Chuyên gia Đức cảnh báo hậu quả của biến thể virus đối với nền kinh tế

Thứ Hai, 22/02/2021 08:18 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư kinh tế Lars Feld, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia kinh tế của chính phủ Đức (GCEE), cảnh báo các nguy cơ đối với nền kinh tế Đức trong năm nay do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời bày tỏ quan điểm phản đối việc nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phong tỏa hiện được áp dụng.

Cả nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Cả nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 22/2, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.484 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 791 trường hợp.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời phỏng vấn hãng tin DPA ngày 21/2, ông Feld cho biết do hậu quả của đại dịch COVID-19 cùng với sự lây lan mạnh của những biến thể mới, GCEE sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm nay. Theo dự báo đưa ra tháng 11/2020, GCEE nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2021 sau khi giảm khoảng 5% trong năm 2020.

Ông Feld cũng cho rằng, năm nay vẫn có thể đạt mức tăng trưởng trên 3% nếu như tránh được việc kiểm soát ngặt nghèo khu vực biên giới cũng như dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau giai đoạn phong tỏa. Do triển vọng ảm đạm của nền kinh tế, một số hiệp hội kinh tế như Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) kêu gọi chính phủ Đức phải có lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Feld, sự gia tăng số ca lây nhiễm với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã tạo ra những bất trắc cũng như có thể gây ra những hậu quả đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ông Feld cho rằng một khi làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát, mọi kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế đều không còn phù hợp.

Tình hình dịch Covid-19, Covid-19 mới nhất, dịch Covid-19, Số ca nhiễm Covid-19, Tình hình dịch Covid 19, Số ca nhiễm Covid 19, Covid 19 mới nhất, dịch Covid-19

Trong khi đó, một số chuyên gia khác kêu gọi chính phủ Đức không nên kéo dài quá lâu tình trạng phong tỏa, bởi điều đó có thể gây hậu quả và trì hoãn sự phục hồi kinh tế.

Cùng ngày 21/2, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cũng lên tiếng phản đối việc đưa ra một lộ trình ràng buộc về thời gian nới lỏng các biện pháp phong tỏa hiện nay. Ông nêu rõ chính phủ Đức không thể đưa ra một cam kết hão huyền, dù đó là lộ trình 3 tháng hay 6 tháng.

Ông cho rằng cần tiếp tục theo dõi sự lây lan của các biến thể mới khi việc dần mở cửa trở lại các trường học và nhà trẻ được thực hiện ở quy mô lớn hơn. Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 22/2, sẽ có thêm nhiều bang dần mở cửa trở lại các trường tiểu học theo mô hình chia lớp/nhóm luân phiên theo ngày, học sáng/chiều kết hợp với học ở trường hoặc ở nhà, trong khi các nhà trẻ cũng được mở lại hoàn toàn hoặc có thể tiếp nhận nhiều trẻ hơn. Các bang sẽ tự quyết định mô hình riêng, trong khi giáo viên và nhân viên trong trường sẽ được thường xuyên xét nghiệm sàng lọc. Bộ trưởng Spahn cũng ủng hộ việc tiến hành ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng này.

Theo thông báo của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), hệ số lây nhiễm ở Đức trong 7 ngày đã tăng trở lại và lên mức cao nhất kể từ ngày 11/1. Theo RKI, hệ số này trong ngày 21/2 ở mức 1,10, có nghĩa 100 người nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm cho 110 người khác. Sau khi giảm trong nhiều tuần qua xuống mức dưới 1, việc chỉ số này tăng lên báo hiệu nguy cơ biến thể của virus đang làm gia tăng tốc độ lây nhiễm bất chấp tình trạng phong tỏa hiện nay. Về công tác tiêm chủng ở Đức, cho đến nay, Đức đã tiêm chủng được cho gần 5 triệu người, trong đó mới có gần 1,7 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. Bộ Y tế Đức cũng cho biết, trong ngày 21/2 nước này đã tiếp nhận thêm 7,5 triệu liều vaccine và dự kiến có thêm 2 triệu liều trong tuần tới.

Mạnh Hùng - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›