Châu Âu 'gồng mình' ứng phó khi số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao trở lại

Thứ Sáu, 18/09/2020 15:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều nước châu Âu đã lên kế hoạch cho các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca mắc bệnh trên toàn thế giới đã vượt mốc 30 triệu người và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về "tỷ lệ lây nhiễm đáng báo động". 

Dịch COVID-19: Trung Quốc đại lục ghi nhận số ca mắc mới tăng đột biến trong 24 giờ qua

Dịch COVID-19: Trung Quốc đại lục ghi nhận số ca mắc mới tăng đột biến trong 24 giờ qua

Ngày 17/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 32 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng mạnh so với con số 9 ca của một ngày trước đó.

COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 943.000 người trên toàn cầu kể từ khi dịch bệnh này bùng phát lần đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Châu Âu "đóng góp" hơn 200.000 trường hợp trong con số thống kê này.

Theo Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu - ông Hans Kluge, châu lục này ghi nhận 54.000 ca mắc COVID-19 chỉ trong một ngày hồi tuần trước và mức tăng cao kỷ lục này "sẽ là một lời cảnh tỉnh" cho các chính phủ. 

Phát biểu ngày 17/9 trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Copenhagen (Đan Mạch), ông Kluge cho biết: “Tuy những con số thống kê cho thấy công tác xét nghiệm tầm soát COVID-19 đã được tiến hành một cách toàn diện hơn, nhưng nó cũng chỉ ra rằng tỷ lệ lây lan trong khu vực đang ở mức đáng báo động". 

Giới chức ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cảnh báo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố này đang chịu áp lực ngày càng gia tăng, khi 25% số giường bệnh tại đây hiện đã dành cho bệnh nhân COVID-19 trong làn sóng bùng phát thứ hai. Các quan chức y tế thậm chí còn tính tới khả năng sẽ phải ban bố lệnh phong tỏa tại các khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện St Thomas ở phía Bắc London, Anh ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Anh, các lệnh hạn chế mới sẽ có hiệu lực vào ngày 18/9, trong đó Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo rằng các quán rượu có thể phải đóng cửa sớm hơn để tránh "làn sóng thứ hai" của dịch bệnh. Khoảng 2 triệu người ở Đông Bắc nước Anh, trong đó bao gồm cả các thành phố Newcastle và Sunderland, sẽ bị hạn chế ra khỏi nhà, trong khi các địa điểm giải trí sẽ phải đóng cửa trước 22h. Từ đầu tuần này, Chính phủ Anh cũng đã yêu cầu người dân hạn chế tụ tập đông người, chỉ được phép gặp gỡ các nhóm từ 6 người trở xuống, trong bối cảnh các ca nhiễm ghi nhận theo ngày đã lên mức cao kỷ lục kể từ đầu tháng 5 vừa qua.

Các nhà chức trách Pháp cũng đang chuẩn bị các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn ở một số thành phố để kiểm soát dịch bệnh, khi trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 tại nước này luôn ở khoảng 10.000 trường hợp/ngày. Theo Bộ trưởng Y tế Olivier Veran, chính quyền hai thành phố Lyon và Nice sẽ ban bố các quy định mới vào ngày 19/9, sau khi các quy định hạn chế tụ tập nơi công cộng đã được áp dụng từ tuần này ở Bordeaux và Marseille.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/9, một nhóm gồm hơn 20 hiệp hội du lịch của châu Âu (đại diện cho hơn 5.000 doanh nghiệp) đã gửi kiến nghị tới Ủy ban châu Âu (EC), đề nghị cơ quan này hối thúc chính phủ các quốc gia trong liên minh chấm dứt yêu cầu cách ly để kiểm dịch, mà thay vào đó là tăng cường áp dụng các biện pháp hạn chế và xét nghiệm tầm soát COVID-19. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge ngày 5/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiến nghị trên được gửi tới Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, sau khi dữ liệu từ hiệp hội sân bay ACI Europe cho thấy lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hàng không thậm chí còn sụt giảm mạnh hơn trong thời kỳ "bình thường mới". Cụ thể, số lượng hành khách giảm 73% trong hai tuần đầu tiên của tháng 9, sau khi đã giảm 65% trong tháng 8 vừa qua.

Hồi đầu tháng này EC đã đề xuất một hệ thống cảnh báo theo màu (xanh, vàng, đỏ - như của đèn giao thông) về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và áp dụng chung cho các nước để điều phối hoạt động đi lại trong Liên minh châu Âu (EU) và trung hòa những sự khác biệt trong các quy tắc phòng dịch giữa các nước.

Tuy nhiên, với việc gia tăng các trường hợp mắc COVID-19, chính phủ nhiều nước không muốn từ bỏ các biện pháp hạn chế riêng, mà còn tăng cường kiểm dịch mạnh mẽ hơn - điều mà các hiệp hội trên chỉ trích là không tương xứng với những rủi ro khi đi du lịch trong một khu vực mà sự lây lan trong cộng đồng đã trở nên phổ biến. Theo các hiệp hội trên, 10% sản lượng kinh tế của EU được tạo ra từ du lịch và ngành "công nghiệp không khói" này cũng đóng góp 12% thị phần của lực lượng lao động của châu lục này.

Thanh Phương /TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›