(Thethaovanhoa.vn) - Trong một thị trấn có đông người Hồi giáo Shiite sinh sống gần Baghdad, Saddam Hussein thoải mái tản bộ ra phố không bị ai nhòm ngó, thi thoảng còn cười đùa với lính gác đứng ở trạm kiểm soát và bắt tay với người qua đường, vừa đi vừa tự hào tuyên bố cái tên của mình.
"Các anh chưa hành quyết tôi đâu nhé" - Saddam thường vừa nói vừa cười với những viên cảnh sát tình cờ bắt gặp - "Đấy chỉ là gã đóng thế của tôi thôi".
Những phiền toái từ tên gọi
Người đàn ông này thực tế không phải là Saddam Hussein mà thế giới đã biết. Anh chỉ là một thợ điện bình thường, nhưng lại có cùng tên với cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, nhân vật đã lãnh đạo đất nước trong gần 1/4 thế kỷ. Và anh không phải người duy nhất.
Từ quê nhà Saddam ở Tikrit tại phía Bắc đất nước cho tới tỉnh Anbar ở phía Tây và chạy xuống các tỉnh phía Nam, vô số người Hồi giáo Sunni và Shiite mang cái tên từng để thể hiện sự tôn kính Saddam, nhưng nay đã trở thành gánh nặng.
"Saddam đàn áp nhiều người, vì thế những người từng bị đàn áp thường rất căm ghét ông ấy" - anh thợ điện Saddam Hussein Ulaiwi, 35 tuổi, đang sống cùng gia đình ở thị trấn Aziziyah tại phía Đông Nam Baghdad cho biết - "Một số người luôn chế nhạo tôi, chỉ vì cái tên của tôi".
Được ông nội đặt tên Saddam Hussein khi Saddam mới chỉ là Phó Tổng thống Iraq nhưng đã tạo được rất nhiều ảnh hưởng, Ulaiwi nói rằng cái tên chỉ mang lại cho anh nhiều phiền toái
Anh nhớ rằng khi còn đi học, các giáo viên thường đòi hỏi vô cùng khắt khe với mình và họ sẽ trừng phạt nặng với những lỗi lầm nhỏ nhất. Khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, lúc tới đơn vị nhận quân phục, Saddam đã đọc to tên mình cho viên sĩ quan chỉ huy. Viên sĩ quan lập tức lao vào đấm đá Saddam vì tội dùng chung tên với Tổng thống.
Sau khi Mỹ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein hồi năm 2003, Saddam đã hy vọng rằng anh sẽ có cuộc sống dễ chịu hơn. Tuy nhiên ngay sau đó cha đẻ của Saddam đã nhận được nhiều cú điện thoại đề nghị ông đổi tên cho con trai. Những người hàng xóm bắt đầu chế nhạo Saddam, chỉ bởi cái tên của anh gợi nhớ lại nhiều ký ức không vui.
Ulaiwi từng thử đổi tên hồi năm 2006, nhưng sau đó đã từ bỏ nỗ lực này bởi sự quan liêu nổi tiếng trong chính quyền Iraq, cũng như do khoản phí đổi tên quá cao khi anh chỉ có thu nhập thấp. Anh đành sống với cái tên Saddam.
Đảo lộn cuộc sống
"Tôi hối tiếc khi đặt cho con cái tên này" - cha Hussein nói với hãng tin AFP trong cuộc tiếp xúc gần đây - "Trước năm 2003, chúng tôi đã chịu nhiều áp lực. Sau năm 2003, thêm nhiều nỗi khổ đau đã xuất hiện. Có những kẻ căm thù tất cả những gì liên quan tới Saddam, kể cả cái tên". Ông nói rằng có những quan chức chính quyền đã không giải quyết yêu cầu từ con trai mình, chỉ bởi anh mang tên Saddam.
Kể từ khi Saddam bị bắt và bị treo cổ vào ngày 30/12/2006, vẫn còn nhiều người nuôi giữ nỗi tức giận với ông. Nguyên nhân do không ít người Shiite và Kurd đã chết dưới chính quyền do người Sunni nắm thế đa số của ông. Vô số người khác đã bị ảnh hưởng từ các cuộc chiến Saddam phát động chống lại Iran, Kuwait, với cuộc chiến sau đã khiến Iraq bị cấm vận, rơi vào cảnh kiệt quệ.
Hiện nay, dù một số kỷ vật về Saddam vẫn được bán ở Baghdad như đồng hồ và các món đồ khác, phần lớn những công trình ghi dấu ấn lãnh đạo của ông dưới dạng tượng và tranh cổ động đều đã bị phá hủy. Việc này khiến cho những người mang tên Saddam nằm trong số ít những thứ còn nhắc nhở người ta về thời gian cầm quyền của ông.
Hậu quả là họ trở thành mục tiêu để người ta trả đũa quá khứ. Rất nhiều Saddam đã báo cáo về việc bị dọa giết, khó tiếp cận với các công việc và dịch vụ của chính quyền, bên cạnh vô số khó khăn thường nhật khác.
"Sau năm 2003, rất nhiều điều đã xảy ra với tôi khi tôi đi tới bất kỳ đâu ở Iraq. Tôi buộc phải thay tên đổi họ chỉ để cứu mạng mình" - Saddam Hussein al-Mihimidi, một phóng viên Iraq sống ở Ramadi, phía Tây Baghdad, cho biết.
Cha của Mihimidi đã bị sa thải khỏi công việc ông đang làm cho chính quyền do cái tên của con trai ông. Ông đã không thể thuyết phục cấp trên rằng mình không phải người ủng hộ đảng Baath của Saddam và các nỗ lực đổi tên cho con trai của ông đã chẳng đi tới đâu.
Mihimidi, người đã được đặt tên Saddam bởi một viên bác sĩ đỡ đẻ, nói rằng trước khi Mỹ xâm lược Iraq, cuộc sống của anh ở tỉnh Anbar đông người Sunni chẳng gặp vấn đề gì. Nhưng sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Iraq, anh phải mang giấy tờ giả và tránh việc rời nhà trong thời kỳ bạo lực sắc tộc bùng phát mạnh nhất trong giai đoạn 2006 và 2007, khi người ta có thể giết người chỉ vì cái tên của họ.
Anh giờ đề nghị bạn bè gọi mình là Abu Abdullah, hay cha của Abdullah, để che giấu danh tính. "Sau năm 2003, cuộc đời tôi đã thay đổi chóng mặt, từ thái cực này chạy hẳn sang thái cực kia" - anh nói.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa