(Thethaovanhoa.vn) - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, cuối tuần qua được nhận định là đánh dấu cột mốc quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới của nhóm này trong tương lai.
“Tinh thần Bộ Tứ”
Hội nghị thượng đỉnh 4 bên lần thứ nhất, được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa lãnh đạo Nhóm “Bộ Tứ” được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đánh giá là sẽ giúp các nước trong nhóm bước vào “giai đoạn mới”. Tuyên bố chung mang tên “Tinh thần Bộ Tứ” của hội nghị đề cập tới rất nhiều vấn đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm.
Tuyên bố chung nhấn mạnh 4 bên cam kết thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ và bắt nguồn từ luật pháp quốc tế để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng cũng như chống lại các mối đe dọa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác; ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp; cam kết làm việc cùng nhau và với nhiều đối tác; tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Tứ đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đề cập tới lĩnh vực an ninh hàng hải, tuyên bố khẳng định Bộ Tứ sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt như được phản ánh trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), và thúc đẩy hợp tác nhằm giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các nhà lãnh đạo của nhóm cũng nhắc lại cam kết về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuyên bố chung cũng thừa nhận các thách thức mà Bộ Tứ đang phải đối mặt, đặc biệt là đại dịch COVID-19. “Tinh thần Bộ Tứ” cam kết sẽ ứng phó với các tác động của đại dịch COVID-19 trong lĩnh vực kinh tế và y tế; khẳng định sẽ hợp lực để mở rộng việc sản xuất vaccine an toàn, giá rẻ, hiệu quả và nâng cao khả năng tiếp cận công bằng, nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế và mang lại lợi ích cho nền y tế toàn cầu.
Cụ thể, các quốc gia thành viên Nhóm Bộ Tứ sẽ hợp tác để tăng cường khả năng tiếp cận vaccine công bằng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dựa trên việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sáng kiến COVAX; kêu gọi thực hiện các cải cách mang tính minh bạch và hướng tới kết quả tại WHO.
Để thúc đẩy những mục tiêu này và những mục tiêu khác, các bên sẽ tăng cường cam kết về sự can dự của Nhóm Bộ Tứ; sẽ kết hợp các năng lực y tế, khoa học, tài chính, sản xuất và phân phối và phát triển của các quốc gia, cũng như thành lập một nhóm chuyên gia làm việc về vaccine để thực hiện cam kết mang tính đột phá về phân phối vaccine an toàn và hiệu quả. Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ nhất trí kết hợp các khả năng tài chính, sản xuất và phân phối để cung cấp 1 tỷ liều vaccine COVID-19 tại châu Á trước cuối năm 2022.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, các bên thống nhất nhận thức rằng biến đổi khí hậu là một ưu tiên toàn cầu và sẽ nỗ lực để tăng cường hành động của tất cả các quốc gia về khí hậu.
Cột mốc quan trọng
Với một chương trình nghị sự rõ nét, đề cập tới nhiều vấn đề nóng, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm Bộ Tứ được xem là đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhóm này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thậm chí lưu ý rằng các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đều miêu tả sự kiện này mang tính “lịch sử”.
Theo các nhà phân tích, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tích cực thúc đẩy khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Chính quyền Biden cũng tìm cách thúc đẩy Bộ Tứ trở thành thành tố chính trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với việc tập trung vào nỗ lực củng cố năng lực “mềm mỏng hơn” của nhóm để phù hợp với lợi ích của khu vực.
Nhà nghiên cứu cấp cao Toshi Yoshihara tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược tại Washington cho rằng, thông điệp của Bộ Tứ phản ánh những mục tiêu và lý tưởng mà nhóm này hướng đến. Giới quan sát nhận định Nhóm Bộ Tứ ban đầu vốn chỉ là một cơ chế trao đổi không chính thức về các vấn đề ngoài lĩnh vực an ninh, nhưng việc mở rộng các nội dung thảo luận liên quan đến lợi ích của các nước gồm chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh… đã thực sự làm thay đổi vai trò của cơ chế này.
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương
- Trung Quốc đề xuất tăng cường hợp tác quốc phòng tại châu Á-Thái Bình Dương
- Khai mạc Hội nghị lần thứ 44 Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn Châu Á - Thái Bình Dương
Mặc dù rất khó để Nhóm Bộ Tứ đóng vai trò lớn ngay lập tức chỉ sau hội nghị thượng đỉnh này nhưng đây rõ ràng là cơ hội để các thành viên trong nhóm phát triển một mối quan hệ đan xen lợi ích với tiềm năng trong những lĩnh vực như chính trị, kinh tế và chiến lược.
Nhóm Bộ Tứ được hình thành năm 2007, sau khi 4 quốc gia thành viên tham gia phối hợp cứu trợ các nạn nhân trong trận sóng thần tàn phá Indonesia năm 2004. Tuy nhiên sau đó Nhóm không hoạt động cho tới khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi sinh ý tưởng Bộ Tứ. Rory Medcalfe, chuyên gia về an ninh châu Á tại trường Đại học Quốc gia Australia, cho rằng trong tương lai, Nhóm Bộ Tứ có thể hợp tác trong những lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng công nghệ và chính sách mạng.
Bộ Tứ cần tham gia vào việc phát triển một chiến lược an ninh mạng, thúc đẩy nghiên cứu và thảo luận về không gian mạng và các công nghệ quan trọng. Nói tóm lại, chìa khóa cho tương lai của Bộ Tứ là áp dụng cách tiếp cận đa phương và linh hoạt dựa trên các liên minh chiến lược và quan hệ đối tác trên toàn cầu.
Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)
Tags