Theo ông Đặng Huy Cường - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương, đến giờ này ông và Bộ Công thương chưa hề nhận được đề xuất của EVN về tăng giá điện. Vì vậy, ông Cường không bình luận về khả năng tăng giá điện.
Phải trả tiền cho cả tương lai?
Ông Vương Ngọc Tuấn - phó tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn, bảo vệ người tiêu dùng VN - khẳng định số hộ nghèo được hưởng giá điện thấp 50kWh đầu rất ít. Phần lớn người tiêu dùng phải chịu mức tăng giá khá cao chứ không phải 5% như mức tăng cuối tháng 12-2011. Thực tế, nếu người tiêu dùng sử dụng trên 100kWh/tháng, họ phải tăng chi phí tiền điện 54,86%, dùng 200kWh tăng cao hơn 23%...
"Thị trường độc quyền mà áp chính sách giá cạnh tranh là hoàn toàn không phù hợp. Thị trường cạnh tranh mà áp đặt giá cũng không đúng quy luật " Ông Phạm Minh Thụy |
“Khi khó khăn doanh nghiệp phải cắt giảm lương, trước hết là cán bộ quản lý. Nhưng với EVN, lương lãnh đạo không những không bị cắt mà vẫn cao hơn nhiều lần lương người trực tiếp sản xuất, hơn nữa chi phí lương này đều được đưa vào giá thành điện nên có phản ứng tiêu cực là dễ hiểu” - ông Tuấn nói.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, cũng cho rằng với hóa đơn tiền điện hiện nay, trung bình người tiêu dùng đang phải trả khoảng 2.000 đồng/kWh điện, tương đương 10 cent/kWh chứ không phải 6,5 cent. Ông Phong nêu tới bảy nghịch lý của ngành điện và đề nghị nên tập trung vào đây để tìm cách giải quyết.
Thứ nhất, giá xăng có khi còn giảm chứ giá điện chỉ tăng, chưa bao giờ giảm, trong khi giá thế giới có lên có xuống. Thứ hai, EVN đòi áp giá thị trường trong khi chưa có cạnh tranh, tức đang áp quy trình ngược, hay có thể nói là lạm dụng cơ chế thị trường. Thứ ba, cả nước thiếu điện nhưng một số nhà sản xuất điện tư nhân lại không ký được hợp đồng bán điện cho EVN...
Ngoài ra, ông Phong cho rằng việc giám sát đầu tư của ngành điện còn nhiều khoảng trống, lãng phí, thất thu trong sản xuất, phân phối điện... Theo ông Phong, việc bắt người dân chịu tăng giá điện để ngành điện có vốn đầu tư là không hợp lý, vì EVN phải tự lo chứ không thể buộc người tiêu dùng hiện tại trả tiền hộ cho người tiêu dùng tương lai...
EVN mua thấp bán cao?
Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho rằng có lỗ hổng chính sách do người đề xuất Thủ tướng ký quyết định 24/2011. Bởi theo đó, EVN có quyền tăng giá đến 5%, giá bán ra có thể lên đến 10 cent/kWh, trong khi giá mua của các nhà máy điện khác chỉ 2-4 cent. “Giở hồ sơ của EVN thấy họ độc quyền cực kỳ, mua rất thấp, bán cao. Tôi đề xuất cần rà soát các giá EVN hiện mua của các doanh nghiệp ngoài ngành” - ông Thuyên nói.
Cũng theo ông Thuyên, trong năm 2006 chỉ cần tăng giá điện, ngành điện có thêm 18.000 tỉ đồng nhưng sau đó số tiền này đã được đầu tư cả ra ngoài ngành. Ông Thuyên cũng “tố” Bộ Công thương đã giãn mức phấn đấu giảm tổn thất điện năng cho EVN thấp hơn cả mức Thủ tướng quy định, trong khi chỉ cần chênh một chút đã có thể dư ra bao nhiêu tiền, tác động tới giá thành.
Ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế tài chính Bộ Tài chính, dẫn một nghiên cứu khẳng định: “Nếu sản lượng điện tăng 20%/năm, giá bán điện có thể giảm được 2%”. Ông Thụy cũng đồng tình cho rằng có sự không rõ ràng khiến nảy sinh nhiều bất đồng, khó khăn cho các công ty phát điện độc lập trong đàm phán giá bán điện cho EVN.
