71, chương trình hệ thống chiến đấu tương lai FCS. Tháng 1 năm nay, ông tuyên bố cắt giảm 78 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới và chuyển 100 tỷ USD từ việc mua sắm vũ khí đắt đỏ sang những mặt hàng quân đội cần gấp. Gates đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội ủng hộ các kế hoạch cắt giảm của ông. Nhưng với Panetta, khả năng thương thuyết của ông tới đâu vẫn còn là một dấu hỏi. “Vấn đề ngân sách sẽ vẫn là chủ đề chính của tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong vào năm tới” - Darrell West, giám đốc nghiên cứu tại Viện Brookings đánh giá.
Thách thức thứ 4 là nhà tù Guantanamo. Một trong những quyết định đầu tiên của Obama khi nắm quyền hồi năm 2009 là ra lệnh đóng cửa các khu giam giữ ở Guantanamo. Nhưng hơn 2 năm sau, nhà tù này vẫn hoạt động hết công suất. Kế hoạch đóng cửa nhà tù khựng lại trước sự phản đối của Quốc hội và công chúng Mỹ. Gates cũng thừa nhận hồi tháng 2 rằng khả năng đóng cửa Guantanamo là rất thấp, bởi chưa biết sẽ chuyển các tù nhân nguy hiểm đi đâu. Vậy là bài toán khó sẽ tiếp tục chuyển qua tay Panetta, chờ ông giải quyết.
Thách thức cuối cùng là vấn đề nhân sự cấp cao. Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 4 năm và dưới nỗ lực của ông, Bộ trưởng Gates, Tổng thống Obama, quân đội đã giữ vững sự ổn định dù có một số biến động chính trị diễn ra tại Washington. Giờ đây với một cuộc bầu cử mới sắp diễn ra và Mullen tới tuổi về hưu, Panetta sẽ phải lựa chọn thật sáng suốt những nhân vật sẽ tiếp tục sát cánh cùng ông điều khiển quân đội rút khỏi Iraq trong năm nay và chuẩn bị cắt giảm bớt quân ở Afghanistan một cách êm thấm. Giới phân tích đánh giá chỉ cần vượt qua một trong các thách thức trên, Leon Panetta chắc chắn sẽ được ghi nhớ như số ít các quan chức thành công nhất của Mỹ trong mấy thập kỷ trở lại đây.
Tường Linh