Chân dung nhân vật 'cá sấu' dự kiến trở thành tân Tổng thống Zimbabwe

Thứ Tư, 22/11/2017 20:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người từng lăn lộn trong chính trường quốc gia châu Phi qua nhiều thập niên và được gán biệt danh là "cá sấu" dự kiến sẽ bước lên nấc thang quyền lực mới tiếp quản vị trí của ông Robert Mugabe.

Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa dự kiến tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 23/11, người phát ngôn đảng cầm quyền ZANU-PF đã xác nhận thông tin này.

Đài BBC (Anh) đánh giá trong nhiều năm trời, ông Mnangagwa đều thể hiện rõ ý định muốn kế nhiệm Tổng thống Robert Mugabe - người vừa xin từ chức vào ngày 21/11.

Chú thích ảnh
Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa. Ảnh: AP

Trong khi đó, ông Mugabe lại có các quyết định như “chơi đùa” với Phó Tổng thống của mình. Đó là bổ nhiệm ông Mnangagwa vào những vị trí cấp cao trong đảng cầm quyền Zanu-PF và chính phủ Zimbabwe. Nhưng chẳng lâu sau đó, ông Mugabe lại ra quyết định loại bỏ “phó tướng” Mnangagwa.

Việc bị cách chức Phó Tổng thống dường như là “cái tát” đối với ông Mnangagwa – người được đặt biệt danh là “cá sấu”.

Sau khi Phó Tổng thống bị cách chức và phu nhân của Tổng thống Mugabe - bà Grace Mugabe nhăm nhe lên nắm quyền, những người ủng hộ ông Mnangagwa trong lực lượng an ninh đã quyết định thay mặt ông can thiệp, dẫn đến biến động trong những ngày qua tại Zimbabwe.

Emmerson Mnangagwa là ai?

Ông Mnangagwa sinh tại Zvishavane năm 1942 và là người thuộc phân nhóm Karanga của cộng đồng Shona chiếm đa số tại Zimbabwe.

Theo lý lịch chính thức, trong năm 1965, ông Mnangagwa đứng đầu nhóm thanh niên có tên “đoàn cá sấu” tiến hành phá nổ một đoàn tàu hỏa gần Fort Victoria rồi bị chính quyền của người da trắng ở cộng hòa Rhodesia (nhà nước tại châu Phi không được công nhận xuất hiện từ năm 1965 tới 1979) bắt giữ và tra tấn dẫn tới việc ông mất thính lực ở một bên tai. Khi đó ông Mnangagwa 21 tuổi. Tuy không bị hành hình nhưng ông Mnangagwa bị kết án 10 năm trong tù. 

Ông Mnangagwa được đánh giá đã góp phần chỉ đạo trong cuộc chiến giành độc lập tại Zimbabwe ở thập niên 70 của thế kỷ trước. BBC cho biết ông Mnangagwa từng được đào tạo quân sự tại Ai Cập và Trung Quốc. 

Chú thích ảnh
Những người tham gia vào cuộc chiến giành độc lập tại Zimbabwe trong những năm 1970. Ảnh: AFP

Theo báo cáo của Liên hợp quốc trong năm 2001, ông Mnangagwa được coi như “kiến trúc sư cho hoạt động thương mại của đảng Zanu-PF”. Đánh giá này bắt nguồn từ hoạt động của quân đội và doanh nhân Zimbabwe tại Cộng hòa Congo.

Trong cuộc chiến tại Congo từ năm 1994- 2003, quân đội Zimbabwe đã đứng về phía chính phủ Congo. Giống như nhiều quốc gia khác góp mặt trong cuộc xung đột, Zimbabwe bị cáo buộc lợi dụng hỗn loạn ở Congo để lấy trái phép kim cương, vàng và khoáng sản tại quốc gia này.

"Cá sấu" trên chính trường Zimbabwe

Theo BBC, ông Mnangagwa được mệnh danh là “cá sấu” bởi kỹ năng sinh tồn lâu dài trên chính trường. 

Ông Mnangagwa đã nổ danh hơn sau cuộc nội chiến xảy ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước giữa đảng Zanu của ông Mugabe và đảng Zapu của chính khách Joshua Nkomo. Ở thời điểm đó, ông Mnangagwa giữ chức vụ Bộ trưởng An ninh Quốc gia và quản lý Tổ chức Tình báo Trung ương (CIO) - cơ quan được cho đã hợp tác với quân đội để trấn áp đảng Zapu. 

BBC cho biết có hàng nghìn người dân thường ủng hộ đảng Zapu đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến này. Ông Mnangagwa luôn bác bỏ cáo buộc liên quan tới cái chết của người dân thường và tuyên bố chính quân đội phải chịu trách nhiệm. Sau đó hai đảng Zanu và Zapu cùng hợp nhất hình thành đảng Zanu-PF.

Tờ Independent (Anh) cho biết trong hai thập niên sau đó, ông Mnangagwa đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong chính phủ Zimbabwe như bộ trưởng Bộ Tư pháp, bộ trưởng Bộ Tài chính, Ngoại trưởng và cuối cùng vào năm 2014 đảm nhận chức Phó Tổng thống.

Chú thích ảnh
Ông Emmerson Mnangagwa (phải) và ông Robert Mugabe. Ảnh: AFP

Trong cuộc bầu cử năm 2008, khi ông Mugabe thua vòng đầu tiên trước đối thủ Morgan Tsvangirai, có nhiều tin đồn rằng chính ông Mnangagwa là người lên kế hoạch cho chiến dịch của đảng Zanu-PF kết nối với quân đội và cơ quan tình báo.

Quân đội và cơ quan tình báo Zimbabwe khi đó thực hiến chiến dịch bạo lực đối đầu với những người ủng hộ đảng đối lập, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người khác mất nhà cửa. Ông Tsvangirai sau đó rút khỏi vòng bầu cử thứ hai dẫn đến kết quả ông Mugabe tái đắc cử vị trí Tổng thống.

Về phần mình, ông Mnangagwa không đưa ra bình luận liên quan tới nghi vấn ông là nhân vật lập ra kế hoạch bạo lực này. BBC dẫn nguồn tin trong đảng Zanu-PF xác nhận chính ông Mnangagwa là mối liên kết giữa quân đội, cơ quan tình báo và đảng Zanu-PF. Nguồn tin này còn nhận xét ông Mnangagwa là “cái tai của Tổng thống Mugabe”.

Tuy nhiên sự kiện vào năm 2017 đã thay đổi điều này. Trong tháng 8, ông Mnangagwa đột nhiên đổ bệnh trong một sự kiện chính trị của Tổng thống Mugabe và buộc phải đến Nam Phi điều trị. Những người ủng hộ ông Mnangagwa cho rằng chính khách 75 tuổi này đã bị đầu độc và cái tên được nhắc đến là phu nhân Grace Mugabe. Sau đó, nhiều diễn biến khác xảy ra dẫn tới sóng gió tại Zimbabwe và nhà lãnh đạo 93 tuổi Robert Mugabe từ chức.

Sau chính biến, Quốc hội Zimbabwe bắt đầu luận tội Tổng thống Mugabe

Sau chính biến, Quốc hội Zimbabwe bắt đầu luận tội Tổng thống Mugabe

Ngày 21/11, Quốc hội Zimbabwe đã mở phiên họp nhằm bắt đầu tiến trình luận tội Tổng thống Robert Mugabe, động thái có thể dẫn tới việc miễn nhiệm nhà lãnh đạo 93 tuổi này.

Hà Linh/Báo Tin tức

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›