Chuyên gia Indonesia khuyến nghị giải pháp giúp Việt Nam phòng chống dịch Covid-19

Thứ Sáu, 15/10/2021 16:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/10, chuyên gia cấp cao Veeramalla Anjaiah thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) tại Indonesia đã đánh giá cao nỗ lực Việt Nam trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19.   

Bộ Y tế tiếp nhận và phân bổ 35 triệu liều vaccine trong tháng 10

Bộ Y tế tiếp nhận và phân bổ 35 triệu liều vaccine trong tháng 10

Bộ Y tế dự kiến từ nay đến hết tháng 10/2021 sẽ tiếp tục tiếp nhận và phân bổ cho các đơn vị, địa phương khoảng hơn 35 triệu liều vaccine Covid-19.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Anjaiah cho rằng Việt Nam đã làm khá tốt trong thời gian đầu bùng phát dịch bệnh. Đó là lý do tại sao trong nhiều tháng, Việt Nam không bị ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn đã khiến bùng phát làn sóng dịch thứ 4 tại Việt Nam.

Ông Anjaiah khuyến nghị, thứ nhất, cũng như Indonesia, Việt Nam cần nhận thức đúng đắn về dịch bệnh và tăng tính dự báo về tình hình dịch bệnh. Thực tế cho thấy không thể loại bỏ virus SARS-CoV-2 mà phải tìm cách sống chung an toàn. Ví dụ điển hình nhất là New Zealand, dịch bệnh đã xuất hiện trở lại nước này sau 2-3 tháng tuyên bố hết dịch. Chính phủ New Zealand một lần nữa phải phong tỏa để ngăn chặn COVID-19. Trong khi đó, Singapore dù đã tiêm chủng được cho 80% dân số nhưng vẫn đang tiếp tục đối diện với làn sóng COVID-19 mới.   

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Thứ hai, chuyên gia Anjaiah cho rằng Việt Nam có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm xử lý dịch bệnh của Indonesia, đó là tăng cường tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Dù đây có thể không phải là giải pháp hoàn hảo, nhưng tiêm chủng góp phần làm tăng khả năng miễn dịch của mọi người. Tại Indonesia, nhờ việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng quốc gia với hơn 160 triệu người được tiêm chủng, đến nay số ca mắc mới đã giảm mạnh. Cách tốt nhất là tiêm chủng cho 65-70% để đạt khả năng miễn dịch cộng đồng.

Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam cần đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 65-70 triệu dân. Đồng thời, Việt Nam có thể đẩy nhanh việc đảm bảo nguồn cung vaccine vì hiện đã có nhiều loại vaccine trên thị trường. Sau khi hoàn thành mục tiêu tiêm mũi một và mũi hai, Việt Nam cần xem xét lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Do vậy, đa dạng hóa chủng loại vaccine và đảm bảo nguồn cung cũng là việc cần thực hiện sớm.

Thứ ba, một biện pháp quan trọng khác là không được nới lỏng các quy định y tế. Mặc dù dịch bệnh đã giảm nhưng người dân cần tiếp tục tuân thủ nghiêm túc, duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và hạn chế tập trung đông người.   

Chuyên gia Anjaiah tin tưởng Việt Nam có thể vượt qua làn sóng dịch bệnh này một cách nhanh chóng, hiệu quả nhờ những biện pháp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam và sự hợp tác cũng như ý thức của người dân trong nước.

Thùy Trang/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›