(Thethaovanhoa.vn) - Đợt nắng nóng đầu tiên trong mùa Hè năm 2019 đang khiến người dân châu Âu "vã mồ hôi", khi nhiệt độ tăng cao trên diện rộng, trải dài từ Đức, Pháp, Ba Lan đến Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.
Những ngày này, thời tiết là dòng thông tin chủ đạo trên các phương tiện truyền thông ở châu Âu. "Nắng nóng kỷ lục" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất, khi nhiệt độ tại nhiều khu vực ở châu Âu đã chạm hoặc thậm chí vượt ngưỡng kỷ lục vốn tồn tại cả thế kỷ qua. Năm ngoái, cả nước Đức đã thấm mệt vì mùa Hè nóng kỷ lục trong suốt hơn 100 năm qua, nhưng năm nay, mọi chuyện thậm chí còn có thể tệ hơn thế. Nhiệt độ ở nhiều nơi đã vượt ngưỡng 38 độ C trong ngày 26/6, và dự báo có thể tiến lên mức 40 độ C vào Chủ nhật này.
Nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, kéo theo đó là các vấn đề về y tế và xã hội. Người già và trẻ em là những đối tượng cần nhận được nhiều sự chăm sóc hơn trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Thấm mệt vì nắng nóng, năng suất của người lao động cũng sẽ giảm, bên cạnh nhiều trường hợp phải nghỉ việc tạm thời vì bị ốm, nhất là những lao động phải làm việc ngoài trời trong thời gian dài.
Nguy cơ đuối nước cũng tăng cao, vì nhu cầu tắm của người dân tăng mạnh khi nắng nóng. Tắm ở bất kỳ đâu, kể cả những khu vực ao, hồ, sông, suối không được giám sát, và không lường trước được tác hại của việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ trên bờ xuống nước, có thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Trong năm 2018, nước Đức đã ghi nhận tỷ lệ tử vong vì đuối nước tăng hơn 132% so với năm 2017.
Nắng nóng luôn đi kèm với nguy cơ cháy rừng. Nhiều quốc gia châu Âu đã nâng cảnh báo cháy rừng lên mức cực kỳ nguy hiểm. Ở ngoại ô thủ đô Berlin của Đức, 100 ha rừng đã bị thiêu rụi trong đợt nắng nóng đầu tiên, và điều đáng ngại là nguy cơ cháy không dừng lại ở đó. Thiệt hại do các đợt cháy rừng gây ra không chỉ nằm ở vấn đề kinh tế, mà góc độ môi trường cũng hết sức đáng ngại, khi nguy cơ ô nhiễm khói bụi lan đến các thành phố, ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
Châu Âu đang theo đuổi nhiều dự án điện Mặt Trời lớn, nhưng nắng nóng cũng không mang lại lợi ích trong việc sản xuất điện trong trường hợp này. Cường độ chiếu sáng là yếu tố quan trọng, nhưng thời gian chiếu sáng mới là yếu tố quyết định sản lượng điện của các nhà máy điện Mặt Trời. Nhiệt độ quá cao sẽ làm giảm hiệu suất của các tấm pin quang điện.
Việc trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ năng lượng tái tạo tại Đức đạt mức cao kỷ lục 44% trong tổng sản lượng điện, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018, không phản ánh rõ ràng lợi ích từ nắng nóng, mà chủ yếu do gió. Tỷ lệ tăng trưởng của điện mặt trời trong năm 2019 chỉ ở mức khoảng 4% so với 2018, trong khi điện gió tăng trưởng lên đến hơn 20%.
- Nắng nóng ở châu Âu: Nguy cơ biến mất những dãy núi phủ tuyết tại Thụy Sĩ
- Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt trong những ngày hè nắng nóng
Nắng nóng đi kèm với hạn hán trở thành kẻ thù của ngành nông nghiệp. Sản lượng nông nghiệp có nguy cơ bị sụt giảm khi nắng nóng kéo dài, buộc các chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ về tài chính cho người nông dân. Tăng trưởng kinh tế cũng bị tác động, không chỉ vì ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng do nắng nóng, mà các dòng sông cạn nước cũng tác động đến khả năng chuyên chở nguyên vật liệu cũng như hàng hóa. Vận tải bằng đường thủy vẫn cho công suất lớn nhất, với chi phí rẻ nhất trong việc lưu thông hàng hóa.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến chất lượng của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các con đường. Dưới cái nóng như thiêu đốt, mặt đường trải thảm nhựa trở nên mềm hơn, và có nguy cơ xảy ra tai nạn khi các xe di chuyển với tốc độ cao. Trên nền đường yếu, các xe tải trọng lớn có thể tạo ra các vết lồi lõm dạng "sóng trâu", gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Chính vì thế, một số bang ở Đức đã phải tạm thời hạn chế tốc độ trên các đường cao tốc liên bang, vốn là nơi hiếm hoi trên thế giới mà các tài xế có thể "phóng hết ga".
Những đợt nóng kỷ lục và bất thường, như trong mùa Hè năm 2018 hay chính mùa Hè năm nay, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề môi trường, khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường, với hậu quả nghiêm trọng hơn. Châu Âu đã có nhiều nỗ lực chung tại các hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP), đặc biệt trong việc bảo vệ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được tại COP 21 vào năm 2015.
Nhưng dường như khoảng cách giữa lời nói và hành động vẫn còn khá lớn. Cũng chính vì điều này mà trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) cuối tháng 5 vừa qua, khối đảng Xanh theo đường lối bảo vệ môi trường đã đạt được những thắng lợi rất đáng kể. Trên bình diện chung, đảng Xanh giành được 75 ghế, chiếm 9,99% và trở thành nhóm đảng lớn thứ tư tại EP.
Riêng tại Đức, đảng Xanh giành chiến thắng vang dội khi trở thành lực lượng lớn thứ hai với 25 ghế, chỉ kém 4 ghế so với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo và bỏ xa đảng Dân chủ Xã hội trong cơ cấu 96 ghế của nước này tại EP. Một phần nhờ nắng nóng mà tiếng nói của những người bảo vệ môi trường trở nên có trọng lượng hơn tại các cơ quan lập pháp quốc gia, cũng như của cả Liên minh châu Âu.
Theo kinh nghiệm dân gian ở Đức, việc nắng nóng xuất hiện vào cuối tháng 6 sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn, với khả năng các đợt nắng nóng sẽ kéo dài trong 7 tuần liên tiếp. Nếu điều đó xảy ra, châu Âu sẽ trải qua thêm một mùa Hè "vật vã" nữa, sau khi đã mệt nhoài vì cái nắng trong mùa Hè năm 2018.
TTXVN
Tags