Cho vay nóng đang nóng

Thứ Sáu, 06/06/2008 15:57 GMT+7

Google News
Lãi suất cho vay nóng ở các chợ hiện đã lên đến 5 – 8%/tháng đối với tiền đồng và 3%/tháng với USD.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ cần tiền thanh toán gấp đã tìm đến các bà chủ ở chợ để vay nóng với các hình thức trả góp theo ngày, theo tuần

Cơ hội hốt dự án

Bà Nguyễn Thị K., một đại gia phất lên nhờ kinh doanh bất động sản cho biết: “Chỉ trong tháng vừa qua, tôi đã mua lại hơn chục lô đất dự án, biệt thự của những nhà đầu cơ thiếu vốn, đến hạn phải trả ngân hàng buộc phải bán lại với giá thấp”.

Ông Đỗ Văn, một nhà kinh doanh gỗ vừa được người bạn làm ăn chào bán một lốc chung cư 30 căn có diện tích từ 56 – 95m2/căn. Giá mà công ty kinh doanh nhà đang chào trên thị trường bình quân là 12 triệu đồng/m2. Nếu ông Văn chấp nhận lấy hết cả lốc, giá sẽ chỉ còn 7 triệu đồng/m2.

Ông Văn đang tính toán, khoản chênh lệch 5 triệu đồng/m2 này sẽ chỉ còn lại gần 2 triệu sau khi trừ chi phí hoa hồng cho nhân viên tiếp thị, làm giấy tờ, ngâm vốn (tính theo lãi suất ngân hàng) trong hai năm…

Theo ông Văn, lãi suất cho vay nóng tăng đã mở ra cho nhiều đại gia có vốn tiền mặt cơ hội kiếm lợi nhuận một cách dễ dàng. Nếu như trước đây phải có vài trăm đến hàng tỉ mới giao dịch được với các dự án lớn, mới chiếm được vị trí ưu tiên trong các giao dịch bất động sản, thì nay chỉ cần có vài chục tỉ tiền mặt là cũng có người tìm đến trao cơ hội đầu tư.

Cho vay nóng là tốt nhất!

Sau khi chia đều hơn 60 tỉ cho bất động sản ở TP.HCM và 60 tỉ cho các dự án ở Bình Dương, Vũng Tàu mà bà K. biết chắc phải ngâm vốn vào để chờ ít nhất 3 – 5 năm nữa mới có thể bán giá tốt, còn gần 100 tỉ tiền mặt bà cho các công ty khác vay. Bà K. kể: “Hiện nay, kẹt vốn nhiều nhất là các công ty xuất nhập khẩu và xây dựng”.

Trước kia, giới làm ăn cho nhau vay dựa vào tín chấp, hay một số thủ tục đơn giản như giữ sổ hồng, giữ giấy đăng ký kinh doanh, làm cam kết… Mấy tuần qua, muốn vay phải giao luôn chủ quyền các ngôi biệt thự, nhà nghỉ, nhà ở của các sếp công ty cho chủ nợ.
Theo bà K., trong bối cảnh thị trường bất động sản cũng như chứng khoán đang xuống như hiện nay, cho vay là cách duy nhất xoay xở để vốn không bị âm so với lạm phát.
 
Dẫu lãi suất lên đến 5%/tháng, các công ty cũng phải chọn vì vay ngân hàng không được, càng để lâu không giao trả tiền mua hàng, không tiến hành các công trình lại càng lỗ nặng hơn. “Nếu lấy chung cư lãi nhiều hơn, nhưng rủi ro cũng cao vì trong tình hình hiện nay bán rất khó, nên giải pháp cho vay 5%/tháng sẽ tốt hơn”, ông Văn nói.
 
Ông Nguyễn, một doanh nghiệp sản xuất hàng nhựa trong câu lạc bộ Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa cho biết có đối tác đề nghị ông cho vay 30 tỉ trong vòng một tháng với lãi suất 8%.
 
“Thú thật, tôi cũng định tạm ngưng các kế hoạch mua nguyên liệu dự trữ chậm hơn tiến độ một chút để cho vay. Nhưng tôi cũng hơi lo, bởi nếu lãi suất là 8%, doanh nghiệp này sẽ phải có dự án nào đó có khả năng sinh lợi trên 12%/tháng thì mới dám vay. Nhưng những ngành sản xuất, thương mại lẫn dịch vụ có khả năng kiếm lãi nhanh với tốc độ trên 10%/tháng hiện nay rất hiếm”, ông phân tích.

Việc doanh nghiệp chấp nhận vay vốn với lãi suất cao, không phải do kinh doanh có lợi nhuận cao, mà do cần tiền gấp cho những khoản thanh toán đến hạn.

Theo SGTT

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›