Bức ảnh cận cảnh ấn tượng lật đổ mọi đánh giá cũ về Sao Diêm Vương

Thứ Năm, 16/07/2015 05:56 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bạn đang được ngắm bức ảnh chi tiết nhất mà nhân loại từng có về bề mặt Sao Diêm Vương, nhờ tàu thăm dò New Horizons của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). 

Con tàu đã bay rất gần Sao Diêm Vương trong ngày thứ Ba, chỉ cách bề mặt của hành tinh lùn này có 12.000 km. Bức ảnh được con tàu chụp trong ngày hôm đó, gửi về và được NASA công bố mới chỉ là một mảnh đơn lẻ trong bức tranh ghép lớn hơn, sẽ tái tạo một bức chân dung chi tiết về toàn bộ bề mặt của Sao Diêm Vương.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 15/7, đội chuyên gia của NASA nói rằng các bức ảnh còn lại sẽ được gửi về trong hôm nay.

Nhưng ngay từ lúc này, bức ảnh cận cảnh đầu tiên đã khiến các nhà khoa học và công chúng rất phấn khích. 

Bề mặt ít miệng hố thiên thạch và rất nhiều núi băng lô nhô của Sao Diêm Vương

Trong ảnh, người ta có thể thấy Sao Diêm Vương không hề có các miệng hố, hình thành từ việc thiên thạch lao trúng nó. Đây là điều ít ai ngờ tới.

Sao Diêm Vương và các thiên thể khác trong Vành đai Kuiper Belt có tuổi đời lớn như Thái dương hệ vậy, tức nó đã có 4,6 tỷ năm bị các thiên thạch ghé thăm. Nhưng thực tế rằng bề mặt Sao Diêm Vương rất ít miệng hố thiên thạch cho thấy có thể đã xuất hiện những hoạt động địa chất gần đây, làm thay đổi cấu trúc địa hình.

Tại cuộc họp báo, các chuyên gia NASA cho biết đây là một trong những bề mặt hành tinh trẻ nhất mà họ từng nhìn thấy trong Thái dương hệ.

Điều thú vị là bề mặt này đầy các ngọn núi băng, một số cao tới hơn 3.000 mét. Các ngọn núi này có lẽ chưa đầy 100 triệu năm tuổi.

Ảnh Sao Diêm Vương do tàu New Horizons chụp từ khoảng cách 761.000 km

Thông tin có vẻ không nhiều, nhưng chừng ấy đã đủ để đảo lộn tất cả những gì chúng ta từng biết, hoặc tưởng là đã biết, về hoạt động địa chất trên hành tinh lùn băng giá này. Tại các thế giới băng giá khác, hoạt động địa chất hình thành nhờ nhiệt, tạo ra từ lực hấp dẫn của một thiên thể lớn hơn nằm gần đó. Sao Diêm Vương không nằm cạnh một hành tinh nào khác lớn hơn nó, vì thế hẳn đã có một lực tác động kỳ lạ gây xáo trộn hoạt động địa chất ở đây.

Hình ảnh chụp gần mặt trăng Charon của Sao Diêm Vương

Cùng ngày công bố ảnh cận cảnh bề mặt Sao Diêm Vương, NASA còn giới thiệu với công chúng bức ảnh chụp mặt trăng Charon của nó. Charon dường như là một thế giới nhỏ bé nhưng hoạt động rất mạnh. Giống Sao Diêm Vương, nó có ít miệng hố thiên thạch hơn người ta tưởng. Nó cũng có các vách đá chạy dài tới hàng trăm cây số và các hẻm núi sâu tới gần 6km.

 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›