Tuy nhiên, ông Đặng Huy Cường cho rằng giá điện do EVN bán chưa đến 10 cent/kWh mà mới là 6,5 cent. “Đừng nghĩ thủy điện rẻ, gần đây đều đã lên 700-900 đồng/kWh”. Giải thích hiện tượng các nhà máy điện độc lập khó đàm phán giá với EVN, ông Cường cho biết “giá đầu ra khó khăn nên EVN phải ép đầu vào, nếu không họ bị lỗ”... Ông Cường cũng giải thích tổn thất điện năng biến đổi liên tục, phải thường xuyên cập nhật: “Khi EVN tiếp nhận lưới hạ áp nông thôn thì Bộ Công thương phải tính toán chỉnh cho họ, không thể duy ý chí. Không thể dựa vào con số cứng nhắc, duy trì trong 5-10 năm”.
TSKH Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nêu dư luận mới quan tâm đến trợ cấp cho các hộ nghèo 30.000 đồng/tháng nhưng theo bà Hiền, cái bao cấp lớn hơn nhiều lại dành cho các doanh nghiệp thép, ximăng với số tiền lên tới trên 2.500 tỉ đồng. Ông Đặng Huy Cường cho biết nếu tăng giá điện cho thép, ximăng thì giá mặt hàng này tăng, giá thành xây dựng cũng tăng. Giải pháp là: “Nếu cần thì cấm xuất khẩu thép hoặc sẽ tính giá điện riêng cho thép, ximăng”...
Cần cơ quan độc lập, khách quan
Ông Đặng Huy Cường cho biết với giá điện bình quân hiện nay 1.304 đồng/kWh, thực tế giá bán điện sinh hoạt trung bình mà người dân thực nộp đang khoảng 1.400 đồng/kWh. Trong khi đó, giá điện sản xuất trung bình chỉ bằng 95% giá bán điện bình quân là 1.304 đồng/kWh... Hiện các khoản lỗ còn bị “treo” của EVN lên đến mấy chục ngàn tỉ đồng, ông Cường cho biết sẽ có lộ trình để phân bổ số này vào giá điện, nhưng phân bổ bao lâu thì liên bộ Tài chính - Công thương sẽ bàn, xin ý kiến Chính phủ. “Nhưng năm 2013 giá điện sẽ tiệm cận theo thị trường” - ông Cường nói. |
Giá điện rồi cũng phải tăng, tuy nhiên ông Vũ Xuân Thuyên cho rằng điều cần làm là phải tạo được một thị trường cạnh tranh, minh bạch. “Hiện cả ba khâu sản xuất, truyền tải, phân phối đều nằm trong tay EVN. Cần tách một số bộ phận hiện nay trong EVN như Công ty mua bán điện và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thành công ty độc lập”.
Về thị trường cạnh tranh, ông Thuyên cho rằng không quá khó, có thể làm ngay. Như khâu phân phối, hoàn toàn có thể cho các thành phố lập các công ty cổ phần phân phối điện, sau đó cho đấu thầu để các công ty này bán điện với giá cạnh tranh đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Phạm Minh Thụy cho rằng với bậc thang tính giá điện hiện nay, người giàu dùng trên 400 kWh/tháng thì kWh thứ 401 trở lên chỉ phải chịu mức 2.060 đồng/kWh. Trong khi đó nhiều hộ gia đình dùng trên 700 kWh/tháng. Vì vậy, ông Thụy yêu cầu đưa thêm bậc thang để nâng giá điện bán cho những người dùng trên 400kWh/tháng, mức giá thang này nên ở mức 3.000-4.000 đồng/kWh, gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân...
Khi tăng giá, ông Thụy đề nghị không nên giao Bộ Công thương đang quản lý EVN phê duyệt giá mà giao cho Bộ Tài chính. Đặc biệt, theo ông Thụy, Cục Điều tiết điện lực cần được tách ra làm cơ quan độc lập, không nằm trong bộ chủ quản EVN để đảm bảo công bằng.