(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ phải hứng chịu “lửa cháy và thịnh nộ” còn Bình Nhưỡng lại đe dọa tấn công lãnh thổ Mỹ. Nhưng cuối cùng Lầu Năm Góc có ra đòn đánh bất ngờ nhằm vào các cơ sở của quân đội nhân dân Triều Tiên hay không? Bình Nhưỡng có phóng 4 quả tên lửa đạn đạo nhằm vào Guam, nơi đặt căn cứ không quân Anderson với những chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer hay không?
- Khủng hoảng Triều Tiên bùng phát, không quân Mỹ sẵn sàng xung trận 'ngay đêm nay'
- Triều Tiên: Biển người thách thức lời cảnh báo của Tổng thống Trump
- Chỉ chờ lệnh ông Trump, Mỹ sẽ tấn công phủ đầu Triều Tiên
Chiến tranh phòng ngừa
Đó là lựa chọn “lửa cháy và thịnh nộ”. Những ngày gần đây, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster đã đề cập đền “chiến tranh phòng ngừa” như một lựa chọn chính trị. Ý tưởng này nhằm đề xuất một cú đánh bất ngờ nhằm vào các cơ sở của quân đội Triều Tiên, làm giảm khả năng của họ trong việc tấn công ngược lại Mỹ và có thể gây ra một cuộc đảo chính hoặc nổi dậy.
Mặt trái của lựa chọn này cũng dễ đoán trước. Các cơ sở tên lửa Triều Tiên nằm phân tán và được giấu khắp đất nước, cùng với khoảng 8.000 khẩu đại bác bố trí dọc đường biên giới dễ dàng bắn phá thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Không có cuộc tấn công phủ đầu nào có thể tước hoàn toàn vũ khí của ông Kim Jong-un và sự trả đũa của ông có thể dẫn tới thương vong lớn cho dân thường.
Chính sách ngăn chặn mạnh mẽ
Có một giả thuyết rằng Mỹ và các đồng minh đã quá mềm yếu, không trừng phạt hành động leo thang quân sự của Triều Tiên. Một chính sách ngăn chặn mạnh mẽ sẽ liên quan tới việc sử dụng vũ lực "tương xứng" để gửi các thông tin mang tính trừng phạt song dưới mức toàn diện của cuộc tấn công phủ đầu.
Vì thế, lần thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa tiếp theo của Bình Nhưỡng sẽ đồng nghĩa với việc các bãi thử này sẽ bị Washington ném bom phá hủy. Vấn đề lớn nhất ở đây là không có gì đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ phân biệt được giữa một vụ tấn công có giới hạn và một cuộc chiến tranh toàn diện. Và thật khó để thấy, một khi đã bắt đầu, sự leo thang có thể được dừng lại như thế nào, dẫn đến tất cả những nguy hiểm đáng sợ của chiến tranh.
Ám sát lãnh đạo Triều Tiên
Theo nhận định của tờ The Guardian (Anh), kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên là một phần trong kế hoạch chiến tranh giữa Mỹ và Hàn Quốc. Thậm chí, có thông tin cho rằng Seoul còn huấn luyện một đội đặc biệt để làm nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể đổ bể vì cả nghìn lý do. Ông Kim là một trong những mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Trong trường hợp ông bị ám sát, cũng không ai có thể đảm bảo người kế vị sẽ thay đổi chính sách hiện nay. Mặt khác, việc sát hại ông Kim sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện.
Gia tăng áp lực kinh tế
Triều Tiên vốn là quốc gia có nền kinh tế khép kín nhất trên thế giới, đặc biệt là sau loạt trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc vào cuối tuần qua. Để trừng phạt hiệu quả Bình Nhưỡng đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, nước láng giềng của Triều Tiên vẫn luôn e sợ về sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un sẽ thổi bùng làn sóng người tị nạn tràn sang nước này cũng như quân đội Mỹ - Hàn sẽ đóng quân ngay sát biên giới. Một số nhà bình luận người Mỹ đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc phá vỡ lệnh cấm vận, song điều này có khả năng dẫn đến việc Bắc Kinh trả đũa và gây tổn hại quan hệ Washington – Bắc Kinh.
Hơn nữa, rõ ràng siết chặt cấm vận kinh tế sẽ đẩy Bình Nhưỡng vào hoạt động mua bán lén lút và hệ tư tưởng tự lực.
Quay trở lại bàn đàm phán
Bình Nhưỡng cho thấy không mặn mà quay lại bàn đàm phán sáu bên vốn bị đình trệ từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Phía Mỹ cho biết nước này chỉ đàm phán trong điều kiện Triều Tiên ngừng thử tên lửa cũng như chấp nhận các cuộc đàm phán là nhằm loại trừ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Đó là những điều kiện mà Triều Tiên chưa thể chấp thuận.
Chính thức chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân sẽ thách thức định hướng giải trừ vũ khí hạt nhân trên khắp thế giới, đồng thời tạo động lực để các nước khác theo chân Bình Nhưỡng.
Siegfried Hecker, chuyên gia hàng đầu Mỹ về Triều Tiên – người từng 7 lần đến Bình Nhưỡng và thăm quan các cơ sở hạt nhân của nước này – đã thúc giục các quan chức Mỹ và Triều Tiên gặp gỡ ngay lập tức, để mở ra một kênh liên lạc nhằm ngăn chặn các tính toán sai lầm mà qua đó một sự cố nhỏ cũng có thể diễn biến mất kiểm soát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cả Mỹ và Triều Tiên đều không nhượng bộ điều kiện đàm phán của nhau thì viễn cảnh hai bên ngồi vào bàn đàm phán là xa vời.
Đóng băng mọi hoạt động
Trung Quốc và Nga đã ủng hộ một đề xuất rằng Triều Tiên sẽ dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong khi Mỹ, Hàn Quốc và đồng minh phải dừng tập trận quân sự trong khu vực.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng vấp phải sự phản đối khi nó giả định sự tương đương giữa các biện pháp phòng ngừa của Hàn Quốc và sự chống đối của Triều Tiên đối với cả thế giới bằng cách kích hoạt bom hạt nhân.
Chưa rõ tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thiện chí với đề xuất trên so với người tiền nhiệm của ông hay không và chẳng có gì đảm bảo rằng Bình Nhưỡng sẽ tuân theo điều đó.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin Tức
Tags