(Thethaovanhoa.vn) - Với việc mỗi năm có hơn nửa triệu người qua đời ở Anh, ngành kinh doanh tang lễ và các dịch vụ liên quan tới cái chết đã trở nên vô cùng lớn, thu về khoản tiền thường niên tới hơn 3 tỷ USD. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều công ty công nghệ nhảy vào thị trường béo bở này.
Một ví dụ điển hình là Your Last Will (Ước nguyện cuối của bạn). Đây là một ứng dụng cài trên điện thoại iPhone, cho phép người ta tạo ra một “video chứa di chúc” để gửi tới người thân sau khi qua đời.
Di chúc video thành mốt
Người dùng sẽ tạo và tải một đoạn video chứa di chúc lên máy chủ You Last Will và sẽ được nhận lại một mã QR (loại mã giống mã vạch có thể giải mã bằng ứng dụng cài trên điện thoại thông mình). Người dùng có thể trao mã QR này cho ai đó họ đặc biệt tin tưởng và có khả năng sẽ sống lâu hơn họ.
Sau khi người dùng qua đời, nhân vật được gửi gắm mã QR sẽ đăng nhập vào You Last Will, sử dụng mã QR và nhận được thư hồi đáp có chứa đường link (đường dẫn) tới đoạn video chứa di chúc. Đường link này còn được tự động gửi cho các cá nhân mà người dùng đã lựa chọn từ trước.
Công ty You Last Will thừa nhận rằng trong “đại đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay, di chúc video không có giá trị thay thế di chúc viết tay”. Tuy nhiên nếu người dùng trả thêm phí, Your Last Will sẽ chuyển đoạn video tới cho nhà chức trách xem xét tính pháp lý và khiến nó trở nên có hiệu lực.
"Chết hiển nhiên là chuyện không dễ chịu, nhưng lại chẳng thể tránh trong cuộc đời. Vì thế sẽ dễ dàng hơn nếu ta để lại di chúc dưới dạng video thay vì dùng phương thức truyền thống, có liên quan tới một luật sư và nhiều nhân chứng” – sáng lập viên You Last Will là Wolfgang Gabler chia sẻ với BBC.
Gabler cũng tin rằng công nghệ mới sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh tang lễ ở nước Anh cũng như trên thế giới, với mục tiêu giúp tang quyến xử lý dễ dàng, tiện lợi một vấn đề quan trọng như hậu sự của người đã khuất.
Ai cũng có thể an nghỉ trong vũ trụ
Một số công ty hiện đã vào cuộc chơi với ý tưởng rất sáng tạo. Đơn cử như Celestis, công ty Mỹ cung cấp dịch vụ dùng tên lửa phóng thi hài người đã khuất vào vũ trụ.
Chuyến đi đầu tiên như thế diễn ra hồi năm 1997, đã chứng kiến nhà sáng tạo ra phim Star Trek là Gene Roddenberry bay vào vũ trụ.
Kể từ đó, công ty đã cung cấp nhiều gói dịch vụ cho đủ loại khách hàng. Một chuyến bay vòng quanh quỹ đạo Trái đất hiện chỉ mất 4.995 USD. Nhưng một chuyến bay xa hơn như vòng quanh Mặt trăng sẽ gây tốn kém 12.500 USD.
Trong năm 2016, công ty sẽ tung ra gói dịch vụ Voyager vô cùng đặc biệt. Sử dụng công nghệ cánh buồm quang năng – tận dụng áp lực từ tia Mặt trời để tạo lực đẩy, con tàu sẽ di chuyển không ngừng vào vũ trụ.
Một khi thi hài đã đi vào thượng tầng khí quyển, thân nhân của người đã khuất có thể theo dõi thi hài theo thời gian thực, nhờ dữ liệu chuyển từ tàu vũ trụ về trang web của Celestis qua kết nối vệ tinh. Công ty còn cung cấp các gói dịch vụ phụ trội trong đó thân nhân được phép để kèm các cuốn sách tiểu sử và đĩa DVD lên tàu.
“Chúng tôi không nghĩ rằng dịch vụ của mình quá đỗi đắt đỏ, với mức giá khởi điểm từ 1.000 USD, trong khi chi phí tổ chức tang lễ ở Mỹ đã chạm mức 8.000 USD” – sáng lập viên Celestis là Charles Chafer nói với BBC – “Chúng tôi chỉ đang cố thực hiện ước nguyện cuối muốn bay vào vũ trụ của người đã khuất”.
Sẽ chưa có cuộc cách mạng tang lễ
Theo Hiệp hội các giám đốc nhà tang lễ quốc gia (NAFD) Anh, công nghệ cao quả thực đang xâm nhập ngày càng nhiều vào hoạt động kinh doanh tang lễ vốn mang tính bảo thủ cao. “Rất nhiều giám đốc nhà tang lễ giờ đang dùng các ứng dụng cài trên điện thoại di động và NAFD cũng đang thỏa thuận với một công ty để có ứng dụng riêng” – phát ngôn viên NAFD nói – “Đại đa số công chúng đều có trang web nên các giám đốc nhà tang lễ cũng nghĩ ra ngày càng nhiều cách để liên lạc và thông báo với công chúng”.
Ví dụ dịch vụ loan tin buồn trực tuyến của NAFD là Forever Online sẽ cho phép bạn bè, thân nhân người đã khuất báo tin buồn qua Internet, bên cạnh thông báo trên báo chí như truyền thống.
Mặc dù vậy NAFD đánh giá công nghệ sẽ chưa làm một cuộc cách mạng tang lễ ở nước Anh cũng như thế giới. “Đại đa số các lễ tang hiện vẫn diễn ra dưới dạng gặp mặt trực tiếp thành viên trong gia đình người đã khuất với người điều hành tang lễ” – phát ngôn viên NAFD nói.
Có vẻ như trước mắt các lễ tang sẽ vẫn diễn ra theo truyền thống. Nhưng chắc chắn trong tương lai, nhiều người trong chúng ta sẽ bắt đầu lo hậu sự cho mình bằng điện thoại di động, xem các bản di chúc video trên máy tính bảng, đưa tiễn người thân đã khuất vào vũ trụ hoặc lặng lẽ theo dõi tro cốt họ bay vòng quanh Trái đất trên TV thông minh, thay vì phải tới thăm họ tại một nghĩa trang hết sức u ám và buồn tẻ.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa