(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc giải quyết các điểm ùn tắc cũ lại phát sinh các điểm ùn tắc mới và nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện giao thông cá nhân phát triển quá nhanh, trong khi hạ tầng giao thông không theo kịp.
Thực trạng này được đề cập nhiều lần tại các cuộc họp bàn về giải pháp chống ùn tắc giao thông cho Thủ đô, nhưng tiếc thay đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Không thể trì hoãn
Phải kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân là thông điệp được Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đưa ra tại cuộc làm việc với Sở Giao thông Vận tải và lãnh đạo các sở, ngành mới đây.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 6,5 triệu phương tiện cá nhân; khoảng 2 triệu phương tiện từ bên ngoài vào, phương tiện của lực lượng quân đội... Cùng với xu thế hội nhập, kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên, giá phương tiện giao thông cá nhân ngày càng giảm với nhiều mẫu mã, chủng loại nên dự kiến số lượng phương tiện sẽ còn tăng lên nhiều trong những năm tới.
Từ thực tế đó, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng, kiểm soát giao thông vẫn là giải pháp căn cơ và hữu hiệu. Nhiều nước trên thế giới, họ không cấm nhưng thu phí bãi đỗ, bảo hiểm rất cao. Do vậy, việc kiểm soát phương tiện cá nhân vì lợi ích chung của xã hội cần nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 là đề án nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì triển khai nghiên cứu, đề xuất.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mục tiêu của đề án hạn chế xe máy là đề xuất phạm vi, lộ trình phân vùng hạn chế hoạt động đối với xe máy phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực của hệ thống giao thông công cộng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn thành phố, thực hiện mục tiêu dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố đã đề ra.
Phân vùng hoạt động của xe máy
Theo đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” vừa được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo gửi UBND thành phố, để cấm hẳn xe máy trong các quận Trung tâm thành phố Hà Nội (năm 2030), Sở Giao thông Vận tải chia làm ba giai đoạn: 2019 - 2025, 2026 - 2030 và sau năm 2030.
Cụ thể, từ nay đến năm 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên hai tuyến đường dẫn vào Trung tâm thành phố gồm: Đường Nguyễn Trãi (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến đường Láng) sẽ thí điểm cấm xe máy vào năm 2019 - 2020; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy sẽ cấm xe máy sau năm 2020 khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ nghiên cứu hạn chế xe máy trên bốn trục đường lớn xuyên tâm khác gồm: Giải Phóng (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến phố Đại Cồ Việt), Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), Lê Văn Lương (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến đường Láng), Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Riêng khu vực bảo tồn cấp I trong Trung tâm thành phố, gồm các tuyến đường: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Hàng Đậu, Lê Duẩn, Phùng Hưng có thể cấm xe máy từ 19 giờ thứ 6 đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần.
Giai đoạn 2025 - 2030, tiến hành hạn chế xe máy trong khu vực vành đai 1 gồm bốn quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Giai đoạn sau năm 2030, hạn chế xe máy trong khu vực vành đai 3 và mở rộng ra các khu vực khác.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong rất nhiều tiêu chí, điều kiện để hạn chế xe máy hoạt động trên các tuyến đường có 2 tiêu chí quan trọng nhất là không thực hiện cấm xe máy trên các tuyến đường độc đạo và trên các tuyến đường cấm xe máy, vận tải công cộng phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Cần sự đồng thuận
Là một người sống trên phố Lê Văn Lương, một tuyến phố dự kiến sẽ được thí điểm cấm xe máy, anh Hoàng Anh chưa đồng tình với đề xuất này của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Anh Hoàng Anh cho biết, anh làm việc tại Hà Đông, hàng ngày di chuyển bằng xe máy đến cơ quan hết 40 phút, nếu cấm xe anh buộc phải đi xe buýt. Thế nhưng, với tình trạng phương tiện công cộng như hiện nay, anh cho rằng sẽ thường xuyên đi làm muộn. Theo anh, Hà Nội muốn cấm xe máy cần khảo sát thật kỹ và lấy ý kiến rộng rãi từ người dân.
Là người sử dụng cả phương tiện công cộng và xe máy, một sinh viên Trường Đại học Văn Hóa cho biết, phương tiện di chuyển chính vẫn là xe máy, chỉ khi nào xe máy có vấn đề hay khi thời tiết xấu mới lựa chọn xe buýt. Xe buýt hiện hay đều đã cũ, chất lượng dịch vụ chưa thực sự đem lại sự thoải mái cho người sử dụng. Đôi khi, xe buýt bị quá tải, phải chen chúc mới có chỗ đứng. Nếu xác định đi xe buýt thì không thể vội vì xe còn thường xuyên dừng tại các điểm và khi xuống xe còn phải đi bộ nữa nên rất mất thời gian.
“Cấm xe máy sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày của tôi. Nhưng tôi vẫn tán thành việc cấm xe máy ở một số khu vực nội thành. Đời tôi chưa sung sướng thì chắc chắn đến đời con cháu của tôi sẽ được hưởng, Phải cải cách, không thì không thể thoát ra được tình trạng hiện nay”, anh Huy Trung (Hà Nội) bày tỏ.
- VIDEO: Từ 2019 - 2020, những tuyến đường nào của Hà Nội cấm xe máy theo giờ?
- Khẩn trương chuẩn bị lộ trình cấm xe máy vào nội đô Hà Nội năm 2030
- Cấm xe máy, hạn chế xe cá nhân phải có lộ trình phù hợp
Trước nhiều ý kiến trái chiều, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, không phải đến năm 2020 Hà Nội cấm xe máy mà là thực hiện lộ trình xây dựng đề án hạn chế phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Từ đó, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Để triển khai thực hiện, Hà Nội dự kiến sẽ hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025. Trong giai đoạn này, Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm.
Cùng với lộ trình cấm xe máy, thành phố Hà Nội cũng đề ra lộ trình phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng thay thế gồm xe buýt, buýt nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng, một số phương tiện giao thông khác…
Hà Nội đang hướng đến xây dựng một thành phố văn mình, hiện đại. Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể; trong đó, vấn đề quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư đặc biệt quan trọng. Nếu bệnh viện, trường học chưa di dời, các trụ sở Bộ, ngành… vẫn dồn hết trong nội đô thì giải pháp cấm xe máy của ngành giao thông vận tải khó có thể phát huy tác dụng.
Tuyết Mai - Hải Yến/TTXVN
Tags