(Thethaovanhoa.vn) - Nhiệt độ trên Trái Đất có thể sẽ tăng 1,5 độ C từ năm 2030 đến 2052 nếu sự ấm lên trên toàn cầu vẫn tiếp diễn với tốc độ như hiện nay và các nước không áp dụng các biện pháp khẩn trương và chưa từng có nhằm ngăn chặn xu hướng này. Lời cảnh báo trên đã được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo công bố ngày 8/10.
- WMO: Nhiều vùng đất có thể bị nước biển nhấn chìm do biến đổi khí hậu
- Giật mình, biến đổi khí hậu 'giết' 4.000 người, lấy đi 1.200 tỷ USD
IPCC đã tiến hành họp hồi tuần trước tại Incheon, Hàn Quốc, để hoàn tất báo cáo được chuẩn bị theo đề nghị của chính phủ các nước đưa ra hồi năm 2015, khi các nước nhất trí phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Báo cáo này được coi là chỉ dẫn khoa học quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách của chính phủ các nước trong việc đề ra biện pháp thực thi Hiệp định Paris nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo báo cáo, mức tăng 1,5 độ C sẽ vẫn gây ra những rủi ro liên quan đến khí hậu đối với thiên nhiên và con người. Tuy nhiên, mức rủi ro này vẫn thấp hơn so với mức rủi ro do nhiệt độ tăng 2 độ C. Báo cáo cho rằng để đáp ứng mức giới hạn mức tăng 1,5 độ C, chính phủ các nước cần phải tiến hành những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có về sử dụng đất và năng lượng, trong ngành công nghiệp, xây dựng, vận tải và thành phố. Dự báo, với tốc độ ấm lên như hiện nay, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng cao hơn mức 1,5 độ C từ năm 2030 đến 2052 và mục tiêu được các nước nhất trí trong Hiệp định Paris nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ vẫn chưa đủ để kiềm chế mức tăng này nếu các nước không đề ra những biện pháp giảm lượng khí thải nhiều hơn và mạnh hơn sau năm 2030.
Để kiềm nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C, lượng khí thải CO2 do con người gây ra trên toàn cầu sẽ cần phải giảm khoảng 45% vào năm 2030 từ mức của năm 2010 và đạt mức "0" vào giữa thế kỷ. Trong khi đó, năng lượng tái tạo sẽ cần chiếm tới 70-85% sản lượng điện vào năm 2050 so với 25% hiện nay. Phần điện sản xuất từ khí đốt sẽ cần phải cắt giảm xuống 8% và điện từ than đá xuống từ 0-2%.
Nếu nhiệt độ trrung bình trên Trái Đất tạm thời tăng quá 1,5 độ C, các nước sẽ cần tới công nghệ loại bỏ khí cácbon bổ sung để đưa nhiệt độ Trái Đất về rmức tăng dưới 1,5 độ C vào năm 2100. Theo báo cáo, tính hiệu quả của các biện pháp chống biến đổi khí hậu như trồng rừng, dùng năng lượng sinh học hay tách và trữ CO2 chưa được chứng minh ở quy mô lớn và chứa đựng một số rủi ro.
Việc duy trì nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C, thay vì 2 độ C, sẽ giúp mực nước biển thấp hơn 10 cm vào năm 2100, trong khi tốc độ tan băng ở Bắc Cực có thể sẽ chậm lại và các rạn san hô có thể bị phá hủy 70-90% thay vì bị phá hủy hoàn toàn.
Ông Amjad Abdulla, một thành viên của IPCC, nhấn mạnh các nước trên thế giới chỉ còn cơ hội rất mong manh để có thể tránh được những thiệt hại không thể lường trước đối với khí hậu hỗ trợ sự sống trên Trái Đất.
TTXVN/Minh Châu
Tags