Con đường mang tên nhà báo liệt sĩ Bùi Đình Tuý

Thứ Tư, 15/09/2010 10:42 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Trong hai cuộc kháng chiến, 262 nhà báo TTXVN đã hy sinh trên khắp chiến trường, trong những phóng viên chiến trường ngã xuống ấy, nhà báo Bùi Đình Tuý (bút danh Đinh Thúy) được vinh dự đặt tên cho một con đường và cây cầu ở TP.HCM bởi những cống hiến to lớn của ông đối với đất nước. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập TTXVN (15/9/1945 – 15/9/2010) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, TT&VH xin giới thiệu đến độc giả tấm gương nhà báo, liệt sĩ Bùi Đình Tuý và con đường mang tên ông.

Chiến tranh đã đi qua 35 năm, nhưng kí ức về nhà báo - liệt sĩ Bùi Đình Túy mãi mãi không phai mờ trong trái tim những đồng đội.

Cụ già sống cuối đường Bùi Đình Túy

Giữa trưa Hè nóng bức, chúng tôi rảo dọc đường Bùi Đình Túy dài gần 2km thuộc quận Bình Thạnh, con đường có chiếc cầu nhỏ cùng tên. Một không gian rộng mở trước mắt chúng tôi, con đường thẳng tắp dài và rộng, những căn nhà cao tầng, những cửa hàng có bảng hiệu sáng loáng nằm san sát bên nhau. Nhưng đoạn sau, con đường Bùi Đình Túy chỉ còn rộng chừng 4 mét, chạy uốn lượn trước khi đến điểm kết thúc.


Chân dung liệt sĩ - nhà báo Bùi Đình Túy

Nhà báo Bùi Đình Túy sinh ngày 12/2/1914 trong một gia đình nông dân làng Cảnh Dương (Quảng Bình). Năm 1935 ông ra Hà Nội học nghề ảnh và nghề vẽ ở Trường Bách nghệ. Năm 1936 ông tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh và bị thực dân Pháp đuổi học. Ông vào Sài Gòn làm thợ vẽ cho một rạp chiếu bóng và tham gia cách mạng.

Trong Cách mạng tháng Tám, ông đã dùng ống kính nhiếp ảnh để ghi lại những sự kiện lịch sử của Cách mạng tại Sài Gòn. Sau cách mạng, ông phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở Thông tin đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, sau đó phụ trách nhiếp ảnh Nam bộ. Năm 1957, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh Trung ương, ông là phóng viên nhiếp ảnh duy nhất chụp ảnh Bác Hồ gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn và nhiều tấm ảnh lịch sử khác. Năm 1961 ông được cử sang CHDC Đức (cũ) học ảnh màu và năm 1962 là người đầu tiên xây dựng cơ sở ảnh màu tại Hà Nội. Năm 1965, ông trở về Đông Nam bộ làm Phó Giám đốc TTXGP, vừa chiến đấu ông vừa xây dựng và đào tạo đội ngũ nhiếp ảnh giải phóng.

Ngày 21/9/1967 ông hi sinh trên đường trở về cứ sau khi tường thuật diễn biến Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 2.

Trần Ấm (Nguyên phóng viên cao cấp TTXVN)
Trong một căn nhà nhỏ có tấm bảng hiệu viết tay “Nhận sửa quần áo, thay dây khóa”, bên chiếc máy khâu được đặt gọn gàng trên nền gạch bông, bà Đào Ngọc Mai, gần 70 tuổi đang ngồi đọc báo. Khi được hỏi về con đường chạy qua trước cửa nhà, bà nói bằng giọng đậm chất Nam bộ: “Tôi đã sống ở đây hơn 30 năm. Ngày trước, khi con đường chưa được đặt tên, nơi này còn vắng vẻ lắm, gần hai chục năm nay, cũng là từ khi con đường được mang tên Bùi Đình Túy, phố phường dần trở nên đông đúc hẳn ra”. Thật bất ngờ, bà hỏi lại chúng tôi: “Các cháu có biết con đường này mang tên của một nhà báo đã hi sinh? Ông có công với Cách mạng miền Nam nên thành phố đã chọn tên ông đặt cho con đường này đấy”.

Rồi bà trầm ngâm một lúc, xếp gọn tờ báo trên tay, bà nói tiếp: “Các con đường ở thành phố mình đều đặt tên của các danh nhân, anh hùng. Các cháu có nhận ra rằng, chúng ta đang sống rất gần với trang sử hào hùng của dân tộc, với các vị anh hùng cách mạng trong sự nghiệp chống Pháp, chống Mĩ cứu nước”.

Và những kí ức không bao giờ quên

Chúng tôi tìm gặp những người đã từng sát cánh chiến đấu với nhà báo Bùi Đình Túy để được nghe những nhà báo lão thành kể về kí ức không bao giờ quên.

