Chile công bố chương trình phát triển đường sắt lớn nhất trong lịch sử

Thứ Sáu, 06/09/2019 07:54 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Chile Sebastián Piñera mới đây thông báo chính phủ nước này sẽ tiến hành một chương trình mang tên “Chile trên đường ray” với mục tiêu nâng cấp và phát triển hệ thống đường sắt lớn nhất trong lịch sử nước Nam Mỹ này với tổng kinh phí lên tới hơn 5 tỷ USD.   

Tai nạn đường sắt tại Nam Phi: 14 người chết, hàng trăm người bị thương

Tai nạn đường sắt tại Nam Phi: 14 người chết, hàng trăm người bị thương

Theo nhân chứng này, đoàn tàu đã kéo một hồi còi cảnh báo rất dài trước khi tai nạn xảy ra. Trong khi đó, giới chức địa phương cho biết vụ tai nạn đã khiến một toa tàu bốc cháy

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Melipilla phía Tây Nam Chile, Tổng thống Piñera nhấn mạnh, tàu điện và xe lửa sẽ trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Chile, không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn đóng góp vào hoạt động kinh tế và sự phát triển của đất nước.   

Theo kế hoạch, chương trình “Chile trên đường ray” nhằm hiện đại hóa và mở rộng mạng lưới đường sắt trên cả nước, bao gồm 25 dự án và xây dựng thêm hơn 1.000km đường sắt, dự kiến sẽ tăng gấp 3 số người sử dụng loại phương tiện giao thông này lên 150 triệu lượt người vào năm 2027, cũng như tăng gấp đôi lượng hàng hóa được vận chuyển bằng tàu hỏa lên tới 21 triệu tấn.  

Chú thích ảnh
Đường sắt ở Chile

Theo thông báo của Tổng thống Chile, dự án lớn này sẽ bao gồm việc xây dựng toàn bộ các tuyến đường sắt kết nối những thành phố khác nhau của đất nước mà từ trước tới nay chưa có, với 56% vốn đầu tư dành cho các sáng kiến khu vực ngoài thủ đô Santiago de Chile, như việc kết nối các vùng như Biobio, La Araucania, Valparaiso, O’Higgins, Maule và Ñuble.   

Trong nửa đầu thế kỷ 20, Chile sở hữu một mạng lưới đường sắt kết nối gần như toàn bộ cả nước. Mạng lưới đường sắt thời điểm đó được phát triển rộng khắp do có nguồn vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ các ngành khai thác mỏ muối và than.

Tuy nhiên, sau khi các ngành công nghiệp này đi xuống và với sự bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô, các tuyến đường sắt ở quốc gia Nam Mỹ này dần dần bị phá hủy do tần suất sử dụng giảm mạnh.

Lê Hiền/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›