Trong căn phòng làm việc của mình, nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, nguyên là phóng viên báo Nhân Dân, Trưởng Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, kể lại: “Đinh Thúy tức anh Bùi Đình Túy là một nhà nhiếp ảnh lớn, nhiều năm trong nghề và có nhiều tác phẩm ảnh qúy giá về Bác Hồ. Khi tôi làm phóng viên mảng chính trị - xã hội của báo Nhân Dân tôi có nhiều kỉ niệm về anh. Nhưng kỉ niệm sâu sắc nhất là lúc chúng tôi tác nghiệp tại Đại hội Đảng lần thứ 3, tháng 9/1960.

44 nhà báo trong nước và nước ngoài, có cả tôi và anh Đinh Thúy được chụp ảnh với Bác Hồ và tấm ảnh ấy tôi giữ gìn như một báu vật.


Nhà báo Bùi Đình Túy (ngoài cùng bên phải) được chụp ảnh chung với Bác Hồ
Năm 1967, tôi, anh Đinh Thúy và các anh em khác tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 2, được tổ chức tại căn cứ bí mật gần chân núi Bà Rá, tỉnh Bình Phước. Đoàn nhà báo xuất phát từ căn cứ Trung ương Cục tại Tây Ninh đi lên Bà Rá, cả đoàn đi bộ 7 ngày mới tới điểm tham dự Đại hội. Nhiều người bị sốt rét rừng, lúc ấy anh Đinh Thúy là người lớn tuổi nhất trong đoàn cũng bị bệnh sốt rét hành hạ. Nhưng mỗi sáng, anh vẫn hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần anh em trong đoàn.

Khi Đại hội diễn ra, mặc cho sức khỏe còn yếu, anh Đinh Thúy vẫn lao động hăng say, sáng tác ảnh không mệt mỏi. Tôi đâu có ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp anh Đinh Thúy. Trên đường trở về căn cứ sau Đại hội, bị máy bay địch phát hiện bắn rốc két, thả bom bi, anh đã hi sinh”.

Chia tay nhà báo Đinh Phong, chúng tôi lại tìm nhà báo lão thành Nguyễn Đức Chính năm nay đã bước qua tuổi 80, là đồng nghiệp của nhà báo Đinh Thúy công tác tại Phòng Nhiếp ảnh Thông tấn xã Giải phóng. Nhà báo Đức Chính kể lại: “Sau 3 ngày anh Đinh Thúy hi sinh, lãnh đạo cơ quan lúc ấy quyết định phân công tôi dẫn 1 tổ 3 người mang theo dụng cụ chôn cất anh Đinh Thúy và các anh em khác hi sinh. Khi đi hơn 1 ngày đường, thì nghe Bộ Tư lệnh cho biết, chỗ địch oanh tạc, quân Mĩ đã hành quân đến chiếm đóng và san lấp mặt bằng. Lúc đó chúng tôi phải dò hỏi thêm tin tức cho thật chính xác và quay về báo cáo lãnh đạo biết. Đến nay chưa tìm được phần mộ của anh Đinh Thúy. Năm 2007, tôi có gửi một lá thư cho anh Bùi Đình Toái, con trai của anh Đinh Thúy, tôi kể lại những gì tôi biết được về sự hy sinh của anh Đinh Thúy để gia đình có thêm thông tin cho việc tìm mộ của anh Đinh Thúy”.

Trong hai cuộc kháng chiến, hơn 400 nhà báo đã ngã xuống trên chiến trường, trong đó, quá nửa là các nhà báo TTXVN. Họ mãi mãi là niềm tự hào cho các thế hệ nhà báo hôm nay, trong đó có một niềm tự hào mang tên nhà báo - liệt sĩ cách mạng Bùi Đình Túy.

Xứng đáng được vinh danh với những tên đường, phố

“Cha tôi đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Cha hi sinh nhưng đến nay chưa tìm thấy hài cốt, Nhà nước đã có nhiều huân, huy chương ghi nhận cống hiến của ông, và việc đặt tên ông cho con đường ở TP.HCM theo tôi chính là một hình thức lưu danh muôn thủa. Tên cha tôi không chỉ gắn với lịch sử vẻ vang mà gắn với tiềm thức và cuộc sống hằng ngày của nhân dân, ở nơi mà ông bỏ xương máu của mình để có ngày toàn thắng.


Ông Bùi Đình Toái bên cây cầu và con đường mang tên cha
TTXVN có nhiều những nhà báo liệt sĩ có cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo tôi, những liệt sĩ nhà báo ấy cũng xứng đáng được vinh danh với những tên đường, tên phố” (Phát biểu của ông Bùi Đình Toái, con trai liệt sĩ Bùi Đình Túy)


Đón đọc Bài 2: Lịch sử còn nằm ở những tên đường

Điền Minh